Quyền sở hữu công nghiệp là quyền tổ chức, cá nhân đối với các sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại, bí mật kinh doanh do chính mình sáng tạo ra. Hoặc là sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh. Vậy chủ thể quyền sở hữu công nghiệp được pháp luật quy định như thế nào? Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây:
Tác giả của đối tượng sở hữu công nghiệp
Các đối tượng sở hữu công nghiệp đều được con người tạo ra nhưng không phải tất cả những đối tượng của sở hữu công nghiệp đều được pháp luật thừa nhận là có tác giả.
Trong các đôi tượng của quyền sở hữu công nghiệp pháp luật bảo hộ, thì các đối tượng được pháp luật bảo hộ quyền tác giả gồm: thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế. Các đối tượng không được bảo hộ trong quyền tác giả gồm có: tên thương mại, bí mật kinh doanh, chỉ dẫn địa lý.
Tác giả là người đã sáng tạo ra những sản phẩm trí tuệ, thể hiện dưới dạng kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, sáng chế. Người sáng tạo ra đối tượng này là cá nhân bằng việc lao động có tính sáng tạo tạo ra các sản phẩm được pháp luật thừa nhận. Pháp luật có quy định ” bằng lao động sáng tạo” dùng để phân biệt hình thức lao động đặc biệt với hình thức lao động khác không phải là hoạt động sáng tạo ( người hỗ trợ kĩ thuật, ngườ giúp sức cho tác giả, người thực hiện công việc theo sự chỉ đạo của tác giả,…)
Đồng tác giả là các người cùng sáng tạo ra kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí. Có thể tồn tại hai hoặc nhiều người độc lập nghiên cứu và cùng ra kết quả, tạo ra một đối tượng nhất định. Trong trường hợp này, pháp luật ưu tiên về bảo vệ người nộp đơn đăng kí đầu tiên.
Chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp
Được quy định tại Điều 121 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, chủ thể quyền sở hữu công nghiệp là các tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ với đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng.
Đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí
Như vậy, chủ sở hữu của kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí là tổ chức, cá nhân được cơ quan có thẩm quyền cấp văn bằng bảo hộ cho các đối tượng sở hữu công nghiệp tương ứng. Hoặc là tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu chuyển giao cho quyền sở hữu công nghiệp, kiểu dáng công nghiệp, tác giả sáng chế, thiết kế bố trí. Cụ thể như sau:
- Tác giả tạo ra kiểu dáng công nghiệp, sáng chế, thiết kế bố trí tạo ra bằng công sức và chi phí của mình.
- Tổ chức, cá nhân thực hiện đầu tư phương tiện vật chất, kinh phí cho tác giả dưới hình thức thuê việc, giao việc. Trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác và thỏa thuận đó không bị trái với quy định pháp luật trong quyền đăng ký đối với sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp được tạo ra do sử dụng cơ sở vật chất – kỹ thuật và kinh phí từ ngân sách nhà nước.
- Trường hợp có nhiều cá nhân, tổ chức cùng nhau tạo ra hoặc đầu tư với mục đích tạo ra sáng chế, thiết kế bố trí, kiểu dáng công nghiệp thì các tổ chức, cá nhân đó đều sẽ có quyền đăng ký nếu được tất cả tổ chức, cá nhân đó đồng ý.
- Người có quyền đăng ký được nêu trên có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho cá nhân, tổ chức khác dưới hình thức là hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc kế thừa pháp luật có quy định, kể cả trường hợp đã nộp đơn đăng ký.
Đối với nhãn hiệu
Chủ sở hữu nhãn hiệu trong quyền sở hữu công nghiệp là cá nhân, tổ chức được cơ quan có thẩm quyền cấp cho văn bằng bảo hộ nhãn hiệu hoặc có nhãn hiệu đã được đăng ký quốc tế được cơ quan có thẩm quyền công nhận hoặc là có nhãn hiệu nổi tiếng. Cụ thể như sau:
- Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu cho hàng hóa do chính mình sản xuất hoặc dịch vụ mà mình cung cấp.
- Tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động thương mại hợp pháp có quyền được đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường.
- Tổ chức tập thể được thành lập trên nguyên tắc hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để những thành viên của mình dùng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể. Đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của dịch vụ, hàng hóa, chủ thể có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của tổ chức, cá nhân tiến hành kinh doanh, sản xuất tại địa phương đó. Đối với địa danh, dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương thì việc đăng ký cần phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
- Tổ chức có chức năng chứng nhận chất lượng, kiểm soát, đặc tính, nguồn gốc hoặc các tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ được quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.
- Hai hoặc nhiều tổ chức hay cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu.
- Người có quyền đăng ký nhãn hiệu nêu trên. Kể cả người đã nộp đơn xin đăng ký có quyền chuyển giao quyền đăng ký cho các cá nhân, tổ chức khác dưới hình thức là hợp đồng bằng văn bản, để thừa kế hoặc là kế thừa mà pháp luật có quy định.
- Đối với nhãn hiệu được bảo hộ tại nước là thành viên của điều ước quốc tế có quy định cấm người đại diện hoặc là đại lý của chủ sở hữu nhãn hiệu đăng ký nhãn hiệu đó mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cũng là nước thành viên thì người đại diện hy đại lý đó không được phép đăng ký nhãn hiệu nếu không có sự đồng ý từ chủ sở hữu nhãn hiệu.
Đối với tên thương mại
Chủ sở hữu tên thương mại là cá nhân, tổ chức sử dụng hợp pháp tên thương mại đó trong hoạt động kinh doanh.
Đối với bí mật kinh doanh
Chủ sở hữu bí mật kinh doanh là cá nhân, tổ chức có được bí mật kinh doanh hợp pháp và thực hiện việc bảo mật cho bí mật kinh doanh đó. Bí mật kinh doanh mà bên thực hiện nhiệm vụ và bên làm thuê được giao có được trong việc thực hiện công việc được thuê hoặc là được giao thuộc quyền sở hữu công nghiệp của bên giao việc hoặc bên thuê. Trừ các trường hợp các bên có thoả thuận khác.
Đối với chỉ dẫn địa lý
Chủ sở hữu của chỉ dẫn địa lý của Việt Nam là Nhà nước. Nhà nước trao quyền về sử dụng chỉ dẫn địa lý cho cá nhân, tổ chức tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra ngoài thị trường. Nhà nước sẽ trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý để tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các cá nhân, tổ chức được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý.
Trên đây là nội dung tham khảo về chủ thể quyền sở hữu công nghiệp mà GVLawyers gửi đến bạn đọc. Bạn đọc có thể tham khảo thêm các bài viết liên quan để hiểu hơn phần nội dung này.