GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Thị Hằng có tiêu đề: “Từ Quán Bar Buddha, Nhìn Lại Việc Đặt Tên Doanh Nghiệp” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 02/04/2020, Số 14.2020 (1.529).
***
Trong suy nghĩ của nhiều người, nhắc đến “Đức Phật” hoặc Bụt (Buddha) là nhắc đến một đấng giác ngộ, sáng suốt và từ bi, người khai sinh ra Phật Giáo với tư cách một tôn giáo lớn. Còn nhắc đến quán bar là nhắc đến rượu bia, khói thuốc, và những gái trẻ uốn éo theo tiếng nhạc ồn ào. Hai góc nhìn đó dù mang tính chủ quan nhưng không dễ dung hòa. Do vậy, nhiều quan điểm không đồng tình với việc dùng tên Đức Phật để đặt tên cho quán bar Buddha Bar and Grill. Sau khi thông tin về các ca nhiễm nCoV liên quan đến quán Buddha Bar and Grill được đăng tải trên các phương tiện truyền thông, Ban Thông tin Truyền thông Phật giáo TPHCM đã có văn bản chính thức gửi tới cơ quan chức năng quận 2 và các cơ quan liên quan về việc cấp phép cho nhà hàng với tên nêu trên.([1])
Loại bỏ yếu tố tâm lý đám đông do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến căng thẳng (khi quán Buddha Bar and Grill được xác định là một ổ dịch tại TPHCM), việc dùng tên Đức Phật đặt cho quán bar đặt ra vấn đề pháp lý nghiêm túc liên quan đến việc đặt tên doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể.
Với tư cách là người khai sinh doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể, chủ doanh nghiệp và chủ hộ kinh doanh cá thể dĩ nhiên được quyền đặt tên doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh. Tuy vậy, quyền này bị giới hạn với trật tự cộng cộng, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục.
Điều 39 Luật Doanh nghiệp 2014 và điều 73 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp cấm sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc khi đặt tên doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh. Quy định này mang tính nguyên tắc và không chỉ phù hợp về mặt pháp lý mà cả về mặt kinh doanh. Không doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh nào muốn dùng tên phản cảm với khách hàng và xã hội. Tuy nhiên, nội hàm của “truyền thống lịch sử”, “văn hóa”, “đạo đức” và “thuần phong mỹ tục” là vô cùng đa dạng và khó có sự thống nhất chung. Vì vậy, hướng dẫn chi tiết điều 39 Luật Doanh nghiệp 2014 và Điều 73 của Nghị định 78/2015/NĐ-CP là việc cần thực hiện.
Trước đây, theo Thông tư 10/2014/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn tên doanh nghiệp, nhìn chung, việc đặt tên doanh nghiệp vi phạm truyền thống lịch sử của dân tộc khi: (i) đặt trên trùng với tên danh nhân (trừ khi chủ doanh nghiệp đặt tên theo tên của mình nhưng tên chủ doanh nghiệp trùng một phần hoặc toàn bộ tên danh nhân), (ii) sử dụng tên đất nước, địa danh trong các thời kỳ bị xâm lược và tên những nhân vật trong lịch sử bị coi là phản chính nghĩa, kìm hãm sự tiến bộ.; (iii) sử dụng tên của những nhân vật lịch sử là giặc ngoại xâm hoặc những người có tội với đất nước, với dân tộc. Cũng sẽ bị coi là vi phạm văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc khi tên doanh nghiệp bao gồm từ ngữ, ký hiệu mang ý nghĩa dung tục, khiêu dâm, bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội; thể hiện hoặc ám chỉ sự đe dọa, xúc phạm, phỉ báng, lăng mạ, bôi nhọ, khiếm nhã đối với tổ chức, cá nhân khác; thể hiện hoặc ám chỉ sự phân biệt, kỳ thị vùng miền, dân tộc, tôn giáo, chủng tộc, giới.
Nếu căn theo quy định này, việc dùng tên Đức Phật đặt cho quán bar có thể bị coi là xúc phạm hoặc ít nhất khiếm nhã đối với Phật giáo và nhiều người phản đối dựa trên góc nhìn này. Tâm lý này có thể thấu hiểu được và có phần hợp lý. Tuy nhiên, điều đáng nói là Thông tư 10 hướng dẫn Luật Doanh nghiệp 2005, mà Luật Doanh nghiệp 2005 đã bị thay thế bởi Luật Doanh nghiệp 2014, do vậy, hiện nay thông tư này cũng đã hết hiệu lực theo Luật Doanh nghiệp 2005. Và rất có thể còn có nhiều vụ việc khác liên quan đến lỗ hổng pháp lý này.
Nếu đi đến tận cùng về pháp lý, nếu quán Bvddha (tên trong giấy phép kinh doanh của quán bar này) hoặc Buddha Bar and Grill không tự đóng cửa hoặc điều chỉnh bảng hiệu cho phù hợp với giấy phép đăng ký hộ kinh doanh cá thể được cấp thì dường như cơ quan cấp phép cũng không có cơ sở để xử lý.
Vụ việc này là một ví dụ thực tế đáng lưu tâm, đặt ra yêu cầu cho các cơ quan cấp phép và nhà làm luật hoàn thiện khung pháp lý trong việc xác định giới hạn của việc đặt tên doanh nghiệp trong tương lai và hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2014 và Nghị định 78/2015/NĐ-CP.
[1] https://news.zing.vn/quan-bar-buddha-that-hua-voi-giao-hoi-sai-pham-voi-chinh-quyen-post1063593.html