Trong quá trình làm việc, người lao động không tránh khỏi những sai sót có thể gây ra thiệt hại cho tài sản của doanh nghiệp, dẫn đến trách nhiệm phải bồi thường. Vậy xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động được quy định như thế nào? Cùng GV Lawyers tìm hiểu chi tiết ngay dưới đây.
l. Người lao động phải bồi thường thiệt hại trong những trường hợp nào?
Theo quy định của Luật lao động năm 2019 Điều 129, người lao động phải bồi thường thiệt hại cho công ty, doanh nghiệp trong những trường hợp sau:
1. Bồi thường thiệt hại lao động khi làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị, tài sản.
Trong trường hợp người lao động làm hư hỏng dụng cụ, thiết bị hoặc gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động thì việc xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động được xác định theo quy định của pháp luật hoặc nội quy lao động của người sử dụng lao động.
Nếu sự cố gây thiệt hại không nghiêm trọng do sơ suất của người lao động và có giá trị không vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng do Chính phủ công bố tại nơi làm việc, thì người lao động phải bồi thường tối đa 03 tháng tiền lương và số tiền này sẽ được trừ vào lương hàng tháng.
Trong trường hợp gây thiệt hại với giá trị tương đương hoặc vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng, người lao động phải tuân theo quy định của nội quy lao động do người sử dụng lao động ban hành.
2. Bồi thường thiệt hại lao động khi làm mất dụng cụ, thiết bị, tài sản
Nếu người lao động làm mất mát dụng cụ, thiết bị, tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác mà họ được giao hoặc tiêu hao vật tư vượt quá mức quy định cho phép thì Người lao động phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại một phần hoặc toàn bộ theo giá thị trường hoặc theo quy định trong nội quy lao động. Đối với trường hợp có hợp đồng trách nhiệm, bồi thường sẽ tuân theo các điều khoản trong hợp đồng.
Tuy nhiên, nếu người lao động gây ra thiệt hại do các sự kiện bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, địch họa, dịch bệnh nguy hiểm, thảm họa hoặc các sự kiện khách quan không thể dự đoán và khắc phục bằng mọi biện pháp cần thiết và khả năng có sẵn, thì không cần phải bồi thường.
II. Thời gian xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động quy định bao lâu?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 72 của Nghị định số 145/2020/NĐ-CP, thời hạn xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động là 06 tháng tính từ ngày người lao động gây ra hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị hoặc làm mất tài sản của người sử dụng lao động hoặc tài sản khác do người sử dụng lao động giao, hoặc có hành vi khác gây thiệt hại tài sản của người sử dụng lao động, hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép.
Không xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động trong các trường hợp sau:
- a) Nghỉ ốm đau, điều dưỡng; nghỉ việc được sự đồng ý của người sử dụng lao động;
- b) Đang bị tạm giữ, tạm giam;
- c) Đang chờ kết quả của cơ quan có thẩm quyền điều tra xác minh và kết luận đối với hành vi vi phạm được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 125 của Bộ luật này;
- d) Người lao động nữ mang thai; người lao động nghỉ thai sản, nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nếu hết thời hiệu hoặc còn thời hiệu nhưng không đủ 60 ngày thì được kéo dài thời hiệu xử lý bồi thường thiệt hại nhưng không quá 60 ngày kể từ ngày hết thời gian nêu trên.
III. Quy trình xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động
Bước 1: Người lao động viết bản tường trình
Người sử dụng lao động yêu cầu người lao động viết báo cáo về sự việc khi phát hiện hành vi làm hư hỏng, làm mất dụng cụ, thiết bị, hoặc tài sản khác của doanh nghiệp hoặc của cá nhân doanh nghiệp giao, hoặc có hành vi gây thiệt hại tài sản của doanh nghiệp, hoặc tiêu hao vật tư quá mức quy định.
Bước 2: Họp xử lý bồi thường thiệt hại
Người lao động thông báo cho các bên tham gia họp bao gồm: tổ chức đại diện cho người lao động, người lao động, luật sư hỗ trợ người lao động (nếu có), tổ chức đại diện cho người lao động và thẩm định viên về giá (nếu có). Thời gian thông báo phải trước ít nhất 05 ngày trước khi cuộc họp bắt đầu.
Nội dung thông báo cần xác định rõ thời gian, địa điểm tổ chức họp xử lý bồi thường, tên của người bị xử lý và hành vi vi phạm. Khi nhận được thông báo, các bên cần xác nhận tham dự.
Trong trường hợp không thể tham dự hoặc vắng mặt, thời gian và địa điểm họp có thể được điều chỉnh sau thỏa thuận hoặc quyết định của người sử dụng lao động.
Cuộc họp xử lý bồi thường thiệt hại sẽ được tiến hành theo thời gian và địa điểm đã thông báo. Nội dung của cuộc họp được ghi thành biên bản và phải được thông qua trước khi kết thúc, được ký bởi tất cả các bên tham dự. Trong trường hợp có bên không ký vào biên bản, người ghi biên bản cần ghi rõ lý do.
Bước 3: Đưa ra quyết định xử lý bồi thường thiệt hại
Quyết định xử lý bồi thường thiệt hại phải được ban hành trong thời hạn xử lý bồi thường thiệt hại. Nội dung quyết định cần nêu rõ mức thiệt hại, nguyên nhân gây ra, mức bồi thường, thời hạn và hình thức bồi thường và cần được gửi đến tất cả các bên tham dự cuộc họp.
Trên đây là các thông tin liên quan đến xử lý bồi thường thiệt hại đối với người lao động. Nếu quý khách hàng cần tư vấn về bồi thường thiệt hại lao động cũng như các vấn đề pháp lý liên quan đến lao động, xin vui lòng liên hệ GV Lawyers để được hỗ trợ tốt nhất.
Xem thêm: hợp đồng thương mại