Khi có tranh chấp thương mại xảy ra, các cá nhân/tổ chức ngoài việc lựa chọn phương thức giải quyết tranh chấp bằng Tòa Án, thì chúng ta còn có thể lựa chọn giải quyết bằng Trọng tài thương mại bởi tính nhanh gọn, chuẩn xác. Vậy thẩm quyền của Trọng tài thương mại là gì? Mời Quý khách tham khảo thông tin mà GV Lawyers chia sẻ dưới đây.
Hiểu rõ về Trọng tài thương mại
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì Trọng tài thương mại được xác định là phương thức giải quyết tranh chấp do các bên có tranh chấp thỏa thuận lựa chọn giải quyết và được tiến hành giải quyết theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Việc giải quyết tranh chấp phát sinh trong thương mại bằng hình thức Trọng tài thương mại thì phải đảm bảo nguyên tắc giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 4 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể:
- Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp phải tôn trọng thỏa thuận của các bên nếu thoả thuận đó không vi phạm những điều cấm của luật và không trái với đạo đức xã hội;
- Trọng tài viên khi giải quyết tranh chấp thương mại phải độc lập, khách quan, vô tư và tuân thủ theo các nguyên tắc pháp luật đặt ra;
- Các bên tranh chấp thương mại đều có được bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Theo đó, khi các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp thương mại bằng hình thức trọng tài thương mại thì Hội đồng trọng tài có trách nhiệm tạo điều kiện để các bên tranh chấp được thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình;
- Việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác;
- Phán quyết của trọng tài thương mại là chung thẩm.
Xác định thẩm quyền của Trọng tài thương mại
Đối với Trọng tài thương mại Việt Nam
Thứ nhất, tranh chấp thương mại phát sinh thuộc loại tranh chấp được giải quyết bằng Trọng tài thương mại theo quy định của Luật Trọng tài thương mại năm 2010.
Căn cứ theo quy định tại Điều 2, Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì thẩm quyền của trọng tài thương mại được quy định trong các trường hợp sau:
- Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại.
- Tranh chấp phát sinh giữa các bên trong đó ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
- Tranh chấp khác mà pháp luật quy định được giải quyết tại trọng tài.
Như vậy, theo Luật Trọng tài thương mại năm 2010 đã mở rộng thẩm quyền của trọng tài thương mại hơn so với Pháp lệnh Trọng tài thương mại năm 2003. Theo đó, sự mở rộng quy định về thẩm quyền này tạo nên sự thống nhất, tương thích trong hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Thương mại năm 2005, Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015 cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác. Từ đó tạo nên sự đồng bộ, dễ áp dụng trong thực tiễn giải quyết tranh chấp.
Thứ hai, trọng tài thương mại được áp dụng giải quyết khi các bên có thoả thuận trọng tài và thỏa thuận trọng tài có hiệu lực thi hành.
Thẩm quyền của trọng tài thương mại trong trường hợp này phụ thuộc vào ý chí, sự thoả thuận của các bên khi xảy ra tranh chấp. Theo đó, thoả thuận trọng tài được xác định là việc các bên thỏa thuận với nhau về việc sử dụng Trọng tài thương mại khi có tranh chấp xảy ra. Việc thoả thuận giữa các bên phải được xác lập dưới hình thức văn bản thông qua các điều khoản trong hợp đồng hoặc bằng hình thức thỏa thuận riêng khác. Như vậy, thoả thuận trọng tài thương mại có hiệu lực thi hành khi:
- Hiệu lực của thoả thuận trọng tài hoàn toàn độc lập với hiệu lực của hợp đồng. Theo đó, nếu hợp đồng chính thỏa thuận các điều khoản về thương mại của các bên vô hiệu thì vẫn không làm ảnh hưởng đến hiệu lực của thoả thuận trọng tài, không ảnh hưởng đến tiến trình tố tụng bằng trọng tài thương mại;
- Hiệu lực của thoả thuận trọng tài thương mại đối với những chủ thể có liên quan. Thẩm quyền của Hội đồng trọng tài vẫn giữ nguyên dù hợp đồng giao kết giữa các bên vô hiệu. Theo quy định tại Điều 6 Luật Trọng tài thương mại năm 2010 thì khi các bên tranh chấp có thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại nhưng nếu một bên khởi kiện tại Tòa án thì Tòa án phải từ chối thụ lý, trừ thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc thỏa thuận trọng tài không thể thực hiện được;
- Hiệu lực của thoả thuận trọng tài khi có sự thay đổi của một bên. Theo đó, sau khi thỏa thuận trọng tài của các bên được xác lập thì vẫn có thể có sự thay đổi của một bên. Khi có sự thay đổi của một bên thì quy định về thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực thi hành theo quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại năm 2010. Cụ thể như sau:
- Trường hợp một bên tham gia thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác
- Trường hợp một bên tham gia thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động, bị phá sản, giải thể, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức, thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó, trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác.”
Đối với Trọng tài thương mại quốc tế
Trọng tài thương mại quốc tế chỉ có thẩm quyền khi các bên thỏa thuận lựa chọn. Thỏa thuận trọng tài có thể phát sinh trước hoặc sau thời điểm phát sinh tranh chấp.
Điều 21(1) Quy tắc Trọng tài UNCITRAL 1976 quy định:
“Hội đồng trọng tài có quyền quyết định về việc phản đối Hội đồng trọng tài không có thẩm quyền giải quyết, kể cả những sự phản đối về sự tồn tại hoặc giá trị pháp lý của điều khoản trọng tài hoặc thỏa thuận trọng tài riêng biệt”.
Hoặc khoản 1 Điều 23 Quy tắc Trọng tài UNCITRAL 2010 quy định:
“Hội đồng trọng tài có thẩm quyền quyết định về thẩm quyền của chính nó, bao gồm bất kỳ sự phản đối nào có liên quan tới sự tồn tại và hiệu lực của thỏa thuận trọng tài. Vì mục đích đó, một điều khoản trọng tài là một phần của hợp đồng sẽ độc lập với phần còn lại của hợp đồng. Một quyết định của hội đồng trọng tài cho rằng hợp đồng vô hiệu sẽ không tự động làm cho điều khoản trọng tài vô hiệu theo.”
Tại khoản 1 Điều 16 Luật Mẫu của UNCITRAL 2006 cũng có những quy định tương tự:
“Hội đồng trọng tài có thể quyết định về thẩm quyền xét xử của chính mình, kể cả những ý kiến phản đối về sự tồn tại hoặc giá trị pháp lý của thoả thuận trọng tài.”
Trên đây là những thông tin tham khảo về thẩm quyền của Trọng tài thương mại. Để được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Luật, Quý khách hãy liên hệ đến GV Lawyers qua thông tin chi tiết bên dưới website.