Consular legalization of documents used in arbitral proceedings. VN

Hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu sử dụng trong trọng tài: Cơ sở cho việc hủy phán quyết trọng tài

GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của ông Lương Văn Lýbà Trần Nguyễn Phương Anh có tiêu đề: “Hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu sử dụng trong trọng tài: Cơ sở cho việc hủy phán quyết trọng tài” được đăng trên website The Legal 500 ngày 10/04/2024.

***

Cho đến nay, đã có hai trường hợp phán quyết trọng tài bị hủy bởi các tòa án tại Việt Nam với lý do các tài liệu phát hành ở nước ngoài và được các trọng tài viên chấp nhận là hợp lệ chưa thông qua thủ tục hợp pháp hóa bởi cán bộ lãnh sự trước khi được đệ trình trong tố tụng trọng tài. Sẽ là suy diễn nếu cho rằng sẽ có bất kỳ xu hướng nào phát triển từ những quyết định như vậy, nhưng cũng không phải là quá sớm để đặt câu hỏi về cơ sở pháp lý của những quyết định này.

SỰ KHÁC BIỆT TRONG CƠ QUAN TƯ PHÁP

  1. Năm 2020, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh (“Tòa Án TP.HCM”) ban hành Quyết định số 1768/QĐ-PQTT, nhận định rằng việc hội đồng trọng tài chấp nhận giấy ủy quyền (“GUQ”) không được hợp pháp hóa lãnh sự của một bên nước ngoài cho người đại diện tham gia tố tụng trọng tài là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam theo khoản 2 Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015. Tòa án không giải thích nguyên tắc cơ bản nào bị vi phạm[1].
  2. Năm 2023, Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội (“Tòa Án HN”) ban hành Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04 tháng 7 năm 2023 (“Quyết Định 12/2023”) về việc hủy một phán quyết trọng tài khác, cùng hướng với Quyết định số 1768/QĐ-PQTT[2].
  3. Cả hai Quyết định đều đã được một số chuyên gia và người hành nghề luật bình luận rằng “có giá trị tham khảo” liên quan đến nghĩa vụ hợp pháp hóa lãnh sự các GUQ phát hành ở nước ngoài[3] trước khi trình nộp trong thủ tục tố tụng.
  4. Trái ngược hoàn toàn, chỉ vài tháng sau đó, cũng chính Tòa Án HN trong một vụ việc tương tự đã ban hành Quyết định số 16/2023/QĐ-PQTT ngày 27 tháng 11 năm 2023 (“Quyết Định 16/2023”), cho rằng Đơn khởi kiện không cần hợp pháp hóa lãnh sự nếu cơ quan tiếp nhận (trong trường hợp này là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam – VIAC) không có yêu cầu[4].
  5. Sự bối rối phát sinh trong cả cộng đồng luật sư lẫn công chúng bởi sự không thống nhất ý kiến không chỉ giữa các thẩm phán ở Tòa Án TP.HCM và Tòa Án HN, mà đáng lo ngại nhất là giữa các thẩm phán của chính cùng một Tòa Án HN.

TÓM TẮT CÁC TÌNH TIẾT VÀ NHẬN ĐỊNH LIÊN QUAN TRONG QUYẾT ĐỊNH 12/2023 VÀ QUYẾT ĐỊNH 16/2023

[Vì mục đích phân tích, chỉ có Quyết Định 12/2023 và Quyết Định 16/2023 được thảo luận dưới đây vì các quyết định này thể hiện sự khác biệt trong quan điểm của cơ quan tư pháp]

Quyết Định 12/2023

  1. Bên mua trong hợp đồng mua bán cổ phần nộp Đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài VIAC đối với bên bán và bên bảo đảm. Nguyên đơn là công ty Singapore, các Bị đơn cùng có quốc tịch Việt Nam. Hội đồng Quản trị của Nguyên đơn đã thông qua nghị quyết ủy quyền cho một người đại diện cho họ trong thủ tục tố tụng trọng tài. Trên cơ sở nghị quyết đó, người đại diện theo ủy quyền này đã phát hành GUQ lại cho ba cá nhân khác. Các GUQ này đều không được hợp pháp hóa lãnh sự tại thời điểm được nộp cùng với Đơn khởi kiện.
  2. Trong quá trình tố tụng, các Bị đơn cho rằng những người đại diện của Nguyên đơn không có thẩm quyền ký và nộp Đơn khởi kiện vì nghị quyết và các GUQ không được hợp pháp hóa lãnh sự, do đó hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp. Sau đó, hội đồng trọng tài ban hành quyết định về thẩm quyền, trong đó cho rằng việc hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu này là không cần thiết vì hội đồng trọng tài là cơ quan tiếp nhận không có yêu cầu, theo khoản 4 Điều 9 Nghị định số 111/2011/NĐ-CP về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (“Nghị Định 111/2011”). Hội đồng trọng tài tiếp tục với việc giải quyết nội dung tranh chấp và kết thúc bằng một phán quyết có lợi cho Nguyên đơn.
  3. Không đồng ý với quyết định về thẩm quyền cũng như phán quyết của hội đồng trọng tài, các Bị đơn nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa Án HN. Một trong những cơ sở các Bị đơn trình bày là phán quyết trọng tài vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, cụ thể là Điều 14 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về rằng việc bảo vệ quyền dân sự khi bị xâm phạm hoặc có tranh chấp được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại tòa án hoặc trọng tài. Luật Trọng tài thương mại không quy định tiêu chuẩn để chứng cứ được chấp nhận, trong khi đó khoản 1 Điều 478 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định rằng tòa án chỉ chấp nhận và sử dụng giấy tờ, tài liệu do cơ quan, tổ chức nước ngoài phát hành trong trường hợp giấy tờ, tài liệu đó đã được hợp pháp hóa lãnh sự hoặc thuộc các trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự. Theo các quy định trên, việc hội đồng trọng tài chấp nhận và sử dụng nghị quyết Hội đồng Quản trị, các GUQ và Đơn khởi kiện của Nguyên đơn mà không được hợp pháp hóa lãnh sự là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam.
  4. Phản hồi điều này, Nguyên đơn tranh luận rằng khoản 2 Điều 4 và khoản 4 Điều 9 Nghị Định 111/2011 trao quyền cho cơ quan tiếp nhận giấy tờ, tài liệu tại Việt Nam quyết định việc các giấy tờ, tài liệu có cần phải được hợp pháp hóa lãnh sự trước khi chấp nhận và sử dụng hay không. Trong trường hợp này, việc không hợp pháp hóa lãnh sự không dẫn đến hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết vụ tranh chấp vì cả VIAC và hội đồng trọng tài đều không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự.
  5. Về vấn đề này, Hội đồng xét đơn của Tòa Án HN căn cứ vào khoản 1, 2, 3 Điều 4 Bộ luật Dân sự 2015 và Điều 1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 để lập luận rằng Bộ luật Dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 là “những đạo luật gốc cơ bản” và phải được áp dụng trong trường hợp các luật khác không có quy định. Nói cách khác, nếu Luật Trọng tài thương mại 2010 và các văn bản hướng dẫn không có quy định về vấn đề này, phải áp dụng Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể là khoản 1 Điều 478 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu phát hành tại nước ngoài. Vì vậy, việc Nguyên đơn không hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu và VIAC cũng như hội đồng trọng tài chấp nhận những tài liệu đó chính là vi phạm thủ tục tố tụng trong việc xác định tư cách khởi kiện.

Quyết Định 16/2023

  1. Vụ kiện trọng tài trong Quyết Định 16/2023 giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng mua bán hàng hóa giữa công ty có trụ sở tại Mỹ (Nguyên đơn) và công ty thành lập tại Việt Nam (Bị đơn). Đại diện theo pháp luật của Nguyên đơn phát hành GUQ cho hai cá nhân tại Việt Nam đại diện Nguyên đơn trong thủ tục tố tụng trọng tài, bắt đầu bằng việc nộp Đơn khởi kiện. Mặc dù GUQ không được hợp pháp hóa lãnh sự tại thời điểm nộp Đơn khởi kiện, nhưng sau đó đã được hợp pháp hóa lãnh sự theo yêu cầu của hội đồng trọng tài.
  2. Phán quyết trọng tài có lợi cho Nguyên đơn, khiến Bị đơn nộp đơn yêu cầu hủy phán quyết trọng tài tại Tòa Án HN. Bị đơn cho rằng phán quyết vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam vì Đơn khởi kiện được chấp nhận dù không được hợp pháp hóa lãnh sự, tức vi phạm khoản 2 Điều 4 Nghị Định 111/2011. Tương tự như giải thích của hội đồng trọng tài, Nguyên đơn tranh luận rằng theo khoản 4 Điều 9 Nghị Định 111/2011, vì VIAC là cơ quan tiếp nhận Đơn khởi kiện không có yêu cầu, nên việc hợp pháp hóa lãnh sự là không bắt buộc. Trong quyết định cuối cùng của tòa án, Hội đồng xét đơn có cùng quan điểm với Nguyên đơn.

HỢP PHÁP HÓA LÃNH SỰ CÓ BẮT BUỘC TRONG TRỌNG TÀI?

  1. Trước hết, cần thiết phải nêu ra những quy định pháp luật về hợp pháp hóa lãnh sự.
  • Theo khoản 2 Điều 2 Nghị Định 111/2021: “Hợp pháp hóa lãnh sự” là việc cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh trên giấy tờ, tài liệu của nước ngoài để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam.”
  • Khoản 2 Điều 4 Nghị Định 111/2011 quy định: “Để được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, các giấy tờ, tài liệu của nước ngoài phải được hợp pháp hóa lãnh sự, trừ trường hợp quy định tại Điều 9 Nghị định này.
  • Điều 9 Nghị Định 111/2011 quy định 04 trường hợp được miễn hợp pháp hóa lãnh sự, bao gồm:

1. Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo điều ước quốc tế mà Việt Nam và nước ngoài liên quan đều là thành viên, hoặc theo nguyên tắc có đi có lại.

2. Giấy tờ, tài liệu được chuyển giao trực tiếp hoặc qua đường ngoại giao giữa cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam và cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài.

3. Giấy tờ, tài liệu được miễn chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

4. Giấy tờ, tài liệu mà cơ quan tiếp nhận của Việt Nam hoặc của nước ngoài không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự, chứng nhận lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài.

  1. Nói cách khác, theo quy định pháp luật, việc hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài là bắt buộc để các tài liệu này được công nhận và sử dụng tại Việt Nam, trừ 04 trường ngoại lệ. Tuy nhiên, hãy tập trung vào Ngoại Lệ Số 4 rằng cơ quan tiếp nhận các tài liệu nước ngoài có thể không yêu cầu việc hợp pháp hóa lãnh sự phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam hoặc của nước ngoài và cố gắng xác định liệu Ngoại Lệ Số 4 có được áp dụng hay không và áp dụng như thế nào đối với các trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài, là nơi ban hành phán quyết áp dụng tại Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là: Các trung tâm và hội đồng trọng tài nên áp dụng quy định pháp luật nào để xác định rằng họ được quyền miễn hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài (chỉ đơn giản bằng việc không yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự)? Chắc chắn không phải căn cứ vào Luật Trọng tài thương mại 2010 vì luật này không có quy định.
  2. Trong Quyết Định 16/2023, tòa án xem VIAC là cơ quan tiếp nhận tại Việt Nam với quyền bỏ qua việc hợp pháp hóa lãnh sự nhưng việc tòa án chỉ viện dẫn Nghị Định 111/2011 có thể xem là chưa đầy đủ, thiếu đi các quy định pháp luật trao quyền đó cho hội đồng trọng tài. Sẽ là khó khăn để đồng ý với nhận định của tòa án trong Quyết Định 16/2023 về việc cơ quan tiếp nhận được toàn quyền quyết định việc không cần hợp pháp hóa lãnh sự. Nhận định này đã bỏ qua yêu cầu rằng quyền quyết định này phải được thực hiện phù hợp với quy định pháp luật tương ứng tại khoản 4 Điều 9 Nghị Định 111/2011. Mặt khác, trong Quyết Định 12/2023, Tòa Án HN cho rằng khi thiếu vắng quy định trong pháp luật trọng tài, tòa án phải chuyển sang áp dụng Điều 478 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015. Về mặt pháp lý, lập luận này không có cơ sở vì hai lý do sau: (i) như được quy định tại Điều 1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, Bộ luật Tố tụng Dân sự không áp dụng cho trung tâm trọng tài[5]; và (ii) cả hai khoản của Điều 478 Bộ luật Tố tụng Dân sự đều bắt đầu bằng: “Tòa án Việt Nam công nhận giấy tờ, tài liệu…”, rõ ràng có nghĩa là Điều 478 chỉ áp dụng cho tòa án. Chúng tôi không tìm thấy bất kỳ quy định pháp luật nào khác cho phép việc mặc định áp dụng Điều 478 hoặc toàn bộ Bộ luật Tố tụng Dân sự đối với hội đồng trọng tài hoặc thủ tục tố tụng trọng tài trong mọi trường hợp.
  3. Tóm lại, liên quan đến việc bắt buộc hợp pháp hóa lãnh sự trong tố tụng trọng tài, sự thật là hiện nay vẫn chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để kết luận cho bất kỳ hướng nhận định nào phía trên. Việc viện dẫn Bộ luật Tố tụng Dân sự để kết luận rằng hợp pháp hóa lãnh sự là bắt buộc cần phải được xem xét lại một cách nghiêm túc trên cơ sở những quy định pháp luật hiện hành. Trong khi đó, việc chỉ viện dẫn Nghị Định 111/2011 có vẻ là không đủ để cho rằng hội đồng trọng tài có toàn quyền quyết định việc hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài trước khi chấp nhận là cần thiết hay vô ích.
  4. Từ góc độ thực tiễn, tác giả nhận thấy cần phải nhắc lại rằng trọng tài có lợi thế tiết kiệm thời gian và tiền bạc so với việc giải quyết tranh chấp tại tòa án. Ưu điểm này nên được củng cố bằng cách tinh giản thủ tục và giấy tờ trong phạm vi cho phép của pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của trọng tài như nguyên tắc xét xử công bằng (due process) và không thiên vị (impartiality). Quay lại vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự, theo tác giả, tính hiệu quả của trọng tài sẽ được tăng cường nếu trung tâm trọng tài và hội đồng trọng tài có toàn quyền miễn yêu cầu về hình thức này và phải chịu trách nhiệm cho quyết định của mình trước các bên tranh chấp và pháp luật. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, cần giải quyết việc thiếu vắng quy định pháp luật như đã thảo luận tại đoạn 15 và 16 của bài viết cũng như sự bối rối phát sinh theo đó bằng cách sửa đổi Điều 9 Nghị Định 111/2011 hoặc bổ sung quy định phù hợp trong nghị định hướng dẫn áp dụng Luật Trọng tài thương mại mới hoặc sửa đổi. Việc cải cách Luật Trọng tài thương mại đang được xem xét chính là dịp thích hợp để làm điều này.

KHÔNG HỢP PHÁP HÓA LÃNH SỰ TRONG TRỌNG TÀI CÓ PHẢI LÀ VI PHẠM NGUYÊN TẮC CƠ BẢN CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM?

  1. “Trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” được biết đến là nguyên nhân được viện dẫn thường xuyên nhất cho việc hủy (hoặc từ chối công nhận và cho thi hành) phán quyết trọng tài[6]. Cơn đau đầu của các trọng tài viên, thẩm phán, những người quản lý tố tụng trọng tài và các bên tranh chấp đến từ việc chưa từng có nhận định chung về những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là gì. Để rõ ràng, ít nhất là trong khuôn khổ bài viết này, tác giả không có ý định gợi ý thay thế các nguyên tắc cơ bản của pháp bằng những cơ sở khác như “chính sách công” hoặc “trật tự công cộng” vốn đã khá phổ biến tại một số quốc gia. Công ước New York 1958 để ngỏ cho các quốc gia ký kết công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài “theo quy định về tố tụng của lãnh thổ nơi phán quyết được thi hành[7]. Chọn các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là cơ sở xem xét việc hủy phán quyết trọng tài (hoặc công nhận và cho thi hành) là một quyết định hợp pháp về chủ quyền và quốc tế của Việt Nam. Điều còn thiếu là một định nghĩa rõ ràng và xác định cụ thể những nguyên tắc cơ bản đó để được áp dụng hợp lý, nhất quán và thống nhất. Tiếp tục với cơ sở không rõ ràng vì không được xác định như vậy sẽ làm trầm trọng hơn tình trạng bối rối hiện tại, như đã được thể hiện trong các quyết định trái ngược là Quyết Định 12/2023 và Quyết Định 16/2023, và cũng tổn hại nghiêm trọng đến uy tín của trọng tài như một phương thức giải quyết tranh chấp thay thế (alternative dispute resolution), cả trong nước và quốc tế.
  2. Như một nỗ lực đưa ra định nghĩa, trong Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn: “phán quyết trọng tài trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” là phán quyết “vi phạm các nguyên tắc xử sự cơ bản có hiệu lực bao trùm đối với việc xây dựng và thực hiện pháp luật Việt Nam.[8] Đây được xem là một bước tiến quan trọng hướng đến sự rõ ràng, dù vậy chúng tôi cũng hy vọng sẽ có những bước tiến xa hơn, đặc biệt là việc lập pháp về trọng tài thương mại dường như đang được đánh giá kỹ lưỡng và toàn diện.

Kết luận

  1. Đến nay, tại Việt Nam đã có hai quyết định của tòa án (Quyết định số 1768/QĐ-PQTT của Tòa Án TP.HCM và Quyết Định 12/2023 của Tòa Án HN) hủy phán quyết trọng tài vì những tài liệu chưa được hợp pháp hóa lãnh sự được sử dụng trong thủ tục tố tụng, bất kể việc cơ quan quản lý thủ tục tố tụng và/hoặc hội đồng trọng tài đã chấp nhận các tài liệu này từ ban đầu. Nhưng điều đáng lo ngại hơn là việc không hợp pháp hóa lãnh sự, trong cả hai quyết định, được xem là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, một khái niệm vẫn đang mở cho nhiều cách diễn giải và áp dụng.
  2. Chúng tôi hy vọng hai vấn đề: (i) thẩm quyền của hội đồng trọng tài trong việc quyết định sự cần thiết của hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài trình nộp trong thủ tục tố tụng trọng tài, và (ii) định nghĩa “nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” sẽ được giải quyết phù hợp trong Luật Trọng tài thương mại sửa đổi sắp tới.

[1] Tony Nguyen, Manh Pham (EP Legal), Vietnamese Court Sets Aside Arbitral Award for Failure to Legalize POA: An Abuse of Due Process Requirements, 26/07/2023, Kluwer Arbitration Blog, xem tại: https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2023/07/26/vietnamese-court-sets-aside-arbitral-award-for-failure-to-legalize-poa-an-abuse-of-due-process-requirements/

[2] Xem Quyết định số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04 tháng 7 năm 2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1225914t1cvn/chi-tiet-ban-an

[3] Minh Dang, Nguyen Do, Thang Pham (YKVN), The Vietnamese Courts Have Spoken: Consular Authentication of Foreign Powers-of-Attorney Is a Must to Initiate a Vietnamese Arbitration, 25/08/2023, Kluwer Arbitration Blog, xem tại: https://arbitrationblog.kluwerarbitration.com/2023/08/25/the-vietnamese-courts-have-spoken-consular-authentication-of-foreign-powers-of-attorney-is-a-must-to-initiate-a-vietnamese-arbitration/

[4] Xem Quyết định số 16/2023/QĐ-PQTT ngày 27 tháng 11 năm 2023 của Tòa án nhân dân Thành phố Hà Nội tại: https://congbobanan.toaan.gov.vn/2ta1406438t1cvn/chi-tiet-ban-an

[5] Điều 1 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015: “Bộ luật tố tụng dân sự quy định những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng dân sự; trình tự, thủ tục khởi kiện để Tòa án nhân dân (sau đây gọi là Tòa án) giải quyết các vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là vụ án dân sự) và trình tự, thủ tục yêu cầu để Tòa án giải quyết các việc về yêu cầu dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động (sau đây gọi chung là việc dân sự); trình tự, thủ tục giải quyết vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự) tại Tòa án; thủ tục công nhận và cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài; thi hành án dân sự; nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng; quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng, của cá nhân, của cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức) có liên quan nhằm bảo đảm cho việc giải quyết vụ việc dân sự được nhanh chóng, chính xác, công minh và đúng pháp luật.

[6] Pháp luật tố tụng của Việt Nam phân biệt giữa phán quyết trọng tài trong nước và nước ngoài. Phán quyết trọng tài trong nước có thể bị hủy, phán quyết trọng tài nước ngoài có thể bị từ chối công nhận và cho thi hành.

[7] Đoạn 1 Điều III Công ước của Liên hợp quốc về Công nhận và Cho thi hành Phán quyết Trọng tài Nước ngoài

[8] Điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20 tháng 3 năm 2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao

XEM TOÀN BỘ BÀI VIẾT TIẾNG ANH TRÊN WEBSITE LEGAL500 TẠI LINK: https://www.legal500.com/developments/thought-leadership/consular-legalization-of-documents-used-in-arbitral-proceedings-a-pretext-for-setting-aside-arbitral-awards/

Rate this post
Scroll to Top