Insolvency là gì? Insolvency dịch ra tiếng Việt có nghĩa là mất khả năng thanh toán, dây là thuật ngữ được dùng khi một cá nhân hoặc tổ chức/doanh nghiệp không thể có khả năng đáp ứng các nghĩa vụ tài chính của mình đối với người cho vay khi các khoản nợ đến hạn. Để hiểu hơn về insolvency là gì, cùng các thông tin xoay quanh nó, mời Quý khách tham khảo thông tin mà GV Lawyers chia sẻ dưới đây nhé!
Tìm hiểu insolvency là gì?
Insolvency là gì? Insolvency, dịch nghĩa là mất khả năng thanh toán. Theo đó, tại Khoản 1, Điều 4, Luật Phá sản 2014 có nêu rõ: Doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Cơ sở pháp lý:
Những vấn đề liên quan đến tình trạng mất khả năng thanh toán của doanh nghiệp được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật sau đây:
- Luật phá sản số 51/2014/QH13;
- Nghị định số 22/2015/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2015 quy định chi tiết thi hành một số điều của luật phá sản về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản;
- Nghị quyết số 03/2016/NĐ-HĐTP ngày 26 tháng 8 năm 2016 hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao.
Đặc điểm của tình trạng insolvency là gì?
Theo Điều 3, Luật phá sản 2004 quy định: “Doanh nghiệp, hợp tác xã không có khả năng thanh toán được các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu thì coi là lâm vào tình trạng phá sản”. Trong khi đó, Luật phá sản 2014 quy định rạch ròi giữa khái niệm “phá sản” và “mất khả năng thanh toán”, theo đó:
- Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. (Theo Khoản 2, Điều 4, Luật phá sản 2014)
- Mất khả năng thanh toán là không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán (Khoản 1 Điều 4)
Như vậy, chỉ khi Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản thì doanh nghiệp bị mất khả năng thanh toán mới được coi là ở trong tình trạng phá sản. Hơn nữa, nhà lập pháp đã quy định một giai đoạn chờ là 03 tháng kể từ ngày những khoản nợ liên quan đến hạn, qua đó tạo điều kiện để doanh nghiệp, hợp tác xã thanh toán nợ và giảm áp lực “đe dọa” phá sản (Điều 42 Luật phá sản 2014).
Tình trạng mất khả năng thanh toán là cơ sở để những chủ thể có quyền và nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và là căn cứ để Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản. Việc mất khả năng thanh toán không đương nhiên dẫn đến phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
Dấu hiệu chứng minh tình trạng mất khả năng thanh toán
Theo quy định được nêu tại khoản 1, Điều 4, Luật Phá sản 2014, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp bao gồm có các dấu hiệu sau:
Dấu hiệu thứ nhất
Khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thanh toán được là khoản nợ không có đảm bảo và khoản nợ có đảm bảo một phần. Như vậy, nếu khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp không thanh toán được là khoản nợ có đảm bảo thì đây không được coi là dấu hiệu của việc doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
Dấu hiệu thứ hai
Mất khả năng thanh toán không có nghĩa là doanh nghiệp không còn tài sản để trả nợ mà mặc dù doanh nghiệp còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ không có đảm bảo và chủ nợ có đảm bảo một phần.
Dấu hiệu thứ ba
Pháp luật hiện hành không quy định một mức khoản nợ cụ thể nào để xác định là doanh nghiệp không có khả năng thanh toán. Do đó, không thể căn cứ vào khoản nợ ít hay nhiều để xác định doanh nghiệp mất khả năng thanh toán mà căn cứ vào thời điểm trả nợ đã được các bên thỏa thuận trước đó. Cụ thể là trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.
Dấu hiệu thứ tư
Khoản nợ được coi là mất khả năng thanh toán là khoản nợ mà chủ doanh nghiệp tạo ra từ hoạt động kinh doanh hợp pháp của mình.
Như vậy, doanh nghiệp bị coi là mất khả năng thanh toán khi doanh nghiệp đó không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ đến hạn (khoản nợ không có bảo đảm và khoản nợ có bảo đảm một phần) trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Chỉ khi doanh nghiệp có đầy đủ các dấu hiệu này thì Tòa án mới ra quyết định mở thủ tục phá sản theo yêu cầu của các chủ thể có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Theo Điều 5, Luật Phá sản 2014, có nếu rõ về người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản như sau:
- Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
- Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
- Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty cổ phần, Chủ tịch Hội đồng thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thành viên hợp danh của công ty hợp danh có nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
- Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu dưới 20% số cổ phần phổ thông trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán trong trường hợp Điều lệ công ty quy định.
- Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Theo Điều 28, Luật Phá sản 2014, có quy định rõ về đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán như sau:
- Doanh nghiệp, hợp tác xã theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải có các nội dung chủ yếu sau:
- a) Ngày, tháng, năm;
- b) Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản;
- c) Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- d) Tên, địa chỉ của người làm đơn;
đ) Căn cứ yêu cầu mở thủ tục phá sản.
- Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải kèm theo các giấy tờ, tài liệu sau:
- a) Báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong 03 năm gần nhất. Trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập và hoạt động chưa đủ 03 năm thì kèm theo báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hợp tác xã trong toàn bộ thời gian hoạt động;
- b) Bản giải trình nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất khả năng thanh toán; báo cáo kết quả thực hiện các biện pháp khôi phục doanh nghiệp, hợp tác xã mà vẫn không khắc phục được tình trạng mất khả năng thanh toán;
- c) Bảng kê chi tiết tài sản, địa điểm có tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã;
- d) Danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ, trong đó phải ghi rõ tên, địa chỉ của chủ nợ, người mắc nợ, khoản nợ, khoản cho vay có bảo đảm, không có bảo đảm, có bảo đảm một phần đến hạn hoặc chưa đến hạn;
đ) Giấy tờ, tài liệu liên quan đến việc thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã;
- e) Kết quả thẩm định giá, định giá giá trị tài sản còn lại (nếu có).
- Trường hợp có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.
- Những người theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 5 của Luật này không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Trường hợp có thiệt hại phát sinh sau thời điểm doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do việc không nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản gây ra thì phải bồi thường.
Việc tìm hiểu về insolvency sẽ giúp Quý khách nắm được thêm kiến thức về vấn đề này, cùng những vấn đề khác xoay quanh. Với bài viết trên, GV Lawyers đã chia sẻ những thông về insolvency là gì để Quý khách tham khảo. Để được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Luật, Quý khách hãy liên hệ đến GV Lawyers qua thông tin bên dưới website nhé!
Xem thêm: Global Vietnam Lawyers – Công ty Luật hàng đầu tại Việt Nam