Trong cuộc sống hôn nhân vợ chồng, vì nhiều mâu thuẫn khác nhau không thể giải hòa mà dẫn đến ly hôn. Và một trong những điều mà chắc hẳn cặp vợ chồng nào cũng băn khoăn chính là quyền nuôi con sau khi ly hôn. Vậy câu hỏi đặt ra là “Vợ không có thu nhập muốn giành quyền nuôi con nhỏ có được không ?”. Hãy cùng công ty luật GV LAWYERS tìm hiểu ngay dưới đây.
Cơ sở pháp lý để trả lời cho câu hỏi “Vợ không có thu nhập muốn giành quyền nuôi con nhỏ có được không?”
Để trả lời câu hỏi này, dựa trên những văn bản:
- Luật Hôn nhân và gia đình 52/2014/QH13
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hôn nhân gia đình.
Quyền và nghĩa vụ nuôi con sau ly hôn
Điều 81 Luật hôn nhân và gia đình quy định về Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau vợ chồng ly hôn:
“Vợ và chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ và quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con. Trường hợp cả hai không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho ai trên căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con. Nếu con từ đủ 07 tuổi trở lên thì phải xem xét hỏi ý kiến, nguyện vọng của con.
Con dưới 36 tháng tuổi sẽ được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc và nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc hai vợ chồng có thỏa thuận khác phù hợp hơn với lợi ích của con.
Vợ không có thu nhập muốn giành quyền nuôi con nhỏ có được không ?
Để có thể giành quyền nuôi con khi ly hôn, vợ hoặc chồng phải chứng minh được rằng mình đáp ứng đủ các điêu kiện về vật chất và tinh thần để tạo cho con môi trường phát triển tốt nhất về mọi mặt: cơ sở vật chất, chăm sóc, nuôi dưỡng…
Theo đó, bạn phải chứng minh mình sẽ có đủ điều kiện vật chất về thu nhập, tài sản và nơi ở ổn định,.… Về tinh thần, vợ hoặc chồng chứng minh bản thân có đủ thời gian để ở bên con, chăm sóc con, nuôi dưỡng con và luôn phải đặt con lên hàng đầu…
Vợ hoặc chồng có thể cung cấp thêm các chứng cứ chứng minh rằng người còn lại không đủ điều kiện về vật chất và tinh thần để nuôi dạy con cái, thường xuyên có hành vi bạo lực và mức thu nhập không ổn định.
Việc vợ chưa có công việc ổn định trong thời gian này là một điều bất lợi cho việc giành quyền nuôi con cái, vì vậy người vợ nên nhanh chóng tìm kiếm công việc mới để có thể chắc chắn rằng khả năng kinh tể về thu nhập ổn định hàng tháng của mình để giành được quyền nuôi con.
Nếu người không thể tìm được việc làm ngay thì bạn có thể chứng minh khả năng kinh tế của mình bằng các tài sản khác như các giấy tờ chứng minh số dư tài khoản, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc các tài sản khác có đứng tên bạn. Như vậy sẽ đảm bảo được việc bạn đáp ứng được các nhu cầu cơ bản trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục con. Từ đó, sẽ tăng khả năng Toà quyết định việc người vợ sẽ được quyền nuôi con.
Nghĩa vụ của người không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
Điều 82 Luật hôn nhân gia đình quy định về Nghĩa vụ và quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau ly hôn:
- Cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
- Cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người được trực tiếp nuôi.
- Ngoài nghĩa vụ tôn trọng quyền của con, và thăm nom con thì chồng/vợ khi không phải là người nuôi con sau khi ly hôn sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đây là nghĩa vụ bắt buộc sau khi ly hôn.
- Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền và nghĩa vụ thăm nom con mà không bị ai được cản trở.”
Điều 115 Luật hôn nhân gia đình quy định về mức cấp dưỡng sau ly hôn rằng mức cấp dưỡng do vợ/chồng thỏa thuận trước, nếu không thỏa thuận được tòa án sẽ đưa ra quyết định căn cứ trên tình trạng thực tế và khả năng thu nhập, hoàn cảnh của chồng/vợ để quyết định mức cấp dưỡng cho phù hợp cho hai vợ chồng.
Về phương thức cấp dưỡng thì do hai vợ chồng tự thoả thuận định kỳ hàng tháng, hàng quý hay nửa năm, hàng năm hoặc một lần duy nhất. Trong trường hợp hai vợ chồng bạn không thoả thuận được thì Toà án sẽ quyết định phương thức cấp dưỡng định kỳ hàng tháng.
Như vậy, sau khi ly hôn, con bạn dưới 36 tháng tuổi sẽ được ưu tiên cho người mẹ là người trực tiếp nuôi dưỡng nếu người vợ đáp ứng đủ các điều kiện cơ bản về kinh tế và tinh thần. Người không trực tiếp nuôi con sau ly hôn có nghĩa vụ thăm nom và cấp dưỡng với mức cấp dưỡng và phương thức cấp dưỡng dựa theo thoà thuận hoặc theo quyết định của Toà án.