Niêm yết giá làm sao để hợp pháp và tránh thiệt hại

Niêm yết giá: làm sao để hợp pháp và tránh thiệt hại?

GV Lawyers xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Đỗ Đức Anh và bà Phan Mỹ Hạnh có tiêu đề: “Niêm yết giá: làm sao để hợp pháp và tránh thiệt hại?” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 38-2020 (1.553) ngày 17/09/2020.

***

Định giá hàng hóa, dịch vụ là quyền của doanh nghiệp. Điều này luôn đúng về mặt kinh doanh. Nhưng niêm yết giá là câu chuyện pháp lý. Việc không nắm được quy định về niêm yết giá có thể dẫn đến những thiệt hại to lớn cho doanh nghiệp.

100k không phải 100.000 đồng!

Thói quen kinh doanh hiện nay là doanh nghiệp hay niêm yết giá theo dạng “100K” thay vì “100.000 đồng” cho ngắn gọn. Nhưng 100K không phải 100.000 đồng! Vậy nên ghi “100K” trên bảng giá có thể bị coi là “niêm yết giá không rõ ràng gây nhầm lẫn cho khách hàng” theo khoản 1, khoản 2 điều 12 Nghị định 109/2013/NĐ-CP. Hệ quả là doanh nghiệp có thể chịu mức phạt tiền từ 500.000 đồng đến 3 triệu đồng, tùy từng trường hợp.

Untitled

Niêm yết bằng ngoại tệ: nhiều rủi ro pháp lý

Một thói quen khác là niêm yết giá bằng ngoại tệ. Mục tiêu chính của việc niêm yết giá bằng ngoại tệ là bảo toàn giá trị của hàng hóa, nhất là hàng hóa nhập khẩu khi mà doanh nghiệp phải thanh toán hàng nhập khẩu bằng ngoại tệ. Tuy nhiên, theo Pháp lệnh Ngoại hối, việc niêm yết hàng hóa bằng ngoại tệ là vi phạm nguyên tắc hạn chế sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam.

Về mặt trách nhiệm hành chính, các bên sẽ bị cảnh cáo khi số tiền thanh toán bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 đô la Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương). Tuy nhiên, khi số tiền vi phạm trên 1.000 đô la Mỹ (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) thì các bên vi phạm có thể chịu hình thức xử phạt tiền từ 60-100 triệu đồng. Nhưng thiệt hại không dừng tại đó. Nếu các bên đã thực hiện thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ, thì số ngoại tệ đó sẽ bị tịch thu và sung công.

Về trách nhiệm với đối tác, trong trường hợp hai bên đã ký hợp đồng bằng ngoại tệ, hợp đồng đó có thể bị tòa án tuyên vô hiệu. Khi đó, bên nhận thanh toán bằng ngoại tệ phải hoàn trả số tiền đã nhận đồng thời nhận lại hàng hóa mình đã bán cho đối tác. Nhưng nếu hàng hóa được bên mua sử dụng rồi thì giá trị hàng hóa đã giảm đi và sẽ khó khăn khi bán lại hàng đã sử dụng đó. Như vậy là từ một sai sót nhỏ (niêm yết hàng hóa bằng ngoại tệ), doanh nghiệp có thể bị đối tác lợi dụng để đề nghị tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu nhằm đòi lại số tiền đã thanh toán và trả lại hàng hóa khi đã sử dụng chán chê! Tất nhiên không phải đối tác nào cũng lợi dụng để thu lợi trên sai sót của doanh nghiệp nhưng khi đã sai về mặt pháp lý thì thiệt hại hoàn toàn có thể xảy ra.

Để giảm rủi ro khi niêm yết giá

Trên lãnh thổ Việt Nam, sử dụng ngoại tệ và niêm yết giá bằng ngoại tệ nói chung là vi phạm Pháp lệnh Ngoại hối. Nhưng cũng cần phải thừa nhận rằng bảo toàn giá trị hàng hóa nhập khẩu là nhu cầu hợp lý của doanh nghiệp. Do vậy, để đáp ứng nhu cầu này, doanh nghiệp thường thỏa thuận điều chỉnh giá theo sự thay đổi tỷ giá hối đoái giữa tiền đồng và ngoại tệ tương ứng (ví dụ đô la Mỹ, euro…). Tuy nhiên, một số cơ quan quản lý còn có quan điểm rằng, ngay cả trong trường hợp các bên thỏa thuận việc điều chỉnh giá bán theo sự thay đổi tỷ giá hối đoái, thì việc ghi giá như vậy vẫn bị coi là ghi giá bằng ngoại tệ. Do vậy, giải pháp thường được doanh nghiệp sử dụng, đặc biệt trong các hợp đồng dài hạn là thỏa thuận điều chỉnh giá hàng hóa theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) hoặc lạm phát.

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top