Quyền sở hữu công nghiệp là một trong các đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và được thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Vậy khái niệm về quyền sở hữu công nghiệp là gì? Hiểu như thế nào về loại quyền này? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây, để hiểu về quyền sở hữu công nghiệp theo hai nghĩa chính dưới đây:
Quyền sở hữu công nghiệp hiểu theo nghĩa khách quan
Quyền sở hữu công nghiệp là pháp luật về sở hữu công nghiệp hay nói đơn giản là tổng hợp những quy phạm pháp luật điều chỉnh những quan hệ xã hội phát sinh sau khi con người đã sáng tạo ra sản phẩm trí tuệ và được pháp luật coi là những đối tượng sở hữu công nghiệp. Với nghĩa này, quyền sở hữu công nghiệp là một quyền sở hữu đối với các tài sản vô hình. Ngoài ra, quyền sở hữu công nghiệp còn gồm có các quy định trong những điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Có thể phân chia các quy phạm pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ theo các nhóm:
Thứ nhất: Nhóm những quy định liên quan đến việc xác định tiêu chuẩn của một kết quả sáng tạo là đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp. Và các loại đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ và tiêu chí để xác định nó.
Thứ hai: Nhóm những quy định liên quan đến trình tự, thẩm quyền, thủ tục xác lập kết quả sáng tạo được xem là đối tượng sở hữu công nghiệp được bảo hộ.
Thứ ba: Nhóm những quy định liên quan đến nội dung quyền của các chủ thể đối với đối tượng sở hữu công nghiệp (bao gồm quyền và nghĩa vụ của tác giả, chủ sở hữu, các chủ thể khác có liên quan đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp đã được xác lập).
Thứ tư: Các quy phạm có liên quan đến việc dịch chuyển những đối tượng sở hữu công nghiệp.
Thứ năm: Các quy phạm có liên quan đến việc bảo vệ quyền của chủ thể đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp.
Với khái niệm này, quyền sở hữu công nghiệp không chỉ là những quy định của Luật dân sự. Mà thuộc rất nhiều văn bản pháp luật khác nhau và thuộc nhiều ngành luật khác nhau nhằm tạo thành thể thống nhất điều chỉnh những quan hệ xã hội liên quan đến đối tượng sở hữu công nghiệp. Ngoài ra, quyền sở hữu công nghiệp không chỉ được các quy phạm pháp luật của các quốc gia điều chỉnh mà chúng còn điều chỉnh bởi điều ước quốc tế song phương và đa phương.
Hiểu theo nghĩa chủ quan quyền sở hữu công nghiệp
Quyền sở hữu công nghiệp là một quyền sở hữu của pháp nhân, cá nhân đối với những đối tượng sở hữu công nghiệp.
Theo quy định khoản 4 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 thì: “Quyền sở hữu công nghiệp là quyền của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý, do chính mình sáng tạo ra hoặc là sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.”
Với khái niệm này, quyền sở hữu công nghiệp là quyền và nghĩa vụ của các chủ thể có liên quan đến việc chuyển dịch, sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp. Các quyền chủ quan này cần phải phù hợp với pháp luật nói chung và pháp luật trong quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Bao gồm các quyền nhân thân và quyền tài sản của chủ thể trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp; quyền ngăn chặn các hành vi xâm phạm hoặc là cạnh tranh không lành mạnh đối với những quyền của người sáng tạo ra hoặc người sử dụng hợp pháp đối tượng đó.
Quyền sở hữu công nghiệp hiểu dưới góc độ quan hệ pháp luật
Ngoài ra, quyền sở hữu công nghiệp còn được hiểu ở góc độ là quan hệ pháp luật với đủ các yếu tố hội tụ như khách thể, chủ thể, nội dung. Quyền sở hữu công nghiệp chỉ được hình thành dựa trên cơ sở sự tác động của những quy phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp đôi với kết quả của hoạt động sáng tạo trong lĩnh vực kinh doanh, sản xuất, làm dịch vụ.
Như vậy, chủ thể của quyền sở hữu công nghiệp là tất cả những tổ chức, cá nhân như tác giả hay chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc cá nhân, tổ chức được chủ sở hữu chuyển giao quyền sở hữu công nghiệp. Khách thể quyền sở hữu công nghiệp là những kết quả hoạt động sáng tạo trí tuệ được áp dụng trong hoạt động sản xuất, giải pháp hữu ích, kinh doanh như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lí, thiết kế bố trí, bí mật kinh doanh, tên thương mại. Nội dung của quyền sở hữu công nghiệp là tổng hợp quyền và nghĩa vụ của những chủ thể quyền sở hữu công nghiệp mà pháp luật ghi nhận và bảo hộ.
XEM THÊM: Dịch vụ tư vấn và đăng ký quyền sở hữu công nghiệp
Như vậy, quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật có những quy định rõ ràng trong Luật sở hữu trí tuệ. Hy vọng với những chia sẻ tham khảo trên đây, bạn đọc đã hiểu hơn về phần khái niệm này.