32f04a5152fda9a3f0ec

Vấn Đề Pháp Lý Khi Khởi Nghiệp Kinh Doanh Với “Nhượng Quyền Thương Mại”

Có nhiều cách để bạn lựa chọn cho việc khởi nghiệp kinh doanh của bản thân trong giai đoạn kinh tế phát triển nhanh như hiện nay. Một trong các cách mà bạn có thể tham khảo cho việc khởi nghiệp là dựa trên mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khác. Đây là một trong những hình thức kinh doanh hấp dẫn nhiều doanh nghiệp bởi “tính có sẵn của mô hình kinh doanh” này.

Thế nào là kinh doanh dựa trên mô hình của doanh nghiệp khác

Hình thức kinh doanh dựa trên mô hình kinh doanh của doanh nghiệp khác không còn quá xa lạ với các doanh nghiệp Việt Nam và hình thức này cũng đã được cụ thể hóa tại Luật Thương Mại Việt Nam năm 2005 với tên gọi là nhượng quyền thương mại (“NQTM”).

Cùng với việc mang lại lợi ích cho cả hai bên, chẳng hạn như bên được nhượng quyền có thể kinh doanh ngay dựa trên “hệ thống kinh doanh có sẵn” mà không cần phải tốn nhiều thời gian, công sức xây dựng bộ nhận diện thương hiệu và dự án kinh doanh nhiều rủi ro khó dự đoán, bên nhượng quyền thì lại được mở rộng quy mô kinh doanh, hệ thống phân phối của họ với chi phí rủi ro thấp nhất, hình thức NQTM đã và đang ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Một vài thương hiệu nước ngoài đã khá thành công tại Việt Nam trong việc áp dụng NQTM có thể kể đến như McDonal’s, KFC, Lotteria, Baskin-Robbins, Gloria Jean’s Coffees, Holiday Inn…

Tuy vậy, để có thể đi đến một cuộc hợp tác dài lâu cho mục đích cùng phát triển, các bên, đặc biệt là bên được nhượng quyền, trước khi quyết định kinh doanh theo hình thức này, nên hiểu rõ bản chất của NQTM là gì và nếu kinh doanh NQTM ở Việt Nam thì cần phải lưu ý những điều kiện gì.

NQTM là cho phép bên được nhượng quyền sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ của bên nhượng quyền

NQTM theo quy định của Luật Thương Mại 2005 là bên được nhượng quyền (“bên nhận quyền”) tự mình tiến hành việc mua bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo cách thức tổ chức kinh doanh do bên nhượng quyền quy định, kèm theo đó là sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh, quảng cáo của bên nhượng quyền. Đổi lại, bên nhượng quyền sẽ có quyền thu của bên nhận quyền một khoản tiền gọi là phí nhượng quyền (có thể là phí cố định hoặc phí tính trên phần trăm của doanh thu thu về hoặc kết hợp cả hai).[1]

Quy định nêu trên cho ta một kết luận rằng phí nhượng quyền trong trường hợp này chính là khoản tiền mà bên nhận quyền phải trả cho bên nhượng quyền để sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại, bí quyết kinh doanh của họ phục vụ cho mục đích kinh doanh của bên nhận quyền. Thêm vào đó, ở góc độ pháp luật sở hữu trí tuệ, bên nhận quyền được yêu cầu phải sử dụng các đối tượng nêu trên trong phạm vi được bên nhượng quyền cho phép bởi vì đây là các tài sản trí tuệ của bên nhượng quyền và được bảo hộ theo quy định của Luật Sở Hữu Trí Tuệ.[2]

Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở việc hiểu bên nhận quyền chỉ có trách nhiệm tuân thủ việc sử dụng các tài sản trí tuệ nêu trên trong giai đoạn NQTM là chưa đủ. Trong thương vụ NQTM, ngoài việc cho phép bên nhận quyền sử dụng nhãn hiệu hàng hoá, tên thương mại, bí quyết kinh doanh, khẩu hiệu kinh doanh, biểu tượng kinh doanh thì bên nhượng quyền cũng thường cung cấp các tài liệu/công cụ do bên nhượng quyền tạo ra và đầu tư để hướng dẫn, huấn luyện bên nhận quyền kinh doanh theo mô hình của họ. Sổ tay hướng dẫn kinh doanh, brochure, các ấn phẩm nổi bật về hoạt động của công ty, phần mềm quản trị nhân sự, phần mềm tính doanh thu, website là những tài liệu/công cụ mà bên nhượng quyền thường cho phép bên nhận quyền sử dụng và đây cũng là các đối tượng được bảo hộ bản quyền dưới hình thức quyền tác giả.[3] Theo đó, bên nhận quyền sẽ không được tự ý công bố, sao chép, phân phối, sửa chữa cắt xén… các tài liệu/công cụ nêu trên khi chưa được sự đồng ý của bên nhượng quyền dưới bất kỳ hình thức nào bởi vì các hành vi đó có thể được xem là vi phạm pháp luật bản quyền về quyền tác giả và bên nhận quyền có thể phải gánh chịu những hậu quả pháp lý do hành vi vi phạm bản quyền này.[4]

Thực tế cho thấy, bên nhượng quyền sẽ luôn đưa ra các chế tài nghiêm ngặt quy định trong hợp đồng NQTM đối với các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà có thể gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại đến thương hiệu, uy tín mà bên nhận quyền đã xây dựng, ví dụ như chế tài chấm dứt hợp đồng, phạt hợp đồng, bồi thường thiệt hại… Thế nên, khi kinh doanh theo hình thức NQTM, song song với các lợi ích mà nó mang lại, bên nhận quyền phải luôn ý thức được tầm quan trọng của việc “bảo vệ các tài sản sở hữu trí tuệ” của bên nhượng quyền để tránh phải chịu các chế tài của hợp đồng quy định.

Một điểm nữa là, đối với các thương vụ NQTM có liên quan đến yếu tố nước ngoài, các nội dung trong hợp đồng NQTM, đặc biệt là các điều khoản về quyền sở hữu trí tuệ, sẽ không phải là những vấn đề đơn giản mà bên nhượng quyền có thể nắm bắt được tất cả để tạo lợi thế trong việc đàm phán, thương thảo hợp đồng với bên nhượng quyền cũng như tuân thủ việc thực hiện hợp đồng về sau. Lời khuyên hữu ích trong trường hợp này là bên nhận quyền nên xem xét nhờ các luật sư uy tín, có kinh nghiệm trong lĩnh vực NQTM tham gia cùng với bên nhận quyền ngay từ đầu ở giai đoạn đàm phán hoặc giai đoạn thương thảo hợp đồng để mang lại kết quả tốt nhất.

Điều kiện kinh doanh NQTM tại Việt Nam

Bên cạnh các vấn đề nêu trên, bên nhận quyền cũng cần hiểu rõ các điều kiện kinh doanh NQTM tại Việt Nam trước khi quyết định khởi nghiệp với hình thức này. Cụ thể là, để thực hiện hoạt động NQTM tại Việt Nam, bên nhận quyền phải đảm bảo các điều kiện sau đây: (i) Bên nhượng quyền có hệ thống kinh doanh dự định để nhượng quyền đã hoạt động ít nhất 01 năm và hàng hóa, dịch vụ kinh doanh đó phải là ngành nghề được pháp luật Việt Nam cho phép; (ii) Bên nhận quyền phải đăng ký kinh doanh ngành nghề phù hợp với hệ thống kinh doanh NQTM dự kiến thực hiện; (iii) Trường hợp nếu bên nhận quyền hợp tác với bên nhượng quyền là thương nhân ở nước ngoài (tức NQTM từ nước ngoài vào Việt Nam) thì bên nhận quyền hoặc bên nhượng quyền phải thực hiện thêm thủ tục đăng ký hoạt động NQTM với Bộ Công Thương trước khi tiến hành kinh doanh NQTM.[5] Đây là các vấn đề mà bên nhận quyền phải đặc biệt quan tâm khi thực sự muốn khởi nghiệp kinh doanh với hình thức NQTM này.

Tạm kết lại

Việt Nam hiện nay đã và đang là thị trường tiềm năng thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Chính vì vậy, xu hướng kinh doanh theo hình thức NQTM chắc chắn sẽ ngày càng phổ biến hơn nữa trong tương lai. Các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đang muốn khởi nghiệp kinh doanh từ các thương hiệu lớn nổi tiếng thông qua hình thức NQTM, nên có những nghiên cứu và tìm hiểu kỹ trước khi bắt tay thực hiện kinh doanh với hình thức này.

[1] Điều 284 và Điều 286 của Luật Thương Mại 2005

[2] Điều 127, Điều 129  của Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005 và Điều 3.2, Điều 4.1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005.

[3] Điều 14 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005.

[4] Điều 28, Điều 198 của Luật Sở Hữu Trí Tuệ 2005

[5] Điều 5, Điều 6, Điều 18 của Nghị Định 15/VBHN-BCT quy định về NQTM

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top