***
(TBKTSG Online) – Cách thức giao kết làm ăn bằng việc ký chữ ký “sống” vào hợp đồng giấy trắng mực đen rồi luân chuyển hình ảnh của hợp đồng đó qua thư điện tử (e-mail) như cách nhiều doanh nghiệp Việt Nam đang làm hiện nay với đối tác nước ngoài chứa đựng những rủi ro pháp lý do chưa được quy định rõ trong luật. Thậm chí, nếu có tranh chấp xảy ra, vụ việc được đưa lên tòa án thì các bằng chứng điện tử dạng này có thể không được chấp nhận.
Luật sư Đinh Quang Thuận, Công ty Luật Global Vietnam Lawyers, Hòa giải viên Trung tâm Hòa giải Việt Nam (VMC), tại cuộc hội thảo trực tuyến với chủ đề “Chuyển đổi số và những điểm pháp lý quan trọng nhằm tận dụng cơ hội từ Hiệp định EVFTA” do Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC) phối hợp tổ chức hôm nay, 26-8, đã chia sẻ, pháp luật Việt Nam chỉ mới quy định rõ ràng về các hợp đồng điện tử được ký kết bằng chữ ký số và chữ ký số được chứng thực (Nghị định 130/2018/NĐ-CP). Với hành lang pháp lý này thì các hợp đồng giao kết có chữ ký số là an toàn tuyệt đối.
Nếu ký sống vào hợp đồng, chuyển hình ảnh qua e-mail thì giao dịch này cần thực hiện bằng thư điện tử có tên miền riêng, được đăng ký riêng, tránh dùng tên miền gmail, hotmail, yahoo… Tất nhiên, có thể loại trừ trường hợp các địa chỉ e-mail có tên miền này đã được xác nhận, chứng thực trước đó hoặc cung cấp chính thức trên trang web của đối tác. Khi giao dịch với người không phải là đại diện pháp luật thì phải gửi thư theo nhóm, có mặt của người này để được đảm bảo về sau. Ngoài ra, để tránh gặp những rắc rối khi có tranh chấp xảy ra thì nên chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài. |
Ngược lại, hình thức giao kết khác khá phổ biến ở Việt Nam là ký chữ ký sống trên hợp đồng bản giấy (file cứng) rồi chuyển thành hình ảnh và luân chuyển qua lại bằng thư điện tử (e-mail) lại chứa đựng nhiều rủi ro pháp lý.
Theo Luật sư Thuận, đã có nhiều trường hợp xảy ra có liên quan đến hình thức giao kết hợp đồng này khi một bên muốn chối bỏ nghĩa vụ.
Thứ nhất, một bên cho rằng thư điện tử không do họ gửi và bên còn lại cũng không chứng minh được đã từng nhận.
Thứ hai, một bên cho rằng nội dung của tệp hợp đồng đã bị thay đổi, điều mà chuyên gia trong ngành công nghệ thông tin xác nhận là có khả năng xảy ra.
Lại có trường hợp một bên cho rằng thư điện tử họ nhận được không được gửi từ người có thẩm quyền hoặc gửi đến người không có thẩm quyền.
“Việc giao kết hợp đồng là từ giám đốc, người đại diện pháp lý. Nhưng thực tế vận hành thì ông giám đốc không trực tiếp scan hợp đồng rồi gửi e-mail đến cho đối tác mà giao việc này cho cấp dưới. Tuy nhiên, khi một bên muốn phủ nhận thì họ có thể đưa ra lý do người gửi không đủ thẩm quyền”, luật sư Thuận nói.
Do đó, lời khuyên với doanh nghiệp là nếu ký sống vào hợp đồng, chuyển hình ảnh qua e-mail thì giao dịch này cần thực hiện bằng thư điện tử có tên miền riêng, được đăng ký riêng, tránh dùng tên miền gmail, hotmail, yahoo… Tất nhiên, có thể loại trừ trường hợp các địa chỉ e-mail có tên miền này đã được xác nhận, chứng thực trước đó hoặc cung cấp chính thức trên trang web của đối tác. Khi giao dịch với người không phải là đại diện pháp luật thì phải gửi thư theo nhóm, có mặt của người này để được đảm bảo về sau.
Ngoài ra, để tránh gặp những rắc rối khi có tranh chấp xảy ra thì nên chọn phương thức giải quyết bằng trọng tài.
Nếu không chọn trọng tài thì vụ việc sẽ rơi vào tòa án. Tòa ở Việt Nam còn bảo thủ, quen theo phương thức cũ. Việc đánh giá các bằng chứng bằng e-mail, phương thức điện tử không được chấp nhận”, luật sư Thuận nhấn mạnh.
Cũng theo luật sư Thuận, các hợp đồng được luân chuyển qua e-mail do không được pháp luật quy định rõ nên chỉ có giá trị khi hai bên chứng minh được bằng những bằng chứng xác thực, được chấp nhận. Đã có trường hợp ông phải mang chiếc máy tính có gửi e-mail hợp đồng đến để tòa xem trực tiếp. Ngược lại, cũng có công ty ở nước ngoài phải mang cả chiếc máy tính đã được dùng gửi e-mail đến Việt Nam để chứng minh.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành, biên giới các quốc gia chưa mở thì hình thức giao kết hợp đồng điện tử mang lại những tiện ích về chi phí, thời gian. Tuy nhiên, với nhiều doanh nghiệp Việt Nam, hình thức này chưa phổ biến.