GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng có tiêu đề: “Vai trò của ban kiểm soát trong công ty cổ phần” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 23/04/2009.
***
Hiện đang là mùa cao điểm đại hội cổ đông thường niên của các công ty cổ phần (CTCP). Tuy nhiên, tham dự một số đại hội cổ đông trong thời gian qua, có thể nhận thấy ban kiểm soát (BKS) trong các công ty này dường như chưa thể hiện hết vai trò bảo vệ nhà đầu tư và giám sát hoạt động của hội đồng quản trị (HĐQT) và ban giám đốc (BGĐ). Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến một số khía cạnh hoạt động của BKS trong CTCP hoạt động theo Luật Doanh nghiệp năm 2005.
Vai trò luật định
Nếu tạm coi CTCP là một “nhà nước” thu nhỏ, thì đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) đóng vai trò là cơ quan lập pháp – nơi quyết định phương hướng phát triển và những vấn đề trọng đại khác của công ty; HĐQT và BGĐ được coi là cơ quan hành pháp – nơi điều hành hoạt động kinh doanh hàng ngày; còn BKS đóng vai trò của cơ quan tư pháp – có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát hoạt động của HĐQT và BGĐ. Cách ví von này có thể giúp chúng ta dễ mường tượng ra vai trò của BKS trong mối quan hệ với các bộ phận khác trong CTCP, nhất là trong vai trò “kiềm chế và đối trọng” với HĐQT và BGĐ. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của BKS, trong đó có hai nguyên nhân chủ yếu là (i) sự phức tạp trong quá trình quản lý công ty và quan hệ giữa các cổ đông; và (ii) sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp CTCP.
Khi quy mô các CTCP nhỏ, số lượng cổ đông ít, thường không có sự tách bạch giữa chủ sở hữu và người điều hành trực tiếp, mà các cổ đông thường đồng thời là người điều hành công ty, tức là ĐHĐCĐ sẽ đồng thời là thành viên của HĐQT. Tuy nhiên, khi quy mô công ty lớn hơn, số lượng cổ đông nhiều hơn, sự điều hành và quản lý công ty trở nên phức tạp và do đó, cần có một đội ngũ quản trị chuyên nghiệp. Từ đây, người điều hành trực tiếp công ty có thể không đồng thời là chủ sở hữu công ty nữa. Mối lo ngại của các cổ đông – người sở hữu thực sự của công ty – về việc điều hành công ty của HĐQT và BGĐ là một mối lo ngại chính đáng và có cơ sở. Đây là một trong những lý do dẫn đến sự ra đời của BKS. Theo điều 95, Luật Doanh nghiệp hiện hành, BKS sẽ phải được thành lập khi công ty có trên 11 cổ đông là cá nhân hoặc cổ đông là tổ chức sở hữu trên 50% tổng số cổ phần của công ty.
Với các chứng năng được quy định trong Luật Doanh nghiệp và điều lệ của công ty, BKS thực hiện việc giám sát HĐQT, BGĐ (giám đốc hoặc tổng giám đốc) trong việc quản lý và điều hành công ty, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp, tính trung thực và mức độ cẩn trọng trong quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh, trong tổ chức công tác kế toán, thống kê và lập báo cáo tài chính cũng như thẩm định báo cáo tình hình kinh doanh, báo cáo tài chính hàng năm và sáu tháng của công ty, báo cáo đánh giá công tác quản lý của HĐQT.
Như đã nêu ở trên, với chức năng là một “cơ quan tư pháp” trong một “nhà nước thu nhỏ”, để có thể giám sát HĐQT và BGĐ, BKS cần phải độc lập. Sự độc lập này cần được thể hiện trong việc thành lập và hoạt động của BKS. Thông qua việc thực hiện chức năng của mình, BKS sẽ đảm bảo rằng các quyết định của HĐQT và BGĐ là phù hợp với pháp luật, với các nghị quyết của ĐHĐCĐ và bảo vệ lợi ích của các cổ đông. Chính vai trò bảo vệ cổ đông, bảo vê nhà đầu tư là lý do cho sự ra đời, tồn tại và hoạt động của BKS.
Thực trạng
Tuy nhiên, thực tế cho thấy BKS đã không thể hiện đầy đủ vai trò bảo vệ cổ đông và nhà đầu tư. Do đó, rủi ro mà nhà đầu tư và cổ đông phải gánh chịu từ “sự lép vế” của BKS là rất lớn.
Đọc báo cáo của BKS tron các kỳ đại hội, cổ đông thường có cảm giác rằng các báo cáo này chỉ là bản sao các báo cáo của HĐQT và BGĐ. Nộ dung chủ yếu là “khen” HĐQT và BGĐ, rất ít thông tin có ích cho cổ đông. Trong một số trường hợp, những vấn đề cần đưa vào báo cáo của BKS đã được thống nhất trước với HĐQT và BGĐ trong phiên họp “trù bị” trước đó rồi. Do đó, tại đại hội, vai trò của BKS chỉ là ngồi cho đủ ban bệ.
Trong thời gian qua, có rất nhiều việc làm sai trái của HĐQT hoặc BGĐ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của cổ đông nhưng không hề có tiếng nói cảnh báo nào từ BKS cho đến khi sự việc bị phát hiện. Với tư cách là chủ sở hữu công ty và là người bầu ra BKS, chắc chắn cổ đông có lý do để bất bình về vai trò và chức năng của BKS.
Bên cạnh đó, mặc dù các quy định pháp luật đã trao cho BKS quyền được triệu tập họp ĐHĐCĐ khi HĐQT không triệu tập họp hoặc có vi phạm nghĩa vụ .quản lý [1], nhưng trên thực tế có bao nhiêu trường hợp BKS thực thi quyền hạn này?!
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến vai trò “ảo” của BKS. HĐQT và BGĐ thường không ưa BKS vì nếu có họ, HĐQT và BGĐ sẽ không thể quyết định theo kiểu “dọc ngang nào biết trên đầu có ai” mà phải luôn dè chừng BKS “thổi còi”. Vì thế, HĐQT và BGĐ luôn tìm cách để tránh khỏi sự kiểm soát đó. Đây là nguyên nhân khiến hoạt động BKS không hiệu quả.
Lập ra BKS để bảo vệ lợi ích cho mình nhưng đôi khi chính cổ đông lại không hiểu đúng vai trò của họ. ĐHĐCĐ chỉ họp một, hai lần trong một năm và mỗi phiên họp thường diễn ra trong một ngày. Do đó, có trường hợp, do thời gian quá gấp rút, ĐHĐCĐ chỉ kịp bầu ra BKS, và trao quyền cho chủ tịch HĐQT ban hành quy chế hoạt động của BKS! Được trao quyền này, lẽ dĩ nhiên là chủ tịch HĐQT sẽ giới hạn quyền của BKS tới mức có thể nhằm mở rộng quyền của mình. Thậm chí, tại một số công ty, cổ đông còn chấp thuận cho HĐQT bổ nhiệm thành viên BKS, và tất nhiên là HĐQT sẽ bổ nhiệm “người trong nhà” để tăng thêm quyền lực. Ngoài ra, tại một số công ty, HĐQT và BGĐ nhiều khi cũng không rõ vai trò của BKS, coi BKS chỉ là một phòng ban trong công ty, thậm chí ngay cả BKS cũng không rõ vai trò và quyền hạn của mình. Vì thế sự tồn tại của BKS nhiều khi mang nặng tính hình thức.
Theo luật định, thành viên BKS không được giữ các chức vụ quản lý công ty. Nghĩa là thành viên BKS sẽ chỉ là một người lao động bình thường, một nhân viên cấp thấp trong công ty. Trong vai trò kiểm soát viên, họ cần độc lập với HĐQT và BGĐ, còn trong vai trò người lao động, họ chịu sự quản lý của HĐQT và BGĐ. Một câu hỏi đơn giản là trong hoàn cảnh này, BKS có thể độc lâp kiểm soát hoạt động của công ty được không? Chính mâu thuẫn giữa hai vai trò này khiến cho thành viên BKS cùng lúc chịu nhiều áp lực và thông thường, họ sẽ chọn lựa vai trò người lao động vì dẫu sao, hàng tháng họ vẫn phải nhận tiền lương của công ty.
Ngoài tâm lý “dĩ hòa vi quý” của các thành viên BKS còn có sự câu kết với HĐQT và BGĐ để hưởng lợi bất chính.
Vai trò của BKS chưa được các văn bản luật đề cao. Theo quy định của Luật Doanh nghiệp, văn bản do BKS ban hành về việc kiểm tra, giám sát chỉ có ý nghĩa cảnh báo. Ngay cả khi phát hiện hành vi vi phạm nghĩa vụ quản lý công ty của HĐQT hoặc BGĐ, BKS chỉ có quyền yêu cầu các cá nhân liên quan chấm dứt hành vi vi phạm và có giải pháp khắc phục hậu quả. BKS không có quyền sa thải người lao động nếu họ sai phạm. Tại Việt Nam, các cơ quan nhà nước, hoặc bên thứ ba chỉ quan tâm đến người nào là đại diện theo pháp luật của công ty chứ không quan tâm ai là thành viên hoặc trưởng BKS của công ty.
Báo cáo của BKS thường được trình cho ĐHĐCĐ vào mỗi kỳ họp. Thời gian giữa các kỳ hợp lại quá xa và như vậy, báo cáo của BKS không còn tính thời sự. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành về chế độ kế toán, các báo cáo hàng năm của CTCP phải nộp cho cơ quan thuế chỉ gồm bản cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ và bản thuyết minh báo cáo tài chính[2]. Trong quy định về công bố thông tin của công ty đại chúng, nội dung công bố thông tin về báo cáo tài chính năm cũng chỉ bao gồm các tài liệu trên[3]. Như vậy, báo cáo của BKS không phải là tài liệu bắt buộc phải nộp cho cơ quan quản lý hoặc công bố thông tin theo quy định. Như đã nêu ở trên, báo cáo của BKS là một tài liệu quan trọng, giúp nhà đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước có được cái nhìn toàn diện về doanh nghiệp từ góc độ mà các bản báo cáo tài chính không đề cập đến. Thông tin trong báo cáo của BKS có tầm quan trọng không kém các báo cáo tài chính. Do đó, cần phải xem xét việc yêu cầu CTCP, nhất là công ty đại chúng, phải công bố báo cáo của BKS cùng với báo cáo tài chính.
Nếu toàn bộ quyền lực trong CTCP đều tập trung vào HDDQT và BGĐ, thì không ai dám khẳng định rằng họ không lạm quyền và khi đó cổ đông sẽ không được bảo vệ. BKS là một cơ chế phù hợp để cổ đông tự bảo vệ mình. Muốn như thế, hoạt động của BKS cần được điều chỉnh bởi một khung pháp lý rõ ràng hơn, đồng thời chính cổ đông phải hiểu rõ và sử dụng vai trò của BKS một cách thông minh và phù hợp. Ngoài ra, khi được cổ đông tin tưởng và trao quyền, BKS phải có đủ khả năng và dũng khí thực thi nhiệm vụ, các báo cáo của BKS phải thể hiện được tính độc lập và chính xác. Chỉ có như vậy quyền lợi của cổ đông mới được bảo vê và xã hội mới tránh được những thiệt hại từ sự sụp đổ của các CTCP.
[1] Điều 97 – Luật Doanh nghiệp 2005.
[2] Theo Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20-3-2008 về việc ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp và Quyết định số 48/2006/QĐ-BTC ngày 14-9-2006 về việc ban hành chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa của Bộ Tài chính.
[3] Theo Thông tư 38/2007/TT0-BTC của Bộ Tài chính ngày 18-4-2007 hướng dẫn về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán.
Để xem chi tiết bài viết quý khách vui lòng chọn TẢI VỀ.