dW7DUQD Imgur

Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi bởi Covid-19

GV Lawyers xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Hồ Thị Trâm – Luật sư Hoàng Thị Hoài Thu – Chuyên gia Lương Văn Lý có tiêu đề: “Thẩm quyền giải quyết tranh chấp hợp đồng thương mại khi hoàn cảnh thay đổi bởi Covid-19” được đăng trên website Luật sư Việt Nam Online ngày 07/05/2020.

***

(LSO) – Tình hình dịch bệnh do Covid-19 gây ra ngày càng diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 05/4/2020, tổng số ca nhiễm Covid-19 trên toàn thế giới đã lên tới 1.199.583 người, với 64.662 ca tử vong.

hhardship

Khi hoàn cảnh thay đổi và khó khăn phải gánh chịu

Dịch bệnh đã kéo theo hậu quả là kinh tế hầu hết các nước đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tại Hội nghị Liên hợp quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), các chuyên gia thậm chí còn cảnh báo chủng virus corona mới có thể khiến nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 1.000 tỷ USD trong năm nay.

Trước bối cảnh nêu trên, các doanh nghiệp tại Việt Nam cũng không tránh khỏi những thiệt hại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc duy trì hoạt động bình thường là không thể, dẫn đến việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của các bên theo những hợp đồng đã giao kết cũng bị ảnh hưởng.

Để hạn chế phần nào khó khăn, hẳn nhiên, bên bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi tình hình dịch bệnh luôn mong muốn điều chỉnh hoặc chấm dứt hợp đồng đã giao kết.

Câu chuyện sẽ thuận lợi nếu bên còn lại “cảm thông” và thiện chí chịu cùng nhau ngồi lại, cùng nhau cân nhắc nhằm đạt được sự đồng thuận trong việc điều chỉnh hay thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, nếu bên còn lại không đồng ý chia sẻ khó khăn, sự bất đồng quan điểm sẽ dẫn đến tranh chấp giữa các bên.

Ai có thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi

Các bên tham gia hợp đồng đều hiểu rằng, tuân thủ các quy định trong hợp đồng đã được thỏa thuận là điều rất cần thiết và quan trọng để các bên đều có thể đạt được mục đích hướng đến. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện hợp đồng đã xuất hiện nguyên nhân khách quan dẫn đến thay đổi rất lớn. Khi đó việc cứng nhắc duy trì các điều khoản đã không còn phù hợp nữa có vẻ như “bất công” với bên bị thiệt hại do hoàn cảnh thay đổi dù họ hoàn toàn không có lỗi.

Chính vì lẽ đó, luật Việt Nam cũng như luật pháp nhiều nước đã rất tiến bộ khi tạo cơ sở pháp lý để bên bị thiệt hại nghiêm trọng hơn có quyền yêu cầu bên còn lại phải cùng nhau giải quyết khó khăn.

Cụ thể, tiếp nối tinh thần của pháp luật Việt Nam ghi nhận về quyền của các bên khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản trong một số trường hợp, Bộ luật Dân sự 2015 (“BLDS 2015“) của Việt Nam đã có hẳn một điều khoản (Điều 420) về hoàn cảnh thay đổi cơ bản để các bên có cơ sở nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp này.

Theo Khoản 2 và 3 Điều 420 của BLDS 2015, trong trường hợp hoàn cảnh thay đổi cơ bản, bên có lợi ích bị ảnh hưởng có quyền yêu cầu bên kia đàm phán lại hợp đồng trong một thời hạn hợp lý; trường hợp các bên không thể thỏa thuận được về việc sửa đổi hợp đồng, một trong các bên có thể yêu cầu Tòa án:

(i) Chấm dứt hợp đồng tại một thời điểm xác định;

(ii) Sửa đổi hợp đồng để cân bằng quyền và lợi ích hợp pháp của các bên do hoàn cảnh thay đổi cơ bản.

Như vậy, BLDS 2015 đã quy định rõ, nếu không thể thỏa thuận, các bên có thể yêu cầu Tòa án “can thiệp” theo một trong hai hướng nêu trên để quyền và lợi ích các bên được đảm bảo trên cơ sở phù hợp với hoàn cảnh thực tế đã thay đổi cơ bản.

Trọng tài có thẩm quyền không? 

Có quan điểm cho rằng, mặc dù Điều 420 BLDS 2015 quy định thẩm quyền giải quyết tranh chấp khi hoàn cảnh thay đổi cơ bản thuộc về Tòa án, nhưng cần phải hiểu và giải thích điều luật này theo hướng “Tòa án” ở đây là bao gồm cả Tòa án và cơ quan Trọng tài có thẩm quyền (nếu các bên có thỏa thuận về việc lựa chọn Trọng tài là cơ quan giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng).

Liệu rằng cách hiểu, giải thích Điều 420 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp như quan điểm trên có đúng với ý chí các nhà làm luật hay không? Để tìm ra câu trả lời cho vấn đề này, có thể xem xét các quy định của BLDS 2015 về thẩm quyền giải quyết tranh chấp nói chung và quy định của một số bộ luật/ luật về thẩm quyền giải quyết một số tranh chấp đặc thù.

(i) Từ quy định chung của BLDS 2015, Khoản 1 Điều 10 của BLDS 2015 quy định rằng cá nhân, pháp nhân không được lạm dụng quyền dân sự của mình gây thiệt hại cho người khác, để vi phạm nghĩa vụ của mình hoặc thực hiện mục đích khác trái pháp luật. Trường hợp cá nhân, pháp nhân không tuân thủ quy định nói trên thì Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác căn cứ vào tính chất, hậu quả của hành vi vi phạm mà có thể không bảo vệ một phần hoặc toàn bộ quyền của họ, buộc bồi thường nếu gây thiệt hại và có thể áp dụng chế tài khác do luật quy định.

Khoản 1 Điều 14 của BLDS 2015 quy định rằng “Tòa án, cơ quan có thẩm quyền khác có trách nhiệm tôn trọng, bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân. Trường hợp quyền dân sự bị xâm phạm hoặc có tranh chấp thì việc bảo vệ quyền được thực hiện theo pháp luật tố tụng tại Tòa án hoặc Trọng tài. Việc bảo vệ quyền dân sự theo thủ tục hành chính được thực hiện trong trường hợp luật quy định. Quyết định giải quyết vụ việc theo thủ tục hành chính có thể được xem xét lại tại Tòa án.”

Điều 15 của BLDS 2015 quy định rằng “Khi giải quyết yêu cầu bảo vệ quyền dân sự, Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có quyền hủy quyết định cá biệt trái pháp luật của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền.”

Theo các quy định nêu trên thì khi quyền dân sự bị xâm phạm hoặc khi phát sinh tranh chấp, cá nhân, pháp nhân có quyền yêu cầu Tòa án hoặc Trọng tài hoặc cơ quan có thẩm quyền khác bảo vệ quyền lợi của mình. Như vậy, nội hàm của các điều luật cũng đã có sự phân biệt Tòa án với Trọng tài và cơ quan có thẩm quyền khác.

Do đó, khi điều luật ghi nhận rằng thẩm quyền giải quyết tranh chấp trong trường hợp nhất định thuộc về “Tòa án” thì điều đó có nghĩa là Tòa án sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đó, chứ không phải Trọng tài hay cơ quan có thẩm quyền khác sẽ được quyền giải quyết tranh chấp.

Trong trường hợp luật trao thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự bị xâm phạm hoặc thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho cả Tòa án lẫn Trọng tài và/hoặc cơ quan có thẩm quyền khác thì điều luật sẽ thể hiện minh thị rằng “Tòa án, Trọng tài, hoặc cơ quan có thẩm quyền khác có thẩm quyền giải quyết tranh chấp” hoặc sẽ thể hiện rằng “Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác” hoặc tùy theo cấu thành của điều luật và ý chí của nhà làm luật mà điều luật sẽ có cách thức quy định phù hợp.

Nhưng dẫu bằng cách nào đi chăng nữa, để trao thẩm quyền bảo vệ quyền dân sự của cá nhân, pháp nhân hay thẩm quyền giải quyết tranh chấp cho Tòa án hoặc một cơ quan nào khác, điều luật phải thể hiện rõ ràng tranh chấp nào, thẩm quyền gì, được trao cho ai.

Chẳng hạn, Khoản 2 Điều 164 của BLDS 2015 quy định rằng “chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

Hay Điều 169 của BLDS 2015 quy định “khi thực hiện quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản, chủ thể có quyền yêu cầu người có hành vi cản trở trái pháp luật phải chấm dứt hành vi đó hoặc có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác buộc người đó chấm dứt hành vi vi phạm”.

Hoặc như Điều 301 của BLDS 2015 quy định rằng “người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của BLDS 2015. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top