MIrMYRy

Một số quy định mới trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Vào ngày 01/11/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 80/2019/NĐ-CP (Nghị định 80) sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2016/NĐ-CP  và Nghị định 98/2013/NĐ-CP về lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm.

Theo đó, Nghị định 80 sửa đổi, bổ sung một số nội dụng cụ thể như sau:

1. Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

Dịch vụ phụ trợ bảo hiểm là bộ phận cấu thành của hoạt động kinh doanh bảo hiểm được ghi nhận tại Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2019. Cá nhân trực tiếp thực hiện các hoạt động phụ trợ bảo hiểm phải đáp ứng các điều kiện sau về  các văn bằng và chứng chỉ:

  • Hoạt động tư vấn bảo hiểm: có văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc từ đại học trở lên chuyên ngành khác và có chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm.
  • Hoạt động đánh giá rủi ro bảo hiểm: có văn bằng từ đại học trở lên chuyên ngành bảo hiểm hoặc từ đại học trở lên chuyên ngành khác và có chứng chỉ về đánh giá rủi ro bảo hiểm.
  • Hoạt động tính toán bảo hiểm:
    • Đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe thì phải được đào tạo, có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 10 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe và là thành viên (Fellow) của một trong những Hội các nhà tính toán bảo hiểm được quốc tế thừa nhận rộng rãi hoặc Hội các nhà tính toán bảo hiểm là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế hoặc có kinh nghiệm làm việc tối thiểu 05 năm về tính toán trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe kể từ khi là thành viên (Fellow) của một trong các Hội trên; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm.
    • Đối với doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải là thành viên của Hội các nhà tính toán bảo hiểm đang là thành viên chính thức của Hội các nhà tính toán bảo hiểm quốc tế; không vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề tính toán bảo hiểm.
    • Hoạt động giám định tổn thất bảo hiểm: có văn bằng từ cao đẳng trở lên phù hợp với lĩnh vực giám định; có chứng chỉ về giám định tổn thất bảo hiểm và có ít nhất ba năm công tác trong lĩnh vực giám định
    • Hoạt động hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm phải đáp ứng điều kiện là có văn bằng từ cao đẳng trở lên và có chứng chỉ về hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

2. Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm

2.1 Hành vì cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới đối với cá nhân, tổ chức nước ngoài

  • Phạt tiền từ 90-100 triệu đồng đối với trường hợp cá nhân nước ngoài cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam nhưng không phải là công dân tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới.
  • Phạt tiền từ 180-200 triệu đồng đối với trường hợp tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không có trụ sở chính tại quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có cam kết mở cửa thị trường đối với dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức nước ngoài cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm còn bị đình chỉ từ 3-6 tháng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:

  • Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam không đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 93b được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ.
  • Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đúng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được phép cung cấp theo quy định pháp luật.

Trong thời gian bị đình chỉ cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, cá nhân, tổ chức nước ngoài tiếp tục có hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ tư vấn bảo hiểm qua biên giới tại Việt Nam từ 6-12 tháng.

2.2 Hành vi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm của cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm

  •  Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sau:
    • Không giữ bí mật thông tin khách hàng hoặc sử dụng thông tin khách hàng không đúng mục đích hoặc cung cấp thông tin cho bên thứ ba mà không có sự chấp thuận của khách hàng, trừ trường hợp cung cấp theo quy định của pháp luật.
    • Tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm và hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà tổ chức đó đồng thời là bên mua bảo hiểm hoặc người được bảo hiểm hoặc người thụ hưởng.
    • Doanh nghiệp môi giới bảo hiểm cung cấp dịch vụ giám định tổn thất bảo hiểm cho hợp đồng bảo hiểm mà doanh nghiệp đó thực hiện thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm.
    • Không thực hiện đúng quy chuẩn kỹ thuật trong lĩnh vực dịch vụ phụ trợ bảo hiểm.
    • Hợp đồng cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không được lập bằng văn bản.
  • Phạt tiền từ 60-70 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm:
    • Cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đáp ứng điều kiện cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm theo quy định pháp luật. Ngoài ra, cá nhân cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm không đúng loại hình dịch vụ phụ trợ bảo hiểm được quyền cung cấp còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tước quyền sử dụng Chứng chỉ về tư vấn bảo hiểm từ 01 đến 03 tháng.
    • Tổ chức không có tư cách pháp nhân cung cấp một trong các dịch vụ phụ trợ bảo hiểm sau: Đánh giá rủi ro bảo hiểm, tính toán bảo hiểm, giám định tổn thất bảo hiểm, hỗ trợ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Ngoài ra, cá nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm có hành vi vi phạm nêu trên sẽ còn bị phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động cung cấp dịch vụ phụ trợ bảo hiểm từ 01 đến 03 tháng.

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 11 năm 2019.
 

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top