Công nhận và thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là một thủ tục tố tụng đặc biệt do Tòa án tiến hành với mục đích công nhận tính hiệu lực của phán định Trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ Việt Nam. Trong bài viết này, mời Quý khách tham khảo thông tin liên quan về Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài được quy định tại Việt Nam.
Tìm hiểu về Trọng tài nước ngoài
Theo Khoản 11, Điều 3, Luật trọng tài thương mại 2010 có giải thích rõ về trọng tài nước ngoài như sau:
Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam.”
Công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam
Theo pháp luật Việt Nam thì:
- Theo Khoản 2, Điều 424, Bộ Luật Tố tụng Dân sự năm 2015 quy định: “Phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành”
- Trọng tài nước ngoài là Trọng tài được thành lập theo quy định của pháp luật Trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để tiến hành giải quyết tranh chấp ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam (Khoản 11 Điều 3 Luật Trọng tài thương mại).
- Phán quyết của Trọng tài nước ngoài là phán quyết do Trọng tài nước ngoài tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc ở trong lãnh thổ Việt Nam để giải quyết tranh chấp do các bên thỏa thuận lựa chọn (Theo khoản 12 Điều 3 Luật Luật Trọng tài thương mại).
- Phán quyết của Trọng tài nước ngoài được Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành tại Việt Nam có “hiệu lực pháp luật” như quyết định của Tòa án của Việt Nam có hiệu lực pháp luật.
Theo quan niệm được nêu rõ tại Khoản 2, Điều 342, trong Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 thì quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, quyết định của Trọng tài nước ngoài như sau: Quyết định của Trọng tài nước ngoài là quyết định được tuyên ở ngoài lãnh thổ Việt Nam hoặc trong lãnh thổ Việt Nam của Trọng tài nước ngoài do các bên thỏa thuận lựa chọn để giải quyết tranh chấp phát sinh từ các quan hệ pháp luật kinh doanh, thương mại, lao động.
Có thể thấy rằng khái niệm phán quyết Trọng tài nước ngoài của Bộ Luật tố tụng dân sự 2004 vừa rộng hơn nhưng lại cũng vừa hẹp hơn nếu so với Pháp lệnh 1995. Khái niệm phán quyết trọng tài nước ngoài trong khuôn khổ của BLTTDS 2004 bao hàm luôn các các phán quyết nhằm giải quyết các tranh chấp lao động, trong khi Pháp lệnh 1995 chỉ điều chỉnh các phán quyết về thương mại. Ngược lại, BLTTDS 2004 chỉ điều chỉnh hai trường hợp là (i) và (iii) trong bốn trường hợp được Pháp lệnh 1995 dữ liệu (bao gồm phán quyết do trọng tài nước ngoài lập ngoài lãnh thổ Việt Nam và phán quyết do trọng tài nước ngoài lập trong lãnh thổ Việt Nam).
Khi Tòa án được yêu cầu công nhận phán quyết trọng tài, Tòa án không chỉ được yêu cầu công nhận hiệu lực pháp lý của phán quyết, mà còn phải đảm bảo phán quyết đó được thi hành. Bộ Luật Tố tụng Dân sự quy định rằng phán quyết được công nhận sẽ được thi hành theo thủ tục thi hành án dân sự và chỉ được thi hành sau khi có quyết định của Tòa án Việt Nam công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài có hiệu lực pháp luật.
Do vậy, công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài tại Việt Nam là một thủ tục tố tụng đặc biệt do Tòa án tiến hành, nhằm xem xét để công nhận tính hiệu lực của phán định trọng tài nước ngoài trên phạm vi lãnh thổ của Việt Nam.
Điều kiện công nhận và thi hành phán quyết Trọng tài nước ngoài theo quy định của Việt Nam.
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không được định nghĩa theo Luật Việt Nam, nhưng điều kiện để công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài vẫn được quy định rất rõ tại Điều 424 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 như sau:
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài sau đây được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam:
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài mà nước đó và Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam cùng là thành viên của điều ước quốc tế về công nhận và cho thi hành phán quyết của Trọng tài nước ngoài;
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này trên cơ sở nguyên tắc có đi có lại.
Phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được xem xét công nhận và cho thi hành tại Việt Nam là phán quyết cuối cùng của Hội đồng trọng tài giải quyết toàn bộ nội dung vụ tranh chấp, chấm dứt tố tụng trọng tài và có hiệu lực thi hành.
Trọng tài nước ngoài, phán quyết của Trọng tài nước ngoài quy định tại khoản 1 Điều này được xác định theo quy định của Luật trọng tài thương mại của Việt Nam.”
Để phán quyết của Trọng tài nước ngoài được công nhận và cho thi hành tại Việt Nam, phán quyết đó phải thỏa mãn được hai điều kiện lớn là về quốc gia của trọng tài ban hành phán quyết và về tính chất của phán quyết.
Trên đây là những thông tin tham khảo về trọng tài nước ngoài. Để được hỗ trợ tư vấn chuyên sâu về các vấn đề liên quan đến Luật, Quý khách hãy liên hệ đến GV Lawyers qua thông tin chi tiết bên dưới website.