Kiểu dáng công nghiệp là gì? Những quy định về kiểu dáng công nghiệp theo Luật sở hữu trí tuệ? Điều kiện và thủ tục để đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp được Luật sở hữu trí tuệ quy định ra sao? Đây chắc hẳn là những câu hỏi được không ít người quan tâm hiện nay. Để giúp bạn đọc hiểu sâu hơn về nội dung này, hãy tham khảo ngay bài viết dưới đây:
I. Khái niệm kiểu dáng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp là hình dáng được thể hiện qua bên ngoài của sản phẩm bằng đường nét, màu sắc, hình khối hoặc sự kết hợp những yếu tố này.
Sản phẩm được hiểu là dụng cụ, thiết bị, đồ vật, phương tiện. Hoặc bộ phận dùng để lắp ráp, hợp thành những sản phẩm đó, được sản xuất thông qua phương pháp công nghiệp hoặc thủ công nghiệp, có chức năng và kết cấu rõ ràng, được lưu thông độc lập.
II. Điều kiện bảo hộ
Kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ khi đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
1. Có tính mới
Kiểu dáng công nghiệp được xem là có tính mới nếu kiểu dáng công nghiệp khác biệt đáng kể so với những kiểu dáng công nghiệp đã được công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản, sử dụng hoặc dưới bất kỳ hình thức nào khác ở trong nước, cả ở nước ngoài trước ngày nộp đơn hoặc là trước ngày ưu tiên nếu đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được hưởng quyền ưu tiên.
2. Có tính sáng tạo
Kiểu dáng công nghiệp được xem là có tính sáng tạo, nếu khi căn cứ vào các kiểu dáng công nghiệp đã được công khai dưới hình thức mô tả bằng văn bản, sử dụng hoặc bất cứ hình thức nào khác ở trong nước hoặc cả ở nước ngoài trước ngày nộp đơn. Hoặc trước ngày ưu tiên của đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp ở trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên. Kiểu dáng công nghiệp đó không được tạo ra một cách dễ dàng so với những người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực tương ứng.
3. Có khả năng áp dụng công nghiệp
Kiểu dáng công nghiệp được xem là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu nó có thể dùng làm mẫu để chế tạo ra hàng loạt sản phẩm có hình dáng bên ngoài là kiểu dáng công nghiệp đó bằng phương pháp thủ công nghiệp hoặc công nghiệp.
Trong trường hợp có quá nhiều đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp trùng hoặc không có khác biệt đáng kể với nhau. Thì văn bằng bảo hộ chỉ được cấp cho kiểu dáng công nghiệp trong đơn đăng ký hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc là ngày nộp đơn sớm nhất trong số các đơn đã nộp, đáp ứng đủ các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.
III. Đối tượng không được bảo hộ với danh nghĩa kiểu dáng công nghiệp
- Hình dáng bên ngoài của công trình xây dựng công nghiệp hoặc công trình xây dựng dân dụng
- Hình dáng sản phẩm không nhìn thấy được trong quá trình sử dụng của sản phẩm.
- Đối tượng trái với trật tự công cộng, đạo đức xã hội có hại cho quốc phòng, an ninh.
- Hình dáng bên ngoài sản phẩm do đặc tính kỹ thuật của sản phẩm buộc phải có;
IV. Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp
Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp được thực hiện qua những bước cụ thể như sau:
Bước 1: Tiếp nhận đơn
Đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp có thể nộp trực tiếp hoặc có thể gửi qua bưu điện tới trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ tại Hà Nội hoặc Văn phòng đại diện của Cục tại TP. Hồ Chí Minh và ở Đà Nẵng.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn
Kiểm tra việc tuân thủ những quy định về hình thức đối với đơn. Từ đó đưa ra các kết luận đơn có được xem là hợp lệ hay không (Ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ hay là từ chối chấp nhận đơn). Thời hạn thẩm định kéo dài khoảng 01 tháng, kể từ ngày nộp đơn.
- Trường hợp đơn hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định chấp nhận đơn hợp lệ;
- Trường hợp đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra thông báo từ chối chấp nhận đơn và nêu rõ các lý do thiếu sót mà đơn có thể bị từ chối chấp nhận. Và ấn định thời gian 2 tháng để người nộp đơn sửa chữa thiếu sót. Nếu người nộp đơn không thực hiện sửa chữa thiếu sót không đạt yêu cầu; không có ý kiến phản đối. Hoặc ý kiến phản đối không xác đáng thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối chấp nhận đơn.
Bước 3: Công bố đơn
Sau khi Cục sở hữu trí tuệ có quyết định chấp nhận đơn hợp lệ, đơn sẽ được công bố tại Công báo sở hữu công nghiệp.
Thời hạn công bố là 2 tháng kể từ ngày đơn được chấp nhận là đơn đăng ký hợp lệ
Bước 4: Thẩm định nội dung đơn
Đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng có nêu trong đơn theo những điều kiện bảo hộ (có tính sáng tạo; có tính mới; có khả năng áp dụng công nghiệp); qua đó xác định được phạm vi bảo hộ tương ứng.
Thời hạn thẩm định là không quá 7 tháng, kể từ ngày công bố đơn đăng ký.
Bước 5: Ra quyết định cấp/từ chối cấp văn bằng bảo hộ
Nếu đối tượng được nêu trong đơn không đáp ứng đủ các yêu cầu về bảo hộ; Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định từ chối cấp văn bằng bảo hộ;
Nếu đối tượng nêu trong đơn đã đáp ứng được các yêu cầu về bảo hộ. Và người nộp đơn đăng ký đã nộp phí, lệ phí đầy đủ, đúng hạn thì Cục Sở hữu trí tuệ sẽ ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ. Đồng thời ghi nhận vào Sổ đăng ký quốc gia về kiểu dáng công nghiệp và được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp.
V. Tại sao phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp?
Sở dĩ cần phải đăng ký kiểu dáng công nghiệp đối với hàng hóa, sản xuất vì những lý do sau đây:
- Chỉ khi nộp đơn đăng ký bảo hộ và được cấp giấy chứng nhận đăng ký, quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đó của chủ sở hữu mới được phát sinh;
- Được độc quyền sử dụng kiểu dáng trong thời gian 15 năm. Do đó, sẽ tạo rất nhiều lợi thế cạnh tranh so với bên khác;
- Được pháp luật bảo vệ khi có những hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng công nghiệp đã đăng ký;
- Trong thời hạn 15 năm độc quyền, chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp có thể tiến hành chuyển nhượng. Và cho phép bên thứ ba sử dụng dựa trên cơ sở thu phí chuyển nhượng, sử dụng… Do đó, sẽ mang đến hiệu quả về mặt kinh tế cho chủ sở hữu.
XEM THÊM: Dịch vụ tư vấn và đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp
Trên đây là những chia sẻ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp mà văn phòng luật GV Lawyers muốn gửi đến bạn đọc.