Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Lương Văn Lý và Luật sư Trần Thanh Tùng có tiêu đề: “Doanh nghiệp dân doanh trong sự chèn ép tứ bề” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 28/03/2019.
***
Trong bối cảnh Chính phủ luôn ủng hộ việc tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân và coi kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế, vậy đâu nguyên nhân kìm hãm sự phát triển của khu vực này?
LƯỠNG ĐẦU “THỌ ĐỊCH”
Trong quá trình hành nghề với tư cách luật sư, chúng tôi có may mắn đuợc tiếp xúc và hỗ trợ rất nhiều doanh nhân nuớc ngoài cũng như trong nuớc trong quá trình kinh doanh tại Việt Nam. Qua những va chạm và co xát với họ, chúng tôi dường như thấy một câu trả lời mơ hồ cho câu hỏi trên.
Tổng quan, nền kinh tế Việt Nam có thể chia thành ba khối: khối doanh nghiệp có vốn nhà nước; khối doanh nghiệ có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Các thống kê chỉ ra rằng các doanh nghiệp FDI phát triển khá tốt ở Việt Nam và ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Khối doanh nghiệp có vốn nhà nước chưa đáp ứng được kỳ vọng trở thành những cú đấm thép để phát triển kinh tế, tương xứng với các nguồn lực xã hội mà các doanh nghiệp này đã, đang nắm giữ. Khối doanh nghiệp dân doanh đa số đều là các doanh nghiệp nhỏ và rất nhỏ. Trong quan hệ thổng thể, khối doanh nghiệp dân doanh trong nước bị chèn ép bởi các doanh nghiệp có vốn nhà nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp nhà nước còn có lợi thế quan trọng: cơ chế và quan hệ lịch sử với cơ quan nhà nước. Lợi thế ấy mang lại cho các doanh nghiệp nhà nước quyền chiếm hữu các nguồn lực kinh doanh quan trọng như đất đai, tài nguyên, tài chính, khả năng tiếp cận tín dụng và nhiều ưu đãi khác.
Doanh nghiệp FDI có nhiều lợi thế khi đầu tư và kinh doanh tại Việt Nam. Với số vốn đầu tư lớn, họ được chào đón ở mọi nơi; các tỉnh thành tranh nhau trải thảm đỏ mời gọi với nhiều ưu đãi về thuế, đất đai, chính sách…những ưu đãi mà doanh nghiệp dân doanh trong nước ít dám mơ tới, trừ một vài doanh nghiệp dân doanh cực lớn. Doanh nghiệp FDI còn có lợi thế riêng khác là khả năng thoát khỏi sự kiểm soát của pháp luật Việt Nam. Kinh doanh tại Việt Nam nhưng cơ quan đầu não của họ nằm ở nước ngoài.
Hoạt động của các doanh nghiệp FDI vươn qua biên giới Việt Nam và do vậy, họ vượt lên tầm kiểm soát của Chính phủ Việt Nam. Về nguyên tắc, luật Việt Nam không thể có hiệu lực quá biên giới Việt Nam. Một ông chủ nước ngoài nếu kinh doanh thua lỗ tại Việt Nam, ông ta hoàn toán có thể bỏ doanh nghiệp để về nước. Chính phủ và các chủ nợ tại Việt Nam sẽ loay hoay xử lý “đống rác” mà họ để lại. Do vậy, doanh nghiệp FDI sẽ vẫn phát triển bất kể pháp luật Việt Nam thay đổi như thế nào.
Doanh nghiệp dân doanh có lợi thế gì? Hầu như không. Vốn quá nhỏ họ không dám mơ đến các ưu đãi của địa phương. Không chiếm giữ nguồn lực lớn về đất đai, tài chính, họ phải nương theo doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI để tồn tại và phát triển. Không thể bỏ doanh nghiệp mình để đi nước ngoài, họ phải chấp nhận đương đầu với môi trường kinh doanh khó khăn tại Việt Nam. Họ suy cho cùng không thể thoát ra được cơ chế và môi trường kinh doanh tại Việt Nam. Do vậy, họ “nhỏ bền vững”. Nói như ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp dân doanh chỉ là những “đội thuyền thúng” trước biển lớn. Thực ra, đa số họ chưa đủ sức vóc để đương đầu với áp lực cạnh tranh trong nền kinh tế trong nước, nói gì đến việc “đánh bắt xa bờ”.
NHÀ NƯỚC – TRỌNG TÀI HAY ĐỐI THỦ?
Trong mối quan hệ với cộng đồng doanh nghiệp, Nhà nước hiện đang đóng hai vai trò cùng một lúc: Người tạo dựng luật chơi và nhà đầu tư. Nhà nước ban hành pháp luật làm luật chơi cho các loại hình doanh nghiệp cạnh tranh bình đẳng với nhau, đồng thời làm trọng tài khi có tranh chấp giữa các thành viên thị trường. Vai trò thứ hai thông qua việc đầu tư và nắm giữ vốn trong các doanh nghiệp nhà nước hoặc các doanh nghiệp có vốn nhà nước. Để trở thành người trọng tài công bằng, Nhà nước phải trung lập và phi lợi nhuận, nhưng để có lợi nhuận, Nhà nước trong vai trò nhà đầu tư phải cạnh tranh tranh cùng các doanh nghiệp khác để thu lợi nhuận. Như vậy hai vai trò này mâu thuẫn nhau.
Hiện giờ Nhà nước vẫn chưa thực hiện tốt vai trò tạo dựng luật chơi. Nhiều chính sách và luật đề cao mục đích quản lý nhà nước hơn là tạo điều kiện cho doanh nghiệp kinh doanh. Luật Doanh nghiệp 2014 đã cố gắng loại bỏ việc ban hành tùy tiện các điều kiện kinh doanh và “nhốt” các ngành nghề kinh doanh có điều kiện trong con số 276 (nay còn 243). Tuy nhiên, bất cứ thời điểm nào, các điều kiện kinh doanh vẫn có thể được các bộ, các cơ quan nhà nước khác khai sinh. Đòi quyền tự do kinh doanh luôn là cuộc chiến từ năm 1990 (khi Luật Doanh nghiệp tư nhân và Luật Công ty đầu tiên ra đời) cho đến nay. Vụ Vinasun kiện Grabm suy cho cùng, là vụ tranh chấp giữa Vinasun và Nhà nước để hủy bỏ điều kiện kinh doanh bất công và đòi quyền kinh doanh bình đẳng của các hãng taxi truyền thống nội địa.
Không những vậy, các chính sách bất lợi từ Nhà nước có thể bất thình lịnh ụp xuống đầu doanh nghiệp dân doanh bất cứ lúc nào. Vụ lùm xùm về dự thảo Tiêu chuẩn quốc gia “Quy phạm thực hành sản xuất nước mắm” giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp vừa rồi có thể là một ví dụ.
Quan sát sự phát triển của doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp dân doanh, có một câu hỏi bật ra một cách tự nhiên: Phản chăng các cơ chế, luật lệ mà chúng ta ban hành là một trong những nguyên nhân quan trọng ngăn cản sự phát triển của doanh nghiệp dân doanh? Đối với nhiều người, câu trả lời là rất rõ ràng!
LÀM SAO ĐỂ DOANH NGHIỆP DÂN DOANH PHÁT TRIỂN?
Bối cảnh hiện nay cho thấy doanh nghiệp dân doanh bị vây ba mặt bởi doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp có vốn nhà nước và chính Nhà nước khiến doanh nghiệp dân doanh không có không gian phát triển. Một câu hỏi chính xác là: Nhà nước cần làm gì để phát triển doanh nghiệp dân doanh? Để phát triển doanh nghiệp dân doanh, cần cho nó không gian phát triển!
Về mặt chính sách, có lẽ đến lúc Nhà nước phải thay đổi quan điểm về mức độ ưu tiên giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, theo đó phải ưu tiên cho doanh nghiệp tư nhân, thực sự coi doanh nghiệp tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế.
Về luật pháp, nhân dịp sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sắp tới, chúng tôi cho rằng cần tiếp tục thu hẹp phạm vi ngành nghề cấm kinh doanh hoặc kinh doanh có điều kiện để doanh nghiệp tự do kinh doanh.
Đồng thời, cần mạnh dạn bỏ Luạt Đầu tư hoặc hợp nhất Luật Đầu tư vào Luật Doanh nghiệp vì Luật Đầu tư đã không còn vai trò lịch sử.
Về lâu dài, Nhà nước nên từng bước thu hẹp vai trò nhà đầu tư để chuyển sang làm tốt vai trò người tạo dựng luật chơi. Cổ phần hóa cũng là một phương thức phù hợp cần đẩy mạnh nhằm đa dạng hóa sở hữu trong doanh nghiệp nhà nước để từ đó nâng cao hiệu quả của khối doanh nghiệp nhà nước.