Hiện nay, trọng tài thương mại là một trong những phương pháp giúp giải quyết tranh chấp thuộc lĩnh vực kinh doanh, thương mại khá được ưa chuộng do tính chất vừa nhanh gọn, đơn giản và vừa linh hoạt. Trong bài viết này, Luật GV Lawyers cập nhật danh sách các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam để Quý khách hàng tham khảo.
Công ty Luật GV Lawyers, hiện là một trong những công ty luật hàng đầu tại Việt Nam với đội ngũ luật sư giàu kinh nghiệm, có chuyên môn cao trong việc giải quyết các tranh chấp bằng hình thức trọng tài thương mại, hòa giải tại trung tâm trọng tài. GV Lawyers tư vấn và đại diện cho khách hàng trong các vụ việc tố tụng tại trung tâm trọng tài để bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích chính đáng của quý khách hàng.
Tìm hiểu về trung tâm trọng tài thương mại là gì?
Theo Điều 23 trong Luật Trọng tài thương mại 2010, trung tâm trọng tài được định nghĩa như sau:
“Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.”
Tổng hợp các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam
Luật trọng tài năm 2010 ra đời, tạo tiền đề cho sự phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng của các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam. Hiện nay, có các trung tâm trọng tài nổi bật như:
Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương
Trung tâm trọng tài Thương mại Quốc tế Thái Bình Dương (PIAC) được thành lập theo Giấy phép số 01/TP-GP, cấp ngày 28/8/2006 của Bộ Tư Pháp.
PIAC mở ra nhằm đáp ứng các nhu cầu của cộng đồng doanh nhân về phương pháp giải quyết tranh chấp pháp lý đáng tin cậy, công bằng và độc lập tại Việt Nam. Hiện tại trung tâm có khoảng 78 trọng tài viên, Chủ tịch là ông Nguyễn Đăng Trừng.
PIAC giống một tổ chức phi lợi nhuận hướng tới mục tiêu đẩy mạnh các hoạt động giải quyết tranh chấp tự chọn, vừa thúc đẩy tăng cường sự hợp tác giữa các nhà chuyên môn như Luật sư, Thẩm phán,Trọng tài viên, Hoà giải viên… vừa nâng cao tính chuyên nghiệp, đồng thời mở rộng chuyên môn thực tiễn trong giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại.
Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam
Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (viết tắt VIAC) được thành lập theo Quyết định số 204/TTg bán hành ngày 28/4/1993 của Thủ tướng Chính phủ. Trung tâm được hợp nhất từ Hội đồng Trọng tài Ngoại thương (1963) và Hội đồng Trọng tài Hàng hải (1964).
Chủ tịch của trung tâm là ông Trần Hữu Huỳnh. Hiện nay trung tâm quy tụ được khoảng 144 trọng tài viên, là trung tâm có nhiều trọng tài viên nhất, cũng như được nhiều thương nhân lựa chọn để giúp họ giải quyết tranh chấp nhất tại Việt Nam.
Với bề dày hoạt động hơn 50 năm trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp thương mại, VIAC đã giải quyết hàng nghìn vụ tranh chấp có liên quan đến nhiều mảng như vận tải, bảo hiểm, mua bán hàng hóa, xây dựng, đầu tư, tài chính, ngân hàng… các bên tranh chấp đến từ nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Phát triển cùng tiêu chí uy tín, minh bạch, hiệu quả, trung tâm VIAC đã phát triển và là chỗ dựa về công lý cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam
Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật Gia Việt Nam (VLCAC) được thành lập theo Giấy phép số 12/BTP/GP cấp ngày 14/3/2016 của Bộ Tư Pháp. Đây là tổ chức phi chính phủ, hoạt động độc lập và hoạt động không vì mục đích lợi nhuận.
Đúng như cái tên của mình, đội ngũ trọng tài viên tại VLCAC lên tới 59 thành viên, bao gồm là các luật gia, luật sư, các chuyên gia về kinh tế, thương mại, tài chính, đầu tư, các giáo sư, tiến sĩ chuyên nghiệp. Mục tiêu của trung tâm là xây dựng một cơ chế giải quyết các tranh chấp thân thiện, tin cậy, công bằng, thuận lợi, hiệu quả, giúp bảo đảm các quyền lợi hợp pháp của các bên tranh chấp.
Trung tâm Trọng tài Thương mại Á Châu
Trung tâm Trọng tài Thương mại Quốc tế Á Châu (ACIAC) tiền thân là Trung tâm Trọng tài Quốc tế Thăng Long thành lập năm 1994. ACIAC có truyền thống giải quyết các tranh chấp một cách nhanh chóng, đảm bảo bí mật khách hàng tuyệt đối, công bằng trong các vụ tranh chấp. Hiện nay, Trung tâm ACIAC có khoảng 37 trọng tài viên, Chủ tịch là ông Trần Quang Mỹ.
Tôn chỉ của trung tâm ACIAC là giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, khách quan, trung thực, chính xác, nhằm bảo tồn, phát triển uy tín của ACIAC đến với khách hàng.
Trung tâm trọng tài thương mại Tp Hồ Chí Minh (TRACENT)
Với thâm niên hoạt động hơn 20 năm, trung tâm TRACENT đã huy động nhiều luật sư, luật gia, cùng các giảng viên đại học, chuyên gia có trình độ chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm tham gia giải quyết nhiều vụ việc tranh chấp không chỉ diễn ra trong nước mà còn trên quốc tế. Do đó, trung tâm TRACENT được nhiều đơn vị tin tưởng, lựa chọn là một trong các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam uy tín nhất.
Ngoài các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam được nêu trên, Quý khách hàng có thể tham khảo thêm một số trung tâm trọng tài thương mại khác như: Trung tâm trọng tài thương mại Cần Thơ; Trung tâm trọng tài thương mại Hà Nội (HCAC); Trung tâm trọng tài thương mại Tài chính Ngân hàng Việt Nam; Trung tâm trọng tài thương mại Công Lý Việt Nam;….
Một số thông tin liên quan về trung tâm trọng tài thương mại
Điều kiện và thủ tục thành lập Trung tâm trọng tài
Tại Điều 24 trong Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định rõ về các điều kiện và thủ tục thành lập trung tâm trọng tài như sau:
- Trung tâm trọng tài được thành lập khi có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên quy định tại Điều 20 của Luật này đề nghị thành lập và được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập.
- Hồ sơ đề nghị thành lập Trung tâm trọng tài gồm:
- a) Đơn đề nghị thành lập;
- b) Dự thảo điều lệ của Trung tâm trọng tài theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành;
- c) Danh sách các sáng lập viên và các giấy tờ kèm theo chứng minh những người này có đủ điều kiện quy định tại Điều 20 của Luật này.
- Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp Giấy phép thành lập Trung tâm trọng tài và phê chuẩn điều lệ của Trung tâm trọng tài; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Quyền và nghĩa vụ của Trung tâm trọng tài
Tại Điều 28 trong Luật Trọng tài thương mại 2010 có quy định rõ về quyền và nghĩa vụ của trung tâm trọng tài như sau:
- Xây dựng điều lệ và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài phù hợp với những quy định của Luật này.
- Xây dựng tiêu chuẩn Trọng tài viên và quy trình xét chọn, lập danh sách Trọng tài viên, xóa tên Trọng tài viên trong danh sách Trọng tài viên của tổ chức mình.
- Gửi danh sách Trọng tài viên và những thay đổi về danh sách Trọng tài viên của Trung tâm trọng tài cho Bộ Tư pháp để công bố.
- Chỉ định Trọng tài viên để thành lập Hội đồng trọng tài trong những trường hợp quy định tại Luật này.
- Cung cấp dịch vụ trọng tài, hoà giải và các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại khác theo quy định của pháp luật.
- Cung cấp các dịch vụ hành chính, văn phòng và các dịch vụ khác cho việc giải quyết tranh chấp.
- Thu phí trọng tài và các khoản hợp pháp khác có liên quan đến hoạt động trọng tài.
- Trả thù lao và các chi phí khác cho Trọng tài viên.
- Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ và kỹ năng giải quyết tranh chấp cho Trọng tài viên.
- Báo cáo định kỳ hằng năm về hoạt động của Trung tâm trọng tài với Sở Tư pháp nơi Trung tâm trọng tài đăng ký hoạt động.
- Lưu trữ hồ sơ, cung cấp các bản sao quyết định trọng tài theo yêu cầu của các bên tranh chấp hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Thông tin về các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam trong bài viết trên đây chỉ nhằm mục đích tham khảo, Quý khách hàng vui lòng liên hệ đến GV Lawyers để nhận được thông tin tư vấn cụ thể hơn về vụ việc.