Hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018

Hướng dẫn Luật Cạnh tranh 2018

Ngày 24/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 35/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số Điều của Luật Cạnh tranh do Quốc hội ban hành ngày 12 tháng 6 năm 2018. Theo đó Nghị định 35/2020/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 15/5/2020 và có một số nội dung đáng chú ý như sau:

(a) Xác định thị trường liên quan

Thị trường liên quan được xác định trên cơ sở thị trường sản phẩm liên quan và thị trường địa lý liên quan như sau:

  •  Xác định thị trường sản phẩm liên quan
    • Thị trường sản phẩm liên quan là thị trường của những hàng hóa, dịch vụ có thể thay thế cho nhau về đặc tính, mục đích sử dụng và giá cả.
    • Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về đặc tính nếu hàng hóa, dịch vụ đó có sự giống nhau hoặc tương tự nhau về một hoặc một số yếu tố như sau: (i)Đặc điểm của hàng hóa, dịch vụ; (ii) Thành phần của hàng hóa, dịch vụ; (iii) Tính chất vật lý, hóa học của hàng hóa; (iv) Tính năng kỹ thuật của hàng hóa, dịch vụ; (v) Tác dụng phụ của hàng hóa, dịch vụ đối với người sử dụng; (vi) Khả năng hấp thu của người sử dụng; (vii) Tính chất riêng biết khác của hàng hóa, dịch vụ.
    • Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về mục đích sử dụng nếu hàng hóa, dịch vụ đó có mục đích sử dụng chủ yếu giống nhau.
    • Hàng hóa, dịch vụ được coi là có thể thay thế cho nhau về giá cả khi giá chênh lệch nhau không quá 5% trong điều kiện giao dịch tương tự.
    • Nếu các yếu tố trên chưa đủ xác định thị trường sản phẩm liên quan thì có thể xem xét thêm một hoặc một số yếu tố như thời gian sử dụng của hàng hóa, dịch vụ; tập quán tiêu dùng…
  •  Xác định thị trường địa lý liên quan
    •  Thị trường địa lý liên quan là khu vực địa lý cụ thể trong đó có những hàng hóa, dịch vụ được cung cấp có thể thay thế cho nhau với các điều kiện cạnh tranh tương tự và có sự khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận.
    • Ranh giới của khu vực địa lý được xác định căn cứ theo yếu tố sau đây:
      • Khu vực địa lý có cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp tham gia phân phối hàng hóa, dịch vụ liên quan.
      • Cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp khác đóng trên khu vực địa lý lân cận đủ gần với khu vực địa lý quy định tại điểm a khoản này để có thể tham gia cạnh tranh với các hàng hóa, dịch vụ liên quan trên khu vực địa lý đó.
      • Chi phí vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
      • Thời gian vận chuyển hàng hóa, cung ứng dịch vụ.
      • Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường.
      • Tập quán tiêu dùng.
      • Chi phí, thời gian để khách hàng mua hàng hóa, dịch vụ;
    • Khu vực địa lý được coi là có điều kiện cạnh tranh tương tự và khác biệt đáng kể với các khu vực địa lý lân cận nếu thỏa mãn một trong các tiêu chí sau đây:
      • Chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển làm giá của hàng hóa, dịch vụ tăng không quá 10%.
      • Có sự hiện diện của một trong các rào cản gia nhập, mở rộng thị trường quy định tại Điều 8 của Nghị định này.

 

 (b) Xác định thị phần

  • Thị phần của doanh nghiệp trên thị trường liên quan được xác định theo một trong các phương pháp quy định tại Điều 10 Luật Cạnh tranh.
  • Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết được xác định như sau:
    • Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ để xác định thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết được tính bằng tổng doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với loại hàng hóa, dịch vụ đó của tất cả doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết.
    • Doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào đối với một loại hàng hóa, dịch vụ của nhóm doanh nghiệp liên kết không bao gồm doanh thu bán ra, doanh số mua vào, số đơn vị bán ra, mua vào từ việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ giữa các doanh nghiệp trong nhóm doanh nghiệp liên kết.
  • Thị phần của doanh nghiệp thuộc nhóm doanh nghiệp liên kết là thị phần của nhóm doanh nghiệp liên kết đó.

 

(c) Xác định sức mạnh thị trường đáng kể

Nội dung xác định sức mạnh thị trường đáng kể của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp căn cứ vào một hoặc một số yếu tố như sau:

  • Tương quan thị phần giữa các doanh nghiệp trên thị trường liên quan.
  • Sức mạnh tài chính, quy mô của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp.
  • Rào cản gia nhập, mở rộng thị trường đối với doanh nghiệp khác.
  • Khả năng nắm giữ, tiếp cận, kiểm soát thị trường phân phối, tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ hoặc nguồn cung hàng hóa, dịch vụ.
  • Lợi thế về công nghệ, hạ tầng kỹ thuật của doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp.
  • Quyền sở hữu, nắm giữ, tiếp cận cơ sở hạ tầng.
  • Quyền sở hữu, quyền sử dụng đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.
  • Khả năng chuyển sang nguồn cung hoặc cầu đối với các hàng hóa, dịch vụ liên quan khác.
  • Các yếu tố đặc thù trong ngành, lĩnh vực mà doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh.

 

(d) Ngưỡng an toàn đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh và tập trung kinh tế

  • Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh được coi là không gây ra hoặc không có khả năng gây tác động hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
    • Đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp trên cùng thị trường liên quan, khi thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 5%. (Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều ngang)
    • Đối với thỏa thuận hạn chế cạnh tranh giữa các doanh nghiệp kinh doanh & các công đoạn khác nhau trong cùng một chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định, khi thị phần của từng doanh nghiệp tham gia thỏa thuận nhỏ hơn 15%. (Thỏa thuận hạn chế cạnh tranh theo chiều dọc)
  • Tập trung kinh tế được coi là an toàn khi:
    • Thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế ít hơn 20% trên thị trường liên quan; hoặc thị phần kết hợp của các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan và tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan thấp hơn 1.800 (tính theo công thức quy định tại Điều 2.4 của Nghị định 35/2020/NĐ-CP); hoặc thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan, tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp sau tập trung kinh tế trên thị trường liên quan trên 1.800 và biên độ tăng tổng bình phương mức thị phần của các doanh nghiệp trên thị trường liên quan trước và sau tập trung kinh tế thấp hơn 100. (Tập trung kinh tế theo chiều ngang)
    • Các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế có quan hệ với nhau trong chuỗi sản xuất, phân phối, cung ứng đối với một loại hàng hóa, dịch vụ nhất định hoặc ngành, nghề kinh doanh của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế là đầu vào của nhau hoặc bổ trợ cho nhau có thị phần thấp hơn 20% trên từng thị trường liên quan. (Tập trung kinh tế theo chiều dọc)

 

(e) Ngưỡng thông báo tập trung kinh tế

  • Các doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế phải thông báo cho Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia trước khi thực hiện tập trung kinh tế nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
    • Tổng tài sản trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
    • Tổng doanh thu bán ra hoặc doanh số mua vào trên thị trường Việt Nam của doanh nghiệp hoặc nhóm doanh nghiệp liên kết mà doanh nghiệp đó là thành viên đạt 3.000 tỷ đồng trở lên trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
    • Giá trị giao dịch của tập trung kinh tế từ 1.000 tỷ đồng trở lên.
    • Thị phần kết hợp của doanh nghiệp dự định tham gia tập trung kinh tế từ 20% trở lên trên thị trường liên quan trong năm tài chính liền kề trước năm dự kiến thực hiện tập trung kinh tế.
  • Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ thông báo tập trung kinh tế đầy đủ, hợp lệ, Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia ra thông báo kết quả thẩm định sơ bộ việc tập trung kinh tế.

 

Ngoài ra, Nghị định 35/2020/NĐ-CP còn quy định chứng cứ trong tố tụng cạnh tranh như: quyền, nghĩa vụ chứng minh; những tình tiết, sự kiện không phải chứng minh; giao nộp chứng cứ; Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định; trưng cầu giám định chứng cứ bị tố cáo là giả mạo; ủy thác thu thập tài liệu, chứng cứ; bảo quản chứng cứ; đánh giá chứng cứ; công bố và sử dụng chứng cứ.  Trình tự, thủ tục áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính trong điều tra, xử lý vụ việc cạnh tranh.
 
 
 

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top