Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được quy định như thế nào theo Luật Việt Nam? Những vấn đề nào cần phải lưu ý về giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả? Dưới đây là những chia sẻ mà GV Lawyers muốn chia sẻ đến bạn đọc:
Thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền tác giả
Quy định tại Điều 51 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi và bổ sung 2009, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả thuộc về:
- Cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả có quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả. Cụ thể là Cục bản quyền tác giả thuộc về Bộ văn hóa thể thao và du lịch.
- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả có quyền đổi, cấp lại, hủy bỏ giấy chứng nhận đó.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có những quy định về mẫu Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
Theo quy định tại Điều 52 Luật sở hữu trí tuệ, trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn đăng ký hợp lệ, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả cho người nộp đơn.
Đối với trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn đăng ký.
Hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
- Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả có hiệu lực trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam.
- Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả cấp trước ngày Luật này có hiệu lực tiếp tục được duy trì.
Đăng bạ và công bố đăng ký quyền tác giả
- Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ đươc ghi nhận trong Sổ đăng ký quốc gia về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả.
- Quyết định cấp, đổi, cấp lại hoặc bác bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả được công bố ở Công báo về quyền tác giả và quyền liên quan.
Cấp lại, đổi, hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả
- Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả bị hư hỏng, mất hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả thì cơ quan thẩm quyền tiến hành đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
- Trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả không phải là tác giả, chủ sở hữu của quyền tác giả hoặc bản ghi âm, tác phẩm, chương trình phát sóng, ghi hình đã đăng ký không thuộc đối tượng bảo hộ thì cơ quan nhà nước thẩm quyền sẽ hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
- Tổ chức và cá nhân phát hiện việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả trái với quy định trong Luật sở hữu trí tuệ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả.
Trên đây là nội dung tham khảo về Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả theo đúng quy định của Luật Việt Nam mà GV Lawyers muốn chia sẻ đến bạn đọc.