GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của bà Trần Nguyễn Phương Anh có tiêu đề: “Gỡ rối” vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu nước ngoài” được đăng trên Tạp chí Kinh Tế Sài Gòn ngày 13/06/2024 số 24-2024 (1.748).
***
Chỉ riêng năm 2023, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội (Tòa Án Hà Nội) đã ban hành hai quyết định về việc hủy phán quyết trọng tài có nhận định trái ngược nhau về tính bắt buộc của việc hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài trong thủ tục tố tụng trọng tài. Bất đồng về cách giải thích pháp luật cho cùng một vấn đề trong cùng một tòa án gây ra không ít bối rối trong cả cộng đồng luật sư lẫn công chúng.
Cụ thể, tại Quyết định 12/2023/QĐ-PQTT ngày 4-7-2023 (Quyết định 12/2023), Tòa án Hà Nội nhận định phán quyết trọng tài vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng bởi Hội đồng trọng tài thụ lý và giải quyết vụ tranh chấp khi các giấy tờ của nguyên đơn gửi từ nước ngoài chưa được hợp pháp hóa lãnh sự, từ đó quyết định hủy phán quyết trọng tài. Trong khi đó, Quyết định 16/2023/QĐ-PQTT ngày 27-11-2023 (Quyết định 16/2023) lại cho rằng đơn khởi kiện không cần hợp pháp hóa lãnh sự nếu cơ quan tiếp nhận (mà trong trường hợp này là Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam – VIAC) không có yêu cầu.
Tòa án Nhân dân tối cao đã công bố dự thảo Án lệ số 15/2024 (dự thảo Án lệ) với nguồn án lệ chính là Quyết định 16/2023 nói trên. Tình huống án lệ như sau: Bên yêu cầu có yêu cầu hủy phán quyết trọng tài với lý do Hội đồng trọng tài không yêu cầu bên liên quan hợp pháp hóa lãnh sự các giấy tờ, tài liệu lập ở nước ngoài được nộp tại trọng tài thương mại Việt Nam. Dự thảo Án lệ đề xuất giải pháp pháp lý là tòa án phải xác định giấy tờ, tài liệu này không nhất thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự nếu tổ chức trọng tài tiếp nhận giấy tờ, tài liệu này không yêu cầu, trừ trường hợp Quy tắc tố tụng trọng tài có quy định.
Án lệ được đề xuất dựa trên việc Luật Trọng tài thương mại 2010 không có quy định yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu được lập ở nước ngoài khi nộp tại trọng tài Việt Nam. Nghị định số 111/2011/NĐ-CP ngày 5-12-2011 về chứng nhận lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự (Nghị định 111/2011) cũng không có quy định yêu cầu như vậy. Việc một số thẩm phán có quan điểm ngược lại và quyết định hủy một số phán quyết trọng tài là không phù hợp với các văn bản pháp luật nói trên, cũng không phù hợp với thông lệ quốc tế, do đó cần có án lệ để thống nhất áp dụng pháp luật. Dự thảo Án lệ cũng ghi nhận rằng việc phát triển án lệ về vấn đề này là cần thiết để đảm bảo hoạt động trọng tài tại Việt Nam hiệu quả, nhanh gọn.
Tại Quyết định 16/2023, Tòa án Hà Nội căn cứ khoản 4, điều 9, Nghị định 111/2011 để nhận định rằng VIAC (là cơ quan tiếp nhận) không yêu cầu phải hợp pháp hóa lãnh sự thì không nhất thiết phải hợp pháp hóa lãnh sự. Tuy nhiên, nhận định này chưa thật sự thuyết phục vì theo khoản 4, điều 9, Nghị Định 111/2011, việc miễn hợp pháp hóa lãnh sự của tài liệu do cơ quan tiếp nhận của Việt Nam quyết định phải phù hợp với quy định pháp luật tương ứng của Việt Nam. Mà cho đến nay, pháp luật chưa trao cho các trung tâm trọng tài và/hoặc hội đồng trọng tài giải quyết vụ tranh chấp quyền quyết định có yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu hay không.
Đáng chú ý, trong cả Quyết định 12/2023 và Quyết định 16/2023, bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài đều cho rằng việc không hợp pháp hóa lãnh sự tài liệu nước ngoài là vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam, vốn dĩ là một khái niệm chưa được thống nhất cách diễn giải và áp dụng mặc dù đã được hướng dẫn tại Nghị quyết số 01/2014/NQ-HĐTP ngày 20-3-2014 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Ngay cả Tòa án Hà Nội trong Quyết định 12/2023, dù đồng ý với bên yêu cầu hủy phán quyết trọng tài trong nhận định của mình, cũng không chỉ ra được cụ thể nguyên tắc cơ bản nào bị vi phạm.
Trong bối cảnh như vậy, việc thông qua và ban hành chính thức Án lệ 15/2024 sẽ giúp bổ sung cơ sở pháp lý để các trung tâm trọng tài tiếp nhận vụ việc cũng như hội đồng trọng tài giải quyết vụ việc có đầy đủ thẩm quyền quyết định việc có yêu cầu các bên hợp pháp hóa lãnh sự các tài liệu nước ngoài hay không. Việc bổ sung cơ sở pháp lý một mặt giúp thống nhất cách hiểu của tất cả các bên liên quan, tạo thuận lợi trong tiến hành thủ tục tố tụng trọng tài, mặt khác loại trừ việc các bên liên hệ vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự với vi phạm nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam để yêu cầu hủy phán quyết trọng tài. Điều này đồng thời củng cố lợi thế tiết kiệm thời gian và tiền bạc của phương thức giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại so với tại tòa án theo hướng tinh giản thủ tục và giấy tờ, phù hợp với chủ trương khuyến khích phát triển trọng tài thương mại tại Việt Nam.