GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật
GV Lawyers trân trọng giới thiệu đến quý độc giả một bài viết của Luật sư Lê Quang Vy có tiêu đề: “Giám hộ và giám sát giám hộ” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 30-2021 (1.597) ngày 22/07/2021.
***
Việc công chúa nhạc pop Britney Spears mới đây yêu cầu Tòa án Los Angeles, Mỹ tước bỏ quyền giám hộ của cha ruột khỏi tư cách người giám hộ sức khỏe và tài sản của cô đã một lần nữa làm dậy sóng các diễn đàn xã hội về vấn đề giám hộ. Ở Việt Nam trước nay cũng có không ít vụ tranh chấp về việc giám hộ mà đa số trường hợp đều có liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ. Vậy luật pháp hiện nay quy định thế nào về giám hộ?
Trước đây, giám hộ là một định chế được luật pháp các nước phương Tây thiết lập nhằm bảo vệ các trẻ vị thành niên, khi một trong hai người cha hoặc mẹ của trẻ qua đời. Thật vậy, tra cứu cổ luật cũng như tục lệ của Việt Nam đều không thấy có định chế này. Ngày nay, sự giám hộ ở các quốc gia nói chung và tại Việt Nam nói riêng không chỉ nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho các trẻ vị thành niên mà còn được mở rộng với các đối tượng bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, không làm chủ được hành vi của mình.
Theo luật của tiểu bang California (Mỹ), người giám hộ đối với trẻ vị thành niên được gọi là “guardianship”, và người giám hộ đối với những đối tượng bị năng lực hành vi hay có vấn đề về sức khỏe được gọi là “conservatorship” và cả hai người này đều do tòa án chỉ định.
Sự giám hộ
Sự giám hộ theo Bộ Luật Dân sự 2015 của Việt Nam (BLDS 2015) là việc cá nhân, pháp nhân được quy định thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho bốn đối tượng được giám hộ như sau: (i) vị thành niên không còn cha,mẹ; (ii) vị thành niên có cha,mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con hoặc không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con và có yêu cầu người giám hộ; (iii) người mất năng lực hành vi dân sự; (iv) người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Các đối tượng này chỉ được duy nhất một người giám hộ (trừ trường hợp cha, mẹ cùng giám hộ cho con hoặc ông, bà cùng giám hộ cho cháu). Ngược lại, một cá nhân hay pháp nhân có thể giám hộ cho nhiều người.
Người giám hộ
Người giám hộ là người có nhiệm vụ giám sát và quản trị tài sản của người được giám hộ. BLDS 2015 quy định có hai hình thức giám hộ: giám hộ đương nhiên và giám hộ được cử, chỉ định.
Người giám hộ đương nhiên của vị thành niên: Luật hiện hành không có điều khoản nào minh thị cha, mẹ là giám hộ đương nhiên của con vị thành niên, nhưng theo điều 136 BLDS 2015, cha, mẹ là đại diện pháp luật cho con vị thành niên. Và khoản 1 Điều 134 bộ luật này thì ghi: “Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”. Như vậy, cha, mẹ là người đại diện theo pháp luật và là người giám hộ đương nhiên của con vị thành niên. Ngoài ra, với các trường hợp vị thành niên thuộc hai nhóm đối tượng được giám hộ (i) và (ii) ở trên, người giám hộ đương nhiên được xác định theo thứ tự: (1) Anh ruột là anh cả hoặc chị ruột là chị cả; nếu anh cả hoặc chị cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì anh ruột hoặc chị ruột tiếp theo là người giám hộ, trừ trường hợp có thỏa thuận anh ruột hoặc chị ruột khác làm người giám hộ; (2) Nếu không có anh,chị làm người giám hộ thì ông, bà nội, ông, bà ngoại là người giám hộ, hoặc những người này thỏa thuận cử một hoặc một số người trong số họ làm người giám hộ; (3) Nếu không có anh, chị, ông, bà thì bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột hoặc dì ruột là người giám hộ.
Người giám hộ đương nhiên của người mất năng lực hành vi dân sự: Vợ hoặc chồng là người giám hộ đương nhiên trong trường hợp người phối ngẫu của mình bị mất năng lực hành vi dân sự. Trường hợp cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự hoặc một người mất năng lực hành vi dân sự mà người kia không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì người con cả là người giám hộ, nếu con cả không đủ điều kiện thì người con kế tiếp là người giám hộ. Đối với người thành niên mất năng lực hành vi dân sự chưa có vợ, chồng, con hoặc có mà những người này đều không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ là người giám hộ.
Người giám hộ được cử, chỉ định: Vị thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiện thì tòa án là cơ quan có thẩm quyền chỉ định người giám hộ. Tuy nhiên dù là cử hay chỉ định người giám hộ thì cũng phải được sự đồng ý của người đó. Ngoài ra, cử hay chỉ định người giám hộ cho người từ đủ 16 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của người được giám hộ.
Điều kiện, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ
Người giám hộ phải đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ; không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xóa án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác; không phải là người bị tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con vị thành niên.
Dù giám hộ theo hình thức nào, người giám hộ đều phải làm thủ tục đăng ký giám hộ tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo các quy định pháp luật về hộ tịch. Riêng người giám hộ đương nhiên thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ cho dù không thực hiện đăng ký giám hộ.
Người giám hộ có các quyền và nghĩa vụ đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp. Ngoài ra, người giám hộ còn có nghĩa vụ chăm sóc và giáo dục đối với vị thành niên hoặc chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ bị mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.
Tuy vậy, người giám hộ chỉ được sử dụng tài sản của người được giám hộ để chăm sóc, chi dung cho những nhu cầu thiết yếu của người được giám hộ và được thanh toán các chi phí hợp lý cho việc quản lý tài sản của người được giám hộ. Người giám hộ tuyệt đối không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác. Tất cả các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản giữa người giám hộ và người được giám hộ đều vô hiệu, trừ trường hợp giao dịch đó được thực hiện vì lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Người giám sát
Về giám sát việc giám hộ, BLDS 2015 quy định “người thân thích” của người được giám hộ sẽ thỏa thuận cử người trong số họ làm người giám sát việc giám hộ, hoặc chọn cá nhân, pháp nhân khác làm người giám sát. Việc cử, chọn người giám sát phải được sự đồng ý của người đó. Trường hợp giám sát việc giám hộ liên quan đến quản lý tài sản của người được giám hộ thì người giám sát phải đăng ký tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người được giám hộ.
Theo pháp luật, “người thân thích” của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thi người thân thích là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này thì người thân thích là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người được giám hộ. Trường hợp không có người thân thích của người được giám hộ hoặc những người thân thích không cử, chọn được người giám sát việc giám hộ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của người giám hộ cử cá nhân hoặc pháp nhân giám sát việc giám hộ. Tòa án có thẩm quyền quyết định chọn người giám sát trong trường hợp có tranh chấp về việc cử, chọn người giám sát.
Theo quy định của pháp luật, mọi việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch dân sự khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
Ngoài ra, người giám sát có các quyền và nghĩa vụ; theo dõi, kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ; yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét thay đổi hoặc chấm dứt việc giám hộ, giám sát việc giám hộ.
Có thể thấy, luật pháp hiện hành đã có những quy định khá chặt chẽ để điều chỉnh các mối quan hệ liên quan đến giám hộ và giám sát việc giám hộ, nhưng vẫn còn không ít người do không nắm vững nên đã vượt quá giới hạn của sự giám hộ. Do vậy, nhằm bảo vệ những người được giám hộ và không đánh mất tính nhân văn và ý nghĩa cao cả của việc giám hộ, các bên liên quan cần hiểu luật, vận dụng vào cuộc sống để hạn chế những hành vi vượt quyền của người giám hộ.
(*) Công ty Luật Global Vietnam Lawyers.