Xin giới thiệu bài phỏng vấn của Luật sư Lê Quang Vy có tiêu đề: “Tận thu phí tác quyền âm nhạc có thể gây tổn thương tác giả”.
***
Mới đây, việc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tiến hành thu tiền tác quyền âm nhạc ở quán cafe đã gây nên nhiều luồng ý kiến tranh cãi.
Phóng viên báo Đại Đoàn Kết đã có cuộc phỏng vấn luật sư Lê Quang Vy (Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh, đồng thời là hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam), một chuyên gia trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, tư vấn pháp luật ngành công nghệ giải trí, xung quanh vấn đề này.
Luật sư Lê Quang Vy.
PV: Nhiều chủ khách sạn ở TP Đà Nẵng đã phản ứng dữ dội khi VCPMC đến yêu cầu thu phí bản quyền âm nhạc qua tivi trong phòng ngủ khách sạn của họ. Nhạc sĩ Phó Đức Phương- Giám đốc VCPMC nói, VCPMC tạm dừng không phải vì họ sai. Hiện tại, VCPMC vẫn thu phí ở khu vực khác như sảnh, bar khách sạn. Ông nghĩ sao về việc này?
Luật sư Lê Quang Vy: Việc VCPMC thu tiền các khách sạn có sử dụng âm nhạc để phát tại sảnh, nhà hàng hay quầy bar trong khách sạn là đúng với quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) và Điều 35 Nghị định 100/2006/NĐ-CP (NĐ100).
Tuy nhiên, qua thông tin báo chí, được biết vừa qua VCPMC yêu cầu các khách sạn tại Đà Nẵng phải trả phí bản quyền cho các ti vi để trong các phòng ngủ của khách sạn với mức phí 25.000/1 tivi/năm, vì các tivi này phát sóng các chương trình ca nhạc.
Việc thu này được VCPMC dẫn chiếu Điểm b Khoản 1 Điều 20 Luật SHTT và Khoản 1 Điều 23 NĐ 100 về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng các căn cứ pháp lý mà VCPMC đưa ra trong trường hợp này là không ổn.
Bởi (i) các chủ khách sạn không phải là đối tượng biểu diễn; (ii), Luật SHTT hiện hành không có bất kỳ điều khoản nào quy định các tổ chức, cá nhân khi sử dụng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng phải thực thi nghĩa vụ tác quyền. Và khi căn cứ pháp lý không thuyết phục thì các chủ doanh nghiệp khách sạn ở Đà Nẵng phản ứng là điều đương nhiên.
Biểu diễn ca nhạc tại không gian kinh doanh thương mại chịu tác quyền.
Theo ông, khi sản xuất một đĩa ca nhạc, bản nhạc, nhà sản xuất đã xin phép tác giả của tác phẩm đó. Cơ quan chức năng cũng đã cấp phép lưu hành. Đĩa được sản xuất ra rồi thì người sử dụng mua và nghe có phải trả phí không?
– Nếu bạn mua CD hay DVD ca nhạc đem về nhà nghe hoặc để trong xe ôtô nghe thì bạn không phải trả thêm bất kỳ một khoản phí tác quyền nào.
Tuy nhiên nếu bạn mua CD hay DVD để nhằm mục đích kinh doanh thương mại, ví dụ như phát tại quán cafe, nhà hàng, khách sạn, siêu thị… nói chung là bất cứ môi trường nào có kinh doanh thương mại thì bạn phải trả tác quyền cho các chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan.
Cụ thể là trả tác quyền cho các nhạc sĩ có tác phẩm trong đĩa CD đó (gọi là quyền tác giả); trả tác quyền cho nhà sản xuất đĩa CD, và trả tác quyền cho cả những người biểu diễn trong CD đó (gọi là các quyền liên quan).
Như trên đã dẫn, việc thực thi nghĩa vụ tác quyền này được quy định tại Điều 33 Luật SHTT và Điều 35 NĐ 100. Hiện nay VCPMC là đơn vị thu tiền bản quyền cho các nhạc sĩ; Hiệp hội Công nghiệp Ghi âm Việt Nam (RIAV) là đơn vị thu bản quyền liên quan cho các nhà sản xuất băng đĩa và Hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc (APPA) là đơn vị thu bản quyền liên quan của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc.
Tất nhiên các tổ chức này chỉ được thu trên cơ sở luật định và phải có sự ủy quyền của các chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan.
Ông nghĩ sao về cách thu khoán của VCPMC tại các quán cafe? Và khi VCPMC chi cho các tác giả liệu có thể chi khoán?
– Đây là sự thỏa thuận dân sự giữa các bên, tuy nhiên như chúng ta đã biết ngày nay pháp luật về quyền tác giả trên thế giới nói chung, ngoài việc bảo hộ quyền tác giả nhằm khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội thì nó còn đặt ra mục đích là đảm bảo sự hài hòa, cân bằng được lợi ích giữa tác giả, người truyền đạt và công chúng thụ hưởng.
Bất cứ một tổ chức đại diện quyền tập thể nào tận thu phí khi cơ sở pháp lý còn chưa rõ ràng điều này chỉ làm tổn thương đến các tác giả và đồng thời còn gây ảnh hưởng đến nhu cầu hưởng thụ chính đáng của công chúng.
Theo ông, điều gì đang là bất cập trong việc thu phí quyền tác giả và pháp luật cần thiết bổ sung quy định gì về vấn đề này?.
– Điều tôi băn khoăn nhất là mặc dù về nguyên tắc, các quán café, nhà hàng, khách sạn, siêu thị… khi họ sử dụng các tác phẩm âm nhạc thì họ phải có nghĩa vụ kê khai danh mục các bài hát, tên tác giả, tên các hãng sản xuất băng đĩa, tên các nghệ sĩ biểu diễn cho các tổ chức đại diện chủ sở hữu quyền.
Theo đó các tổ chức đại diện mới có cơ sở để chi trả lại cho các chủ sở hữu quyền. Hiện nay trên thực tế các tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại nói trên hầu như họ đều có thực hiện nghĩa vụ tác quyền theo luật định nhưng việc bảo họ kê khai danh sách bài hát, tên tác giả… chắc có lẽ chẳng có cá nhân, tổ chức nào cung cấp.
Vậy VCPMC, RIAV và APPA chi trả cho các chủ sở hữu quyền trên cơ sở nào? Và rồi cơ chế nào để các chủ sở hữu quyền kiểm tra được các tổ chức đại diện quyền tập thể được chủ sở hữu quyền ủy quyền thực thi đúng phạm vi được ủy quyền?
Đây là những câu hỏi mà Bộ VHTTDL với tư cách là cơ quan quản lý ngành cần có những hướng dẫn cụ thể nhằm minh bạch các khoản thu chi của các tổ chức đại diện tập thể. Nếu làm được điều này, thiết nghĩ không chỉ các chủ sở hữu quyền, mà kể cả người truyền đạt, công chúng thụ hưởng sẽ cảm thấy thoải mái, an toàn và công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ bản quyền của mình.
Trân trọng cảm ơn ông!
Từ Khôi (thực hiện)