Được đánh giá là một điểm sáng kinh tế khu vực Đông Nam Á dựa trên mức độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng và sức hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, Việt Nam đã và đang thể hiện mình là một điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài. Dưới đây là 10 lý do vì sao doanh nghiệp nước ngoài nên đầu tư vào Việt Nam.
1. Vị trí địa lý thuận lợi
Sở hữu đường bờ biển dài, gần với các tuyến vận tải chính của thế giới, nằm ở trung tâm của khu vực Đông Nam Á – vừa là trung tâm kết nối của khu vực, vừa là cửa ngõ để thâm nhập các nên kinh tế ở khu vực phía tây Bán đảo Đông Dương là những điều kiện tự nhiên hoàn hảo phục vụ cho quá trình giao thương quốc tế của Việt Nam.
Việt Nam còn có vị trí tiếp giáp nước láng giềng là Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam còn sở hữu bờ biển dài, giáp liền biển Đông, gần với những tuyến vận tải chính của thế giới, chính là điều kiện hoàn hảo cho quá trình thương mại. Hai thành phố lớn ở Việt Nam là Hà Nội và TP.HCM. Trong đó, thủ đô Hà Nội, nằm ở phía Bắc, có được cơ hội kinh doanh rất thuận lợi. Thành phố Hồ Chí Minh, có dân số lớn nhất, nằm ở phía Nam, được xem là “thánh địa” công nghiệp của Việt Nam.
2. Chính trị ổn định
Sự ổn định chính trị của Việt Nam là một trong những yếu tố hàng đầu hấp dẫn các nhà đầu tư vào Việt Nam. Nếu nhìn sang một số quốc gia trong khu vực, có thể dễ dàng thấy rằng hầu hết các nước đều đã trải qua các cuộc đảo chính hay khủng hoảng chính trị, trong khi đó, nền chính trị của Việt Nam luôn ổn định, đảm bảo cho sự nhất quán trong chính sách phát triển kinh tế.
3. Nền kinh tế ổn định và năng động
Trong những năm vừa qua, Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất ở châu Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của Việt Nam trong giai đoạn 1991 – 2010 đạt khoảng 7,5% và trong giai đoạn 2011-2013 dù gặp rất nhiều khó khăn vẫn đạt 5,6%. Với GDP vào khoảng 223 tỉ USD và đạt mức tăng trưởng 6,8% trong năm 2017, Việt Nam đã ghi tên mình trong danh sách những nền kinh tế năng động nhất thế giới.
4. Chính sách mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài
Việt Nam luôn mở cửa và khuyến khích chào đón các nhà đầu tư nước ngoài thông qua các hành động cập nhật, điều chỉnh các quy định về đầu tư. Việt Nam đâng tiếp tục triển khai các chính sách ưu đãi thu hút nhà đầu tư nước ngoài như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế nhập khẩu một số ngành hàng, miễn giảm tiền thuê và sử dụng đất, v.v. Chính phủ cũng cam kết tiếp tục cải cách thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.
5. Môi trường kinh doanh không ngừng được cải thiện
Theo Cục đầu tư nước ngoài, trong thời gian qua, môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện theo hướng thông thoáng, minh bạch, và phù hợp với chuẩn mực quốc tế.
- Thành viên của Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA)
- Hiệp định FTA Việt Nam – EU (có hiệu lực vào đầu năm 2018)
- Hiệp định Thương mại song phương (BTA) ký kết với Hoa Kỳ
- Thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)
Tất cả các hiệp định này đều đã cho thấy Việt Nam đang rất mong muốn thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước và sẽ tiếp tục ký kết với các thương mại khác với nhiều nước. Từ đó mà môi trường kinh doanh của Việt Nam không ngừng được cải thiện.
6. Nâng cao năng lực cạnh tranh
Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Năm 2017, Diễn đàn Kinh tế thế giới xếp hạng năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng 5 bậc, lên thứ 55/137; Ngân hàng Thế giới xếp hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng 14 bậc, lên thứ 68/190 quốc gia, vùng lãnh thổ. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.
7. Cơ sở hạ tầng dần được cải thiện
Trước đây, kết cấu hạ tầng hạn chế, nhất là hạ tầng giao thông được xác định là một trong những nguyên nhân tạo nên rào cản vô hình trong quá trình thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, để tháo gỡ những rào cản này, chính phủ và các địa phương đã và đang tích cực triển khai thu hút mọi nguồn lực để đầu tư tốt cơ sở hạ tầng, các tuyến đường giao thông huyết mạch, cảng hàng không, các tuyến đường ra cửa khẩu, biên giới, các khu kinh tế, khu công nghiệp.
8. Lực lượng lao động trẻ và có sức cạnh tranh cao
Việt Nam là một quốc gia có dân số trẻ và cơ cấu dân số ngày càng trẻ hóa với độ tuổi trung bình là 30,8 tuổi, theo thống kê năm 2017. Ngoài sức trẻ, lực lượng lao động Việt Nam còn được đánh giá cao bởi sự chăm chỉ, trình độ học vấn cao và dễ đào tạo. Việt Nam cũng đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư nhiều vào giáo dục đào tạo hơn các nước đang phát triển khác. Đây là một trong những lợi thế cạnh tranh của Việt Nam so với những thị trường lao động khác trong khu vực.
9. Chi phí lao động cạnh tranh
Bên cạnh lực lượng lao động dồi dào, có chất lượng, chi phí lao động tại Việt Nam được đánh giá là rất cạnh tranh so với khu vực. Hầu hết lao động Việt Nam có kỹ năng làm việc tốt và khả năng thích nghi cao với môi trường làm việc trong khi chi phí lao động chỉ bằng 10% hoặc 5% ở các nước công nghiệp và thấp hơn so với các nước có mức thu nhập tương tự.
10. Là thành viên của nhiều hiệp định thương mại tự do
Một minh chứng khác cho thấy sự mở cửa nền kinh tế của Việt Nam là việc tham gia ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương với nhiều quốc gia và khu vực để thu hút thị trường, vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam như Hiệp định thương mại song phương với Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Cộng đồng kinh tế ASEAN, CPTPP, v.v và đang tiếp tục đàm phán trong nhiều thỏa thuận thương mại khác. Việc tăng cường hội nhập với thế giới sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho các nhà đầu tư đến từ các quốc gia và khu vực này khi đầu tư vào Việt Nam.
Nếu quý vị có nhu cầu biết thêm thông tin hỗ trợ về dịch vụ Đầu tư vào Việt Nam của chúng tôi, xin vui lòng liên hệ với các luật sư thành viên của chúng tôi qua email info@gvlawyers.com.vn hoặc liên hệ trực tiếp đến số: (+84) 28 3622 3555.