Không phải kiểu dáng công nghiệp nào cũng được pháp luật bảo hộ theo Luật Sở hữu trí tuệ. Để được bảo hộ thì kiểu dáng công nghiệp đó cần phải đáp ứng đủ những điều kiện cụ thể nào? Mời bạn đọc cùng tham khảo nội dung bài viết dưới đây:
Điều kiện đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Theo quy định pháp luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, một kiểu dáng công nghiệp có thể được bảo hộ nếu đáp ứng được các điều kiện về tính mới, tính sáng tạo và có tính ứng dụng trong công nghiệp.
Tính mới
Tính mới là yêu cầu cơ bản, thiết yếu và mang tính tiên quyết đối với vấn đề quyết định một sáng chế có được đăng ký bảo hộ theo pháp luật hay không. Một kiểu dáng được cho là có tính mới nếu như nó có khác biệt rõ ràng so với kiểu dáng công nghiệp khác đã được công bố rộng rãi thông qua việc sử dụng họăc bằng những phương tiện mô tả dưới dạng văn bản hoặc dưới bất cứ hình thức nào dù ở trong hay ở ngoài nước Việt Nam trước ngày nộp đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp.
Tính sáng tạo
Để đánh giá về tính sáng tạo của kiểu dáng công nghiệp được nêu trong đơn, phải tiến hành so sánh tập hợp những đặc điểm tạo dáng cơ bản của kiểu dáng công nghiệp đó đối với tập hợp các đặc điểm tạo dáng cơ bản cho từng kiểu dáng công nghiệp đối chứng trùng lặp hoặc là tương tự tìm được trong quá trình tra cứu thông tin.
Khả năng ứng dụng trong công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp có thể được dùng làm mẫu để chế tạo hàng loạt các sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó thông qua phương pháp công nghiệp hoặc phương pháp thủ công nghiệp.
Những trường hợp đối tượng trong đơn bị xem là không có khả năng áp dụng công nghiệp:
- Đối tượng nêu trong đơn đăng ký là hình dáng của sản phẩm dưới trạng thái tồn tại không cố định
- Chỉ có thể tạo ra sản phẩm có hình dáng như đối tượng đã nêu trong đơn nhờ phải có kỹ năng đặc biệt hoặc không thể lặp đi lặp lại việc chế tạo ra những sản phẩm có hình dáng như đối tượng được nêu trong đơn;
- Những trường hợp có lý do xác đáng khác.
Thời hạn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Được quy định tại khoản 4 Điều 93 Luật Sở hữu trí tuệ: “Bằng độc quyền về kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và được kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn và có thể gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần gia hạn được 5 năm”.
Thành phần hồ sơ
Để được cấp bằng độc quyền cho kiểu dáng công nghiệp của mình thì tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ có các văn bản, giấy tờ sau:
- Tờ khai – 02 bản;
- Bộ ảnh chụp/bản vẽ – 05 bản;
- Bản mô tả – 01 bộ;
- Các tài liệu có liên quan;
- Chứng từ chứng minh đã nộp phí, lệ phí;
- Số lượng hồ sơ: 01 bộ
Thủ tục đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Bước 1: Nộp hồ sơ
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký kiểu dáng công nghiệp chuẩn bị 01 bộ hồ sơ có đầy đủ các thành phần như nêu trên. Sau khi hoàn thành hồ sơ, tổ chức, cá nhân nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện tới Cục Sở hữu trí tuệ.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký kiểu dáng công nghiệp, cán bộ chuyên viên thuộc Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành trực tiếp kiểm tra việc tính pháp lý về mặt hình thức của bộ hồ sơ. Việc kiểm tra sẽ thông báo 2 kết quả như sau:
Đối với hồ sơ hợp lệ, Cục Sở hữu ra thông báo chấp nhận đơn cho cá nhân, tổ chức đã nộp đơn
Đối với hồ sơ không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ thông báo từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Những hồ sơ hợp lệ được cấp thông báo chấp thuận đơn sẽ được Cục Sở hữu trí tuệ công bố ở trên Công báo sở hữu công nghiệp.
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Sau khi hồ sơ được chấp nhận hợp lệ về mặt hình thức, thì đối tượng trong hồ sơ đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp sẽ được thẩm định về mặt nội dung. Để thẩm định về mặt nội dung, Cục Sở hữu trí tuệ tiến hành các công việc cụ thể đó là: đánh giá khả năng bảo hộ của đối tượng đã nêu trong đơn theo 3 điều kiện bảo hộ được nêu trên (có tính mới, tính sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp), qua đó nhằm xác định được phạm vi bảo hộ tương ứng.
Kết quả công việc thực hiện thẩm định nội dung như sau:
- Đối với đối tượng trong hồ sơ không đáp ứng được những yêu cầu về bảo hộ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết đinh về việc từ chối cấp văn bản bảo hộ;
- Đối với đối tượng trong hồ sơ đáp ứng được những yêu cầu về bảo hộ. Đồng thời, tổ chức và cá nhân nộp đơn đã hoàn tất nghĩa vụ nộp phí lệ phí đầy đủ, thì Cục Sở hữu trí tuệ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Sau khi đã có quyết định, kiểu dáng công nghiệp sẽ được ghi nhận tại Sở đăng ký quốc gia về quyền sở hữu công nghiệp và được công bố trên Công báo Sở hữu trí tuệ.
Thời hạn giải quyết
- Thẩm định về hình thức: 01 tháng từ ngày nhận đơn;
- Công bố đơn: 2 tháng kể từ ngày đơn hợp lệ được chấp nhận.
- Thẩm định nội dung: 6 tháng từ ngày công bố đơn.
Lệ phí
- Lệ phí nộp đơn: 180.000 đồng.
- Lệ phí công bố đơn: 120.000 đồng.
- Phí thẩm định nội dung: 300.000 đồng.
- Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ: 120.000 đồng.
- Lệ phí đăng bạ: 120.000 đồng.
XEM THÊM: Quy định về kiểu dáng công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ
Trên đây, là những chia sẻ liên quan về điều kiện bảo hộ kiểu dáng công nghiệp mà GVLawyers muốn gởi đến bạn đọc. hy vọng, với những chia sẻ trên đây, bạn đọc đã hiểu hơn về phần nội dung quan trọng này.