Xin giới thiệu một bài phỏng vấn của ông Lê Quang Vy được đăng trên website Pháp Luật TP.HCM ngày 23/05/2017 với tiêu đề “Các quy định cấp phép ca khúc tự ‘cạp’ nhau” do Quỳnh Trang thực hiện.
***
Suốt thời gian qua, dư luận điên đầu với danh sách cho phép phổ biến ca khúc của Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD). Việc cấp phép không chỉ ca khúc nhạc sáng tác trước năm 1975 tại phía Nam, sáng tác tại hải ngoại mà cả nhạc cách mạng ở miền Bắc. Điều này xảy ra bởi chính nghị định sửa đổi, bổ sung mà Cục NTBD tham mưu cho Bộ VH-TT&DL trình Chính phủ ban hành “cạp” vào nghị định cũ!
Bỏ lọt cụm từ “các tỉnh phía Nam”!
Tháng 3-2016, Chính phủ ban hành Nghị định 15 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 79/2012 quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu.
Trong đó, khoản 2 Điều 29 Nghị định 79 quy định: “Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm …”. Nghị định 15 sửa đổi khoản 2 Điều 29 thành: “Các tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài phát hành dưới hình thức xuất bản phẩm …”. Nghị định 15 đã bỏ hẳn cụm từ “tại các tỉnh phía Nam” với những sáng tác trước năm 1975.
“Bỏ phần “tại các tỉnh phía Nam”, điều này vô hình trung làm người thừa hành có thể hiểu tất cả sáng tác trước năm 1975 phải xin phép. Đây là một bất cập của việc sửa đổi nghị định” – luật sư Lê Quang Vy, Công ty Phước & Partners, khẳng định.
Trước đó, trong phần trả lời với báo chí, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng từng chia sẻ: Việc rà soát lại “các ca khúc ra đời trước năm 1975 tại các tỉnh phía Nam hoặc tác phẩm của người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nước ngoài” là điều hợp lý. Vì lịch sử của dân tộc ta có tính chất đặc thù. Tuy nhiên, việc lược mất phần nội dung “tại các tỉnh phía Nam” đã làm thay đổi bản chất của việc cấp phép phổ biến ca khúc trước năm 1975. Sự nhầm lẫn này dẫn đến thực trạng hàng vạn ca khúc ra đời trước năm 1975, bao gồm cả những ca khúc cách mạng cũng phải xin cấp phép phổ biến trở lại. Đây là điều hết sức vô lý”.
Tự cấp, tự thu
Từng là giám đốc sản xuất nhiều album, chương trình ca nhạc, nhạc sĩ Lê Quốc Thắng cho biết: “Cục NTBD hình như không quan tâm đến nhiệm vụ trách nhiệm của mình, tức làm sao để thủ tục cấp phép biểu diễn được hợp lý và khoa học. Cục phải hiểu hàng loạt ca khúc cách mạng là những bài hát gắn với lịch sử cuộc chiến của dân tộc thì đương nhiên không cần cấp phép. Cấp phép hay cập nhật gì trong danh mục ca khúc được phép phổ biến với các nhạc phẩm này cũng đều là ấu trĩ.
Tôi thấy Cục đang tự làm rối mình. Cục tự cấp tự cho mà không biết từng cấp cho ai, cho từ lúc nào, sử dụng như thế nào… Tôi nghĩ nên đưa ra danh mục cấm và tiêu chí cấm ca khúc cũng tương tự như cấm các sản phẩm văn hóa nghệ thuật khác, ví dụ không đi ngược lợi ích nhân dân, không chống Nhà nước, không vi phạm thuần phong mỹ tục… Chỉ nên như thế hơn là rối nùi như hiện tại”.
* * *
Vấn đề dường như đã rõ. Điều cần làm cụ thể nhất hiện nay là cơ quan chức năng, cụ thể là Bộ VH-TT&DL phải tính toán, tham mưu trình Chính phủ một nghị định sửa đổi chứ không phải là việc mỗi ngày cập nhật trên trang web của Cục NTBD thêm hàng dài “Danh mục phổ biến các bài hát sáng tác trước năm 1975”!
Người làm chuyên môn không đủ hoặc thiếu trình độ
Nhạc sĩ Vũ Duy Cường, nguyên Trưởng phòng NTBD, Cục NTBD, cũng là người đã ký văn bản cho phép phổ biến năm ca khúc từng bị Cục NTBD cấm lưu hành mới đây. Hiện là ủy viên BCH Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nhạc sĩ Vũ Duy Cường cho biết trước đây chúng ta từng cấp phép những ca khúc trước năm 1975. Giờ lại cấp phép trở lại rất buồn cười. “Bây giờ cấp mới hay không là rất bất cập, bất cập lớn nhất là không có lực lượng nào để có thể rà soát được còn bao nhiêu bài. Các hãng băng đĩa hoặc đơn vị sản xuất chương trình biểu diễn thấy bài nào chưa được cấp phép thì họ phải làm hồ sơ đưa lên Cục NTBD. Tuy nhiên, mỗi lần như vậy phải họp hội đồng thẩm định nhưng không phải lúc nào cũng tập hợp được, chưa kể phải có thù lao (!). Điều này thể hiện sự lúng túng” – nhạc sĩ Duy Cường khẳng định. “Đã rối lại càng rối. Để gỡ đầu ra, nên đặt vấn đề có cần tiếp tục cấp phép nữa hay không khi dân trí dần cao? Cái khó hiện nay là có người làm chuyên môn nhưng không đủ hoặc là thiếu trình độ” – nhạc sĩ Duy Cường bày tỏ. VIẾT THỊNH ___________________________ Cục đang vi phạm Luật Sở hữu trí tuệ Việc cấp phép lại, hay nói theo Cục NTBD là đang “cập nhật thêm” 342 ca khúc, trong đó có hàng loạt ca khúc cách mạng vào danh sách được phổ biến, kể cả ca khúc Tiến quân ca cũng tạo ra nhiều dấu hỏi cho giới làm luật lẫn nhạc sĩ. Thực tế việc “công bố tác phẩm là một trong những quyền nhân thân của tác giả được quy định tại Điều 19 Luật Sở hữu trí tuệ. Theo đó, chỉ có duy nhất chủ sở hữu quyền tác giả mới là người có quyền công bố hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm của mình. Việc Cục NTBD tự cho mình quyền công bố những tác phẩm này là sai luật, là hiểu không đúng tinh thần của Luật Sở hữu trí tuệ. Những tác phẩm vừa rồi Cục cập nhật đã được tác giả công bố từ lâu và đã có lịch sử công chúng đón nhận. Cục đi cập nhật những điều ai cũng biết là việc làm thừa, không cần thiết. Thay vì làm điều đó Cục nên tập trung lập danh sách bài nào cấm để ngoài danh sách cấm là danh sách được hát. Và dĩ nhiên, muốn cấm gì cũng phải có luật định chứ không phải nghị định hay thông tư. Luật sư LÊ QUANG VY |