GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của cô Nguyễn Yến Nhi có tiêu đề: “Bối cảnh ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam sau khi thực hiện chính sách mới” được đăng trên website The Legal 500 ngày 19/06/2023.
***
Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia giai đoạn 2021-2030 với tầm nhìn đến năm 2050 (QHĐ8) đã được Thủ tướng Chính phủ Việt Nam chính thức công bố ngày 15 tháng 5 năm 2023. Sự phát triển đáng kể này được kỳ vọng sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư và tăng trưởng mới vào thị trường điện Việt Nam trong giai đoạn sắp tới, đặc biệt là lĩnh vực năng lượng tái tạo.
1. Các xu hướng mới về phát triển ngành điện tại Việt Nam
Sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch, cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine đang diễn ra kể từ tháng 2 năm 2022 và giá tài nguyên hóa thạch leo thang đã dẫn đến cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu[1]. Việt Nam cũng như nhiều nước khác đang phải vật lộn với vấn đề này. Để giảm thiểu tác động của cuộc khủng hoảng năng lượng này, cả chính phủ Việt Nam và chính phủ các nước trên thế giới đang tích cực tìm kiếm các giải pháp năng lượng thay thế nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng.
Năng lượng tái tạo đã nổi lên như một giải pháp hứa hẹn và hấp dẫn nhất để đạt được sự bền vững, bằng chứng là sự gia tăng đầu tư liên tục vào các hệ thống năng lượng tái tạo so với năng lượng dựa trên nhiên liệu hóa thạch. Theo báo cáo Đầu tư Năng lượng Thế giới năm 2023 được công bố vào cuối tháng 5[2], đầu tư vào năng lượng tái tạo đã vượt qua các loại năng lượng truyền thống. Xu hướng này phản ánh sự nhìn nhận tiềm năng và sức hấp dẫn của năng lượng tái tạo là động lực chính cho sự phát triển bền vững ở Việt Nam và trên toàn cầu.
Theo QHĐ8, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã vạch ra lộ trình chiến lược để giảm dần sự phụ thuộc vào sản xuất nhiệt điện than. Quy hoạch này bao gồm các biện pháp nhập khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (KHL) để phát điện ở quy mô hợp lý và nhấn mạnh đáng kể vào việc thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là năng lượng gió và điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) để tự tiêu thụ.
QHĐ8 nhằm mục đích đa dạng hóa cơ cấu năng lượng của Việt Nam bằng cách giảm tỷ trọng sản xuất điện từ than trong khi ưu tiên áp dụng các giải pháp thay thế sạch hơn và bền vững hơn. Trong đó bao gồm việc tích cực khám phá tiềm năng của điện gió và khuyến khích triển khai các hệ thống năng lượng mặt trời trên mái nhà để tiêu dùng riêng lẻ. Cam kết của chính phủ đối với các sáng kiến này thể hiện động lực mạnh mẽ hướng tới một ngành năng lượng xanh hơn và thân thiện môi trường hơn ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam đang lấy ý kiến về dự thảo quyết định liên quan đến cơ chế hợp đồng mua bán điện trực tiếp (HĐMBĐTT) giữa chủ sở hữu nhà máy điện và bên bao tiêu với mức tiêu thụ điện cao. Dự thảo quyết định này được xây dựng dựa trên hướng dẫn cập nhật theo QHĐ8. Theo dự thảo quyết định này, các nhà đầu tư được đăng ký thí điểm cơ chế HĐMBĐTT. Tuy nhiên, công suất tích lũy của các dự án đăng ký không được vượt quá 1.000 MW. [3]
2. Tình hình ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam
- Giảm đầu tư vào ĐMTMN
Trong thời gian qua, các hệ thống ĐMTMN có ngày vận hành thương mại (NVHTM) trước ngày 31/12/2020 được phép đấu nối vào lưới điện của EVN và bán điện dư với giá ưu đãi[4]. Tuy nhiên, sau giai đoạn này, việc thiếu khung pháp lý cho hoạt động mua bán điện từ các hệ thống ĐMTMN đã khiến nhà đầu tư không thể bán nguồn điện dư thừa cho EVN.
Sau một thời gian dài mong đợi, việc công bố QHĐ8 đã đưa ra các hướng dẫn rõ ràng rằng các hệ thống năng lượng tái tạo chỉ dành cho mục đích tự tiêu thụ. Nghĩa là các hệ thống ĐMTMN không nên được kết nối với lưới điện của EVN và thời hạn thu hồi vốn đầu tư vào các dự án ĐMTMN sẽ được gia hạn.
Do đó, vốn cần thiết để đầu tư vào ĐMTMN dự kiến sẽ giảm trong giai đoạn tới.
- Các nguồn năng lượng tái tạo “không còn khả năng tái tạo”
Trong bối cảnh thủy điện chiếm tỷ trọng đáng kể trong thị trường năng lượng tái tạo của Việt Nam theo QHĐ8, tình trạng cạn kiệt hiện tại của các con sông – nguồn năng lượng chính ở miền Bắc Việt Nam – trong những tháng mùa hè hiện nay đang gây ra tình trạng thiếu điện nghiêm trọng trong khu vực. Dù có sự hỗ trợ từ miền Trung và miền Nam[5], nhưng mực nước các con sông ở miền Bắc xuống thấp gây rủi ro cho an ninh điện và nguồn cung cấp điện sinh hoạt trong suốt mùa khô còn lại của năm 2023. [6]
Tình trạng này là một dấu hiệu quan trọng cho thấy cần phải cấp bách tìm ra các giải pháp năng lượng thay thế để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng đang diễn ra.
- Nhu cầu cấp bách về lưới điện quốc gia tốt hơn
Theo QHĐ8, tỷ trọng năng lượng xanh trong cơ cấu năng lượng của Việt Nam dự kiến sẽ tăng đáng kể. Năng lượng xanh dự kiến sẽ tăng tới 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và tiếp tục tăng lên 67,5 – 71,5% vào năm 2050. Mục tiêu đầy tham vọng này phản ánh cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam đối với việc phát triển năng lượng xanh.
Tuy nhiên, Việt Nam hiện đang gặp phải nhiều thách thức liên quan đến các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là sản lượng điện biến động do các yếu tố tự nhiên thay đổi, mà những yếu tố này lại là nhiên liệu chính cho các nhà máy điện tái tạo. Những yếu tố này hình thành rào cản đối với việc sản xuất điện ổn định, liên tục từ các nguồn tái tạo.[7]
Các hệ thống năng lượng mặt trời, bao gồm hệ thống ĐMTMN, có thể bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi ánh sáng mặt trời trong ngày và các vật cản tạo bóng trên hệ thống vào ban ngày, dẫn đến giảm khả năng phát điện. Ngoài ra, với sự phát triển theo chiều dọc ngày càng tăng ở các khu vực đô thị, năng suất của các hệ thống ĐMTMN được lắp đặt trên mái của các tòa nhà lớn hoặc nhà ở có thể giảm dần theo thời gian do bóng râm từ các công trình xung quanh.
Tương tự, các nhà máy thủy điện và điện gió cũng chịu sự biến động về năng suất do các yếu tố khí hậu gây ra. Thay đổi về mực nước và tốc độ dòng chảy trên sông có thể ảnh hưởng đến sản lượng của nhà máy thủy điện, trong khi thay đổi về tốc độ và hướng gió ảnh hưởng đến công suất của các nhà máy điện gió. Các yếu tố khí hậu này không thể đoán trước và gây gián đoạn trong quá trình phát điện của các hệ thống thủy điện và điện gió.
Như đã nêu trong QHĐ8, trọng tâm rõ ràng là phải ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là trong giai đoạn 2021-2030. Tầm nhìn dài hạn đến năm 2050 nhằm giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, cũng như giảm phát thải khí nhà kính. Một trong những mục tiêu là giải quyết các thách thức phát sinh trong công tác vận hành và bảo dưỡng lưới điện[8], đặc biệt là việc đấu nối các hệ thống điện có công suất không ổn định vào lưới điện quốc gia.
Mục đích là để giảm thiểu những trở ngại trong việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo có sản lượng điện dao động vào cơ sở hạ tầng lưới điện hiện có. Bằng cách đó, mục tiêu là đảm bảo lưới điện hoạt động ổn định và đáng tin cậy hơn, thúc đẩy sự phát triển bền vững của năng lượng tái tạo đồng thời giảm thiểu sự gián đoạn và nâng cao hiệu quả tổng thể của hệ thống điện.
Để tạo nền tảng vững chắc cho việc thực hiện các kế hoạch đã vạch ra trong QHĐ8, điều quan trọng là phải ưu tiên xây dựng, cải tạo và bảo trì lưới điện quốc gia của Việt Nam. Đây là điều cần thiết để khai thác hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo, giảm bớt căng thẳng về cung cấp điện và giải quyết những thách thức gặp phải trong mùa khô. QHĐ8 nhìn nhận tầm quan trọng của nhiệm vụ này và đưa ra các yêu cầu cụ thể về vấn đề này.
Thứ nhất, tập trung bảo trì, nâng cấp lưới điện quốc gia hiện có để đảm bảo kết nối ổn định, truyền tải điện hiệu quả, phát huy tối đa năng suất của các nhà máy điện. Điều này liên quan đến việc cải thiện cơ sở hạ tầng và khả năng của lưới điện để đáp ứng tỷ lệ ngày càng tăng của các nguồn năng lượng tái tạo.
Thứ hai, QHĐ8 nhấn mạnh sự cần thiết phải phát triển các đường dây tải điện một chiều siêu cao áp, cụ thể là hỗ trợ khai thác các nhà máy điện quy mô lớn, bao gồm các hệ thống điện gió ngoài khơi. Định hướng chiến lược này nhằm tạo thuận lợi không những trong việc tích hợp hiệu quả các nguồn điện này vào lưới điện, mà còn cho việc đóng góp đáng kể của các nguồn điện vào cơ cấu năng lượng.
Bằng cách giải quyết các ưu tiên này, Việt Nam có thể thiết lập cơ sở hạ tầng lưới điện mạnh mẽ cho phép sử dụng thành công các nguồn năng lượng tái tạo, tăng cường khả năng truyền tải điện và sự bền bỉ của hệ thống điện.
- Thiếu khung pháp lý về nhà máy điện gió ngoài khơi
Bên cạnh việc cải thiện lưới điện quốc gia, khung pháp lý cho đầu tư năng lượng tái tạo đang là mối quan tâm lớn của các nhà đầu tư năng lượng tại Việt Nam.
QHĐ8 thừa nhận rằng điện gió ngoài khơi có tiềm năng lớn lao cho tương lai năng lượng của Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành chưa quy định đầy đủ về phát triển các dự án điện gió ngoài khơi. Thiếu các quy định pháp lý để xác định cơ quan có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, thủ tục lựa chọn nhà thầu và cơ chế xác định giá trong các dự án điện gió được quy định trong các luật đầu tư hiện hành.[9]
Để thúc đẩy môi trường thuận lợi hơn cho các dự án năng lượng tái tạo tại Việt Nam, Quốc hội cần ban hành văn bản pháp luật toàn diện hoặc hướng dẫn các cơ quan có thẩm quyền thiết lập khung pháp lý vững chắc cho các dự án đó. Khung pháp lý toàn diện này sẽ giải quyết các khía cạnh chính của việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi, bao gồm phê duyệt đầu tư, thủ tục mua sắm và cơ chế định giá. Bằng cách đó, nó sẽ mang lại sự rõ ràng và chắc chắn cho các nhà đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của năng lượng tái tạo ở Việt Nam.
3. Các bước chuyển biến tiếp theo
Với kế hoạch chiến lược và các mục tiêu được nêu trong QHĐ8, dự kiến sẽ có những chuyển đổi đáng kể trong thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt liên quan đến thủ tục pháp lý đối với đầu tư và ưu tiên các nguồn điện tái tạo. Những cập nhật trong QHĐ8 cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu ngành năng lượng tái tạo, chuyển từ hệ thống điện nhỏ sang nhà máy điện quy mô lớn hơn. Những dự án lớn hơn này đòi hỏi đầu tư vốn đáng kể, cũng như chuyên môn và bí quyết của các nhà đầu tư, đặc biệt là những người từ các nước phát triển có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này.
Do đó, có nhiều dự đoán về sự gia tăng đáng kể vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực năng lượng xanh ở Việt Nam trong những năm tới. [10]Việc mở rộng đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ góp phần vào sự phát triển và tăng trưởng của ngành năng lượng tái tạo tại Việt Nam, mang lại công nghệ tiên tiến, nguồn lực tài chính và các thông lệ quốc tế tốt nhất. Dòng vốn đầu tư nước ngoài này sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy mở rộng ngành năng lượng xanh và hỗ trợ đạt được các mục tiêu năng lượng tái tạo được nêu trong QHĐ8.
Mặc dù đã có những dự đoán và dấu hiệu liên quan đến sự phát triển của ngành năng lượng xanh tại Việt Nam, nhưng cần có sự chỉ đạo toàn diện và chi tiết từ Chính phủ để mở ra một tầm nhìn rõ ràng hơn. Khi năng lượng tái tạo tiếp tục đạt được tầm quan trọng, chính phủ mong đợi sẽ chỉ đạo và quy định thêm để hỗ trợ phát triển và triển khai các dự án năng lượng xanh tại Việt Nam.
Những chỉ đạo này sẽ phác thảo các thủ tục, chính sách và ưu đãi cụ thể để thu hút đầu tư, hợp lý hóa các quy trình và đảm bảo tích hợp hiệu quả các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống năng lượng quốc gia. Chúng sẽ giải thích rõ ràng và định hướng cho các nhà đầu tư, nhà phát triển dự án và các bên liên quan khác trong lĩnh vực năng lượng xanh.
Điều quan trọng là phải theo dõi các cập nhật và thông báo chính thức của chính phủ để hiểu toàn diện hơn về định hướng tương lai và các biện pháp cụ thể sẽ định hình ngành năng lượng xanh ở Việt Nam.
>> Để đọc bài viết được đăng trên The Legal 500, vui lòng truy cập: https://www.legal500.com/developments/thought-leadership/vietnams-renewable-energy-landscape-post-new-policy-implementation/
[1] https://www.iea.org/topics/global-energy-crunch
[2] https://iea.blob.core.windows.net/assets/8834d3af-af60-4df0-9643-72e2684f7221/WorldEnergyInvestment2023.pdf
[3] https://baochinhphu.vn/thi-diem-mua-ban-dien-truc-tiep-giua-don-vi-phat-dien-voi-khach-su-dung-dien-lon-102220509160349789.htm
[4] Hệ thống ĐMTMN có ngày vận hành thương mại (NVHTM) đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020 và đấu nối vào lưới điện của EVN sẽ bán điện cho EVN với giá ưu đãi (tức là Biểu giá mua điện) theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg và Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về ưu đãi phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam
[5] https://e.vnexpress.net/photo/environment/da-river-dries-up-amid-summer-blackouts-4615662.html
[6] https://vietnamnews.vn/environment/1534291/northern-region-faces-high-risk-of-serious-electricity-shortage.html
[7] https://npc.com.vn/goc-nhin-bao-chi/ly-do-viet-nam-van-nguy-co-thieu-dien-du-nhieu-dien-gio-mat-troi-20119.html
[8] https://vov.vn/kinh-te/van-hanh-hop-ly-luoi-truyen-tai-tang-hieu-qua-cho-dien-nang-luong-tai-tao-post1002512.vov
[9] https://vneconomy.vn/phat-trien-dien-gio-ngoai-khoi-van-kho-do-thieu-hanh-lang-phap-ly.htm
[10]https://tapchitaichinh.vn/dau-tu-nuoc-ngoai-tro-thanh-don-bay-cho-thi-truong-nang-luong-tai-tao-viet.html
Nguồn: The Legal 500