Hợp đồng lao động đóng vai trò nền tảng trong hệ thống pháp luật lao động Việt Nam, là văn bản quy định rõ ràng về quyền lợi và trách nhiệm của các bên tham gia.
Mục tiêu là duy trì sự ổn định và phát triển bền vững trong quan hệ lao động, đảm bảo lợi ích song phương, đồng thời góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và nâng cao chất lượng đời sống cả về vật chất lẫn tinh thần cho người lao động. Vậy thế nào là chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật? Hãy cùng Global Vietnam Lawyers tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
THẾ NÀO LÀ CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI PHÁP LUẬT?
1. Khái niệm hợp đồng lao động
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), hợp đồng lao động là một thỏa thuận có tính ràng buộc pháp lý giữa người sử dụng lao động và người lao động, trong đó thiết lập các điều khoản và điều kiện làm việc.
Trong Bộ luật Lao động 2019 của Việt Nam, hợp đồng lao động được định nghĩa tại Khoản 1, Điều 13, như sau: “Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động.”
2. Khái niệm chấm dứt hợp đồng lao động
Mặc dù pháp luật lao động Việt Nam chưa định nghĩa cụ thể về việc chấm dứt hợp đồng lao động, có thể hiểu rằng: chấm dứt hợp đồng lao động xảy ra khi người lao động ngừng làm việc cho người sử dụng lao động do hợp đồng hết hiệu lực, bị sa thải, hoặc một trong hai bên đơn phương kết thúc hợp đồng trước thời hạn.
3. Chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là gì?
Việc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, hay đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật, là hành động một trong hai bên tự ý chấm dứt hợp đồng mà không tuân thủ quy định pháp luật, gây ra tổn thất hoặc thiệt hại cho bên còn lại.
Theo Bộ luật Lao động 2019, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là việc chấm dứt hợp đồng lao động không đúng quy định tại các Điều 35, 36 và 37 của Bộ luật Lao động 2019. Cụ thể:
Theo Điều 35, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp nhất định, với điều kiện phải báo trước cho người sử dụng lao động theo các mốc thời gian sau:
- Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn, phải báo trước ít nhất 45 ngày.
- Đối với hợp đồng xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng, báo trước ít nhất 30 ngày.
- Đối với hợp đồng có thời hạn dưới 12 tháng, báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.
- Trong một số ngành nghề đặc thù, thời gian báo trước sẽ tuân theo quy định riêng của Chính phủ.
Người lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước khi gặp một số trường hợp đặc biệt, bao gồm:
- a) Không được bố trí công việc, địa điểm làm việc, hoặc điều kiện làm việc như thỏa thuận (trừ trường hợp được quy định tại Điều 29 của Bộ luật).
- b) Không được trả lương đầy đủ hoặc đúng thời hạn, ngoại trừ các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật.
- c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, xúc phạm, hoặc bị cưỡng bức lao động.
- d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
- e) Lao động nữ mang thai có yêu cầu nghỉ việc theo Điều 138, khoản 1 của Bộ luật.
- f) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật (trừ khi có thỏa thuận khác).
- g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo khoản 1 Điều 16, gây ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Nếu người lao động không tuân thủ thời hạn báo trước, hành vi đó bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.
Theo quy định tại Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong một số trường hợp nhất định (07 trường hợp), bao gồm:
- Người lao động thường xuyên không hoàn thành nhiệm vụ công việc đã được giao theo hợp đồng lao động, căn cứ vào các tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc được nêu trong quy chế của người sử dụng lao động. Quy chế này do người sử dụng lao động ban hành và phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại nơi có tổ chức này.
- Người lao động gặp vấn đề sức khỏe như ốm đau hoặc tai nạn và đã điều trị liên tục 12 tháng với hợp đồng không xác định thời hạn, 06 tháng với hợp đồng từ 12 đến 36 tháng, hoặc quá nửa thời hạn hợp đồng dưới 12 tháng, nhưng chưa hồi phục khả năng làm việc. Trong trường hợp người lao động phục hồi sức khỏe, người sử dụng lao động cần xem xét tái ký kết hợp đồng.
- Trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh nghiêm trọng, tình trạng địch họa hoặc các trường hợp yêu cầu từ cơ quan nhà nước buộc phải di dời hoặc thu hẹp sản xuất kinh doanh, người sử dụng lao động đã tìm mọi cách khắc phục nhưng không thể duy trì vị trí việc làm.
- Người lao động không trở lại làm việc sau thời gian quy định tại Điều 31 của Bộ luật.
- Người lao động đạt độ tuổi nghỉ hưu theo Điều 169 của Bộ luật, trừ khi có thỏa thuận khác giữa hai bên.
- Người lao động tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng trong 05 ngày làm việc liên tục trở lên.
- Người lao động cung cấp thông tin sai sự thật khi giao kết hợp đồng lao động, gây ảnh hưởng đến quyết định tuyển dụng của người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Bộ luật Lao động 2019.
Khi người sử dụng lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c, đ và g của khoản 1 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, họ cần thực hiện việc thông báo trước cho người lao động với thời hạn như sau:
- a) Tối thiểu 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
- b) Tối thiểu 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 đến 36 tháng;
- c) Tối thiểu 03 ngày làm việc đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn dưới 12 tháng và đối với trường hợp thuộc điểm b khoản 1 Điều này;
- d) Đối với các ngành nghề, công việc đặc thù, thời hạn báo trước sẽ được thực hiện theo quy định cụ thể của Chính phủ.
Bên cạnh đó, theo khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2019, người sử dụng lao động được phép đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong hai trường hợp sau đây:
- Người lao động không trở lại làm việc trong vòng 15 ngày kể từ ngày hết thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.
- Người lao động tự ý nghỉ việc mà không có lý do chính đáng trong 05 ngày làm việc liên tiếp trở lên.
Ngoài ra, tại Điều 37, Bộ luật Lao động 2019 quy định những trường hợp người sử dụng lao động không được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, bao gồm:
- Người lao động đang điều trị, hồi phục sức khỏe do ốm đau, tai nạn lao động, hoặc bệnh nghề nghiệp theo chỉ định của cơ sở y tế có thẩm quyền, ngoại trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Bộ luật này.
- Người lao động đang trong thời gian nghỉ phép năm, nghỉ việc riêng có hưởng lương hoặc các trường hợp nghỉ khác được người sử dụng lao động đồng ý.
- Người lao động nữ đang mang thai; người lao động đang nghỉ thai sản hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi.
Tóm lại, chấm dứt Hơp đồng lao động trái pháp luật là hành vi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không tuân thủ đúng các quy định của pháp luật lao động, gây ảnh hưởng xấu đến quyền lợi của người lao động hoặc người sử dụng lao động. Việc này không chỉ làm mất đi sự ổn định trong quan hệ lao động mà còn có thể dẫn đến các tranh chấp pháp lý phức tạp.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp và tránh những rủi ro pháp lý không đáng có, việc tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ từ các chuyên gia là rất cần thiết.
Qua bài viết trên đây với những thông tin tham khảo, Công ty Luật Global Vietnam Lawyers (GV Lawyers), với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực tư vấn pháp lý, sẽ đồng hành cùng bạn trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và bảo vệ quyền lợi của bạn một cách tối ưu. Chúng tôi là công ty luật hàng đầu tại Việt Nam, luôn sẵn sàng cung cấp dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín.