GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Đỗ Đức Anh có tiêu đề: “Doanh nghiệp giải thể – Tìm ai đòi nợ?” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 02/05/2024 số 18-2024 (1.742).
***
Hiện có nhiều quan điểm khác nhau liên quan đến việc ai sẽ trả nợ nếu doanh nghiệp giải thể, dẫn đến các vụ cãi vã, thậm chí đưa nhau ra tòa. Tuy nhiên, có căn cứ pháp lý để yêu cầu những người quản lý doanh nghiệp chịu trách nhiệm về các khoản nợ khi doanh nghiệp giải thể.
Theo trang dangkykinhdoanh.gov.vn, năm 2023 có 172.578 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 20,5% so với năm 2022; trong đó, số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể là 65.480 doanh nghiệp, và số doanh nghiệp giải thể là 18.038 doanh nghiệp. Áp lực trả nợ là một trong những lý do khiến doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Vấn đề được đặt ra là doanh nghiệp bị giải thể khi chưa trả hết nợ thì ai sẽ tiếp tục trả khoản nợ đó?
Ai sẽ tiếp tục trả khoản nợ?
Có ý kiến cho rằng giải thể một doanh nghiệp không phải là chuyện muốn là làm được. Luật doanh nghiệp 2020 có quy định rõ: “Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác và không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại tòa án hoặc trọng tài.”[1]. Luật cũng có quy định một thời hạn mà sau thời hạn này, cơ quan đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể[2].
Hơn nữa, việc giải thể doanh nghiệp đôi khi không xuất phát từ quyết định chủ quan của doanh nghiệp đó, ví dụ như trường hợp kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ, trường hợp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Trên thực tế, không ít trường hợp chủ nợ bị bất ngờ khi biết rằng đối tác của mình đã giải thể dù chưa trả dứt các khoản nợ nần!
Theo quy định hiện hành, chỉ thành viên hợp danh của công ty hợp danh và chủ doanh nghiệp tư nhân có nghĩa vụ chịu trách nhiệm liên đới/tự chịu trách nhiệm thanh toán nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản của mình[3]. Còn thành viên của công ty TNHH hai thành viên trở lên, chủ sở hữu của công ty TNHH một thành viên, cổ đông của công ty cổ phần và thành viên góp vốn của công ty hợp danh chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp/đã cam kết góp[4], tùy thuộc vào từng loại hình công ty.
Như vậy, ngoại trừ một số trường hợp đặc thù, sau khi đã góp đủ vốn điều lệ, thì cổ đông/thành viên công ty không phải dùng tài sản cá nhân để thanh toán nợ cho công ty.
Nghĩa vụ trả nợ của người quản lý doanh nghiệp
Những người điều hành hoạt động của doanh nghiệp được Luật doanh nghiệp 2020 gọi chung là người quản lý doanh nghiệp và được định nghĩa: “Là người quản lý doanh nghiệp tư nhân và người quản lý công ty, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, chủ tịch hội đồng thành viên, thành viên hội đồng thành viên, chủ tịch công ty, chủ tịch hội đồng quản trị, thành viên hội đồng quản trị, giám đốc hoặc tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác theo quy định tại điều lệ công ty”[5].
Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020 quy định về các trường hợp và điều kiện giải thể doanh nghiệp, và đồng thời cũng quy định rằng: “Người quản lý có liên quan và doanh nghiệp quy định tại điểm d khoản 1 điều này cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ của doanh nghiệp“. Và “bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.”[6].
Theo các quy định này, nếu doanh nghiệp giải thể khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán nợ, chủ nợ có quyền yêu cầu bất cứ ai trong số những người quản lý doanh nghiệp phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ trả nợ.
Mặc dù có quy định như vậy, nhưng trên thực tế vẫn có những vấn đề phát sinh.
Có rất nhiều trường hợp cổ đông/thành viên công ty cũng đồng thời là người quản lý doanh nghiệp hay những người vừa góp vốn thành lập doanh nghiệp, vừa tham gia quản lý doanh nghiệp. Cụ thể, họ sẽ chịu trách nhiệm liên đới với tư cách người quản lý doanh nghiệp? Hay chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn điều lệ đã góp với tư cách cổ đông/thành viên công ty. Đây là một vấn đề chưa được quy định rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật.
Trong thực tế, đã có trường hợp một số cổ đông đồng thời giữ chức danh thành viên hội đồng quản trị, giám đốc công ty bị tòa án tuyên buộc phải chịu trách nhiệm liên đới với công ty thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo tỷ lệ góp vốn của từng người[7]! Ở vụ án này, tòa án đã xem xét tỷ lệ góp vốn để xác định trách nhiệm của những người quản lý có liên quan.
[1] Điều 207 Luật doanh nghiệp 2020
[2] Điều 208 và 209 Luật doanh nghiệp 2020, Điều 70 và 71 Nghị định 01/2021 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp
[3] Điều 181 và Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020
[4] Điều 46, Điều 74, Điều 111, và Điều 187 Luật doanh nghiệp 2020
[5] Điều 4 Luật doanh nghiệp 2020
[6] Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015
[7] Bản án số: 21/2021/KDTM-PT ngày 27/09/2021 của Tòa án Nhân dân thành phố Hải Phòng V/v tranh chấp Hợp đồng tín dụng
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn