Legal Alert April 2024 VN

Cập Nhật Pháp Luật | Tháng 04 Năm 2024

Ngày 01/4/2024, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 262/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (“Quy hoạch Điện VIII”) với 4 mục đích chính là: (i) đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội từng thời kỳ, đảm bảo điện đi trước một bước; (ii) chuyển dịch năng lượng từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, góp phần hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050; (iii) thu hút đầu tư phát triển điện lực; và (iv) định hướng cho các bộ, ngành thực hiện hiệu quả Quy hoạch Điện VIII (“Kế hoạch”).

Sau đây là một số nội dung chính của Kế hoạch mà các nhà đầu tư năng lượng đặc biệt quan tâm.

1. Danh mục các dự án nguồn điện đến năm 2030

STT Nguồn điện Tổng công suất

(MW)

Quy định của Quy hoạch Điện VIII
Các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư
1 Nhiệt điện khí trong nước 14.930 Bảng 1 Phụ lục III
2 Nhiệt điện LNG 22.400 Bảng 2 Phụ lục III
3 Nhiệt điện than 30.127 Bảng 3 Phụ lục III
4 Nguồn điện đồng phát, nguồn điện sử dụng nhiệt dư, khí lò cao, sản phẩm phụ của dây chuyền công nghệ 2.700 Bảng 5 Phụ lục III
5 Thủy điện (dự án vừa và lớn) 29.346 Bảng 6 Phụ lục III
6 Thủy điện tích năng 2.400 Bảng 7 Phụ lục III
Các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo
1 Điện gió ngoài khơi 6.000 Bảng 1 Phụ lục II
2 Điện gió trên bờ (điện gió trên đất liền và gần bờ) 21.880 Bảng 9 Phụ lục II
3 Thủy điện (dự án nhỏ xây dựng mới) 29.346 Bảng 10 Phụ lục II
4 Điện sinh khối 1.088 Bảng 11 Phụ lục II
5 Điện sản xuất từ rác 1.182 Bảng 12 Phụ lục II
6 Điện mặt trời mái nhà (tự sản, tự tiêu) 2.600 Bảng 6 Phụ lục II
7 Pin lưu trữ 300 Bảng 8 Phụ lục II
Các loại hình nguồn điện khác
1 Các nguồn điện linh hoạt 300
2 Nhập khẩu từ Lào 5.000 – 8.000
3 Xuất khẩu điện từ khu vực miền Trung và miền Nam 5.000 – 10.000
4 Các loại năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh) 5.000

2. Các dự án lưới điện truyền tải và liên kết lưới điện khu vực

Phụ lục V của Kế hoạch đưa ra danh mục các dự án lưới điện truyền tải quan trọng, ưu tiên đầu tư, lưới điện liên kết với các nước láng giềng. Khối lượng “lưới điện dự phòng phát sinh các đường dây và trạm biến áp” tại Phụ lục V này được dùng để:

  • triển khai các dự án lưới điện truyền tải xây dựng mới hoặc các công trình đầu tư bổ sung mới để nâng cao năng lực lưới điện truyền tải, khả năng điều khiển và vận hành hệ thống điện chưa có trong danh mục của Quy hoạch Điện VIII;
  • đấu nối đồng bộ các dự án nguồn điện nhập khẩu vào hệ thống điện Việt Nam; và
  • đấu nối đồng bộ (cấp điện áp 220 kV trở lên) các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo trong Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII với hệ thống điện quốc gia.

3. Nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng

Kế hoạch đặt ra mục tiêu nghiên cứu xây dựng 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng đến năm 2030 như sau:

  • Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ với quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW.
  • Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ – Nam Bộ với quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 – 2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500 – 2.000 MW.

4. Nhu cầu vốn đầu tư đến năm 2030

  • Tổng vốn đầu tư công là 29.829 tỷ đồng, gồm: (i) Vốn đầu tư cho các đề án/ dự án ưu tiên về hoàn thiện chính sách pháp luật và tăng cường lực của ngành điện khoảng 50 tỷ đồng; và (ii) Vốn đầu tư cho chương trình cấp điện nông thôn miền núi và hải đảo khoảng 29.779 tỷ đồng.
  • Tổng vốn khác ngoài vốn đầu tư công là 3.223 nghìn tỷ đồng (tương đương 134,7 tỷ USD), được dùng cho các nguồn và lưới điện truyền tải trong 02 giai đoạn 2021 – 2025 và 2026 – 2030. Trong đó, đầu tư phần nguồn điện chiếm khoảng 2.866,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 119,8 tỷ USD); và phần đầu tư lưới điện truyền tải chiếm khoảng 356,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 14,9 tỷ USD).

Như vậy, có thể thấy, Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đã đưa ra một lộ trình tổ chức thực hiện có hiệu quả các đề án/dự án đáp ứng các mục tiêu đã đề ra của Quy hoạch Điện VIII, đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế – xã hội theo từng thời kỳ. Đó là cơ sở pháp lý quan trọng để Việt Nam hiện thực hóa những mục tiêu phát triển năng lượng đặt ra, là cơ sở pháp lý quan trọng để nhà đầu tư triển khai các dự án điện. Tuy nhiên, để Kế hoạch nhanh chóng được thực thi thì những nhiệm vụ đặt ra trong Kế hoạch cần phải được các đơn vị liên quan vào cuộc triển khai ngay và đồng bộ.

Rate this post
Scroll to Top