Hiện nay, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời mái nhà, đang trở thành một xu hướng tất yếu để giảm thiểu tác động môi trường và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Để hỗ trợ và khuyến khích cá nhân, tổ chức lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà, Nhà nước đã ban hành các quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà cho việc tự sản xuất, tự tiêu thụ và hòa lưới điện quốc gia.
Những quy định này không chỉ giúp giảm áp lực lên hệ thống điện truyền thống mà còn thúc đẩy hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường, phù hợp với định hướng phát triển năng lượng bền vững của quốc gia.
QUY ĐỊNH CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN ĐIỆN MẶT TRỜI MÁI NHÀ THEO NGHỊ ĐỊNH VỪA BAN HÀNH MỚI NHẤT VÀO NGÀY 22/10/2024
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này đề cập đến cơ chế và chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hệ thống điện mặt trời tự sản xuất, tự tiêu thụ được lắp đặt trên mái của các công trình xây dựng, bao gồm nhà ở, trụ sở cơ quan, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, cơ sở sản xuất và kinh doanh được đầu tư xây dựng theo quy định pháp luật.
Hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa các tổ chức, cá nhân sẽ tuân theo quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện quy mô lớn.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Các tổ chức, cá nhân quản lý hoặc tham gia vào việc phát triển hệ thống điện mặt trời mái nhà theo hình thức tự sản xuất, tự tiêu thụ tại Việt Nam.
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động này.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Nghị định này, các thuật ngữ sau được hiểu như sau:
- Điện mặt trời mái nhà là loại điện được tạo ra từ các tấm pin quang điện, chuyển hóa từ ánh sáng thành điện năng và được lắp đặt trên mái của các công trình xây dựng, kết nối với các thiết bị điện để phục vụ mục đích phát điện.
- Điện tự sản xuất, tự tiêu thụ là điện do các tổ chức hoặc cá nhân sản xuất và sử dụng để đáp ứng nhu cầu của chính họ.
- Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia là loại điện mặt trời được sản xuất trên mái nhà và cung cấp cho các phụ tải tại chỗ có kết nối với hệ thống điện quốc gia hoặc có liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia.
- Điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ không đấu nối với hệ thống điện quốc gia là loại điện mặt trời được sản xuất trên mái nhà, phục vụ các phụ tải tại chỗ mà không có kết nối với hệ thống điện quốc gia hoặc không có liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia.
- Liên kết vật lý với hệ thống điện quốc gia là mối nối điện giữa phụ tải của tổ chức hoặc cá nhân với lưới điện của một đơn vị điện lực (không thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) có kết nối với hệ thống điện quốc gia.
- Sản lượng điện dư là phần sản lượng điện từ hệ thống điện mặt trời mái nhà không tiêu thụ hết và phát vào hệ thống điện quốc gia.
- Bên mua điện dư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam hoặc đơn vị được Tập đoàn Điện lực Việt Nam ủy quyền để mua điện.
- Bên bán điện dư là các tổ chức hoặc cá nhân sở hữu hệ thống điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ hoặc đơn vị nhận chuyển quyền và nghĩa vụ từ chủ sở hữu hệ thống theo quy định pháp luật.
Những quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà đang mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và cá nhân trong việc khai thác năng lượng tái tạo, giảm thiểu chi phí và góp phần bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai các dự án điện mặt trời mái nhà đòi hỏi sự hiểu biết sâu sắc về pháp lý để tuân thủ đúng quy định, đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả.
Trên đây là những thông tin tham khảo, Global Vietnam Lawyers (GV Lawyers) – công ty luật hàng đầu tại Việt Nam, với đội ngũ chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, sẵn sàng hỗ trợ tư vấn toàn diện cho doanh nghiệp và cá nhân trong việc thực hiện các thủ tục pháp lý liên quan, giúp tối ưu hóa lợi ích từ các chính sách khuyến khích này.