Tiền lương tháng 13 có thể nói là một trong những vấn đề được rất nhiều người lao động quan tâm. Nhưng chắc hẳn rất nhiều người đang hiểu sai về nó. Có phải doanh nghiệp nào cũng sẽ trả tiền lương tháng 13 cho người lao động hay không? Hãy cùng công ty luật GV LAWYERS tìm hiểu qua bài viết “Tiền lương tháng 13 theo quy định của pháp luật” dưới đây.
Tiền lương tháng 13 là gì?
Tiền lương tháng 13 là một tên gọi không chính thức của một khoản tiền thưởng được một số công ty phát cho người lao động vào dịp cuối năm dương lịch, thường là tháng 12. Lương tháng 13 không phải là một khoản thưởng Tết âm lịch, vì ở một số công ty có cả hai là lương tháng 13 và thưởng Tết riêng.
Trong Bộ Luật Lao động năm 2012 quy định như sau:
“Tiền thưởng là một khoản tiền mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào những kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
Quy chế thưởng sẽ do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi đã tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.”
Theo quy định pháp luật, lương tháng 13 (tức là tiền thưởng) sẽ dựa trên cơ sở là thỏa thuận của người sử dụng lao động với người lao động thông qua hợp đồng lao động, những thỏa ước lao động tập thể và còn phải căn cứ dựa vào kết quả sản xuất kinh doanh hằng năm.
Có thể thấy, quy định này cũng không thể hiện rõ ràng rằng lương tháng 13 có phải là tiền thưởng hay không. Do đó, càng không thể coi lương tháng 13 là tiền thưởng Tết như nhiều doanh nghiệp và người lao động hiện nay vẫn đang làm. Việc có được lương tháng 13 hay không sẽ còn phụ thuộc vào quy chế riêng của từng doanh nghiệp.
Quy định về tính lương tháng 13 như thế nào
Người lao động có thể nhận lương tháng 13 của doanh nghiệp phải có một số tiêu chí có thể được áp dụng như:
- Lao động có thời gian làm việc từ 01 tháng trở lên liên tục tính đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.
- Người lao động có ký kết với doanh nghiệp bằng các văn bản như hợp đồng lao động có thời hạn, không xác định thời hạn.
- Người lao động vẫn còn tiếp tục làm việc cho doanh nghiệp đến thời điểm tính lương tháng thứ 13.
Lương tháng 13 bắt nguồn từ đâu?
Theo các chuyên gia kinh tế học, lương tháng 13 thực chất là một trong những chính sách bảo vệ quyền lợi cho những người lao động trong giai đoạn trước đây, khi Việt Nam mới gia nhập nền kinh tế thị trường và vẫn còn nhiều bất cập.
Giai đoạn này rơi vào những năm 2000, theo đó, thay vì những người lao động được hưởng lương trọn vẹn theo tháng thì doanh nghiệp sẽ tự trích ra một khoản lương để làm quỹ dự phòng phòng khi người lao động ốm đau, bệnh tật…
Sau 12 tháng làm việc, nếu những người lao động không xảy ra sự cố gì thì doanh nghiệp sẽ trả lại khoản tiền này cho người lao động và gọi tắt là lương tháng 13. Điều này đồng nghĩa với việc, lương tháng 13 không phải là tiền thưởng.
Theo thời gian, khi chính sách tiền lương đã được làm cho rõ ràng hơn, các doanh nghiệp đều thống nhất sẽ trả đủ lương hàng tháng cho người lao động, không giữ lại bất cứ khoản nào, do đó, lương tháng 13 theo cách trên cũng đã không còn nữa
Lúc này, lương tháng 13 sẽ được các doanh nghiệp dùng để gọi tên khoản tiền thưởng tăng thêm cho người lao động. Và như đã đề cập, khoản tiền này có thể có hoặc không có trong dịp cuối năm.
Tiền lương tháng 13 của người lao động trong cùng công ty có như nhau không?
Tiền lương tháng 13 là một loại tiền thưởng, do vậy nó sẽ phụ thuộc vào mức độ hoàn thành công việc của NLĐ nên sẽ trả theo kết quả đóng góp, không thể cào bằng cho mọi người lao động. Nếu người sử dụng lao động chi trả tiền lương tháng 13 cho tất cả người lao động như nhau thì sẽ không làm động lực thúc đẩy để người lao động tích cực làm việc, phát huy sáng kiến,…. Tức là người sử dụng lao động phải căn cứ, đánh giá dựa trên kết quả công việc sau một năm của người lao động sau đó mới có thể quyết định được mức tiền lương tháng 13 của người lao động đó.
Cách tính tiền lương tháng 13
Cách tính tiền lương tháng 13 thường được làm theo công thức thông dụng như sau:
Làm đủ 12 tháng (bao gồm cả thời gian thử việc) thì người lao động đó sẽ được hưởng 1 tháng lương. Nếu không làm đủ 12 tháng (hoặc có tăng/giảm lương trong thời gian làm việc), thì sẽ tính theo tỉ lệ tương đương của người đó.
Cách tính trên đã được áp dụng tại nhiều doanh nghiệp. Do tiền lương tháng 13 không phải là khoản tiền bắt buộc theo quy định của pháp luật nên mỗi doanh nghiệp sẽ có cách tính riêng. Việc tính lương tháng 13 sẽ còn phụ thuộc vào tình hình sản xuất của doanh nghiệp và số lượng người lao động trong đơn vị.
Vậy tiền lương tháng 13 có phải chịu thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền lương tháng 13 được xem như là một khoản tiền thưởng theo quy định tại Điều 103 Bộ luật lao động năm 2012. Việc tính thuế thu nhập cho lương tháng 13 như sau: Công ty trả tiền lương tháng 13 vào tháng nào thì cộng khoản lương tháng 13 cùng với tháng đó để tính thu nhập chịu thuế, tức là gộp chung tiền lương tháng 13 với tiền lương tháng đó lại. Các khoản giảm trừ, thu nhập miễn thuế sẽ chỉ được tính một lần.
Trong khi đó, theo quy định của pháp luật tại Khoản 2 Điều 2 Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính ban hành ngày 15/8/2013, tiền thưởng sẽ được xem là khoản thu nhập chịu thuế (sẽ bị tính thuế TNCN). Do đó, khi đã được nhận tiền lương tháng 13, người lao động sẽ phải chịu tiền thuế thu nhập cá nhân.
Tiền lương tháng 13 có phải đóng bảo hiểm xã hội không?
Tiền lương tháng 13 thực chất là một khoản tiền thưởng. Do vậy, nếu trong hợp đồng lao động ghi tiền lương tháng 13 này nằm ở một mục riêng, nếu không gộp chung với khoản tiền lương hàng tháng thì sẽ không phải đóng bảo hiểm xã hội.
XEM THÊM: Dịch vụ tư vấn luật lao động và việc làm
Trên đây là các thông tin tham khảo. Sau khi tìm hiểu chắc hẳn bạn cũng đã rõ ràng hơn rằng lương tháng 13 không phải là khoản tiền thưởng Tết. Và ở nhiều doanh nghiệp hiện nay, hai khoản này hoàn toàn tách biệt với nhau. Khoản lương tháng 13 sẽ phụ thuộc vào quy định thưởng riêng của từng đơn vị.