GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Hồ Thị Trâm có tiêu đề: “Sàn giao dịch điện tử: “Trung gian” hay “trung” và “gian”?” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 23/05/2019.
***
ĐẨY HẾT RỦI RO CHO KHÁCH HÀNG
Vừa qua, nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử (TMĐT) đã thay đổi chính sách giao hàng, theo đó, không cho phép khách hàng kiểm tra hàng hóa khi nhận hàng. Lý do được một số sàn TMĐT đưa ra là người giao hàng không phải là người bán cho nên không nắm rõ thông tin về hàng hóa, và do vậy không thể cùng kiểm tra hàng hóa với người mua.
Như vậy, người mua sẽ phải thanh toán đủ tiền trước khi biết hàng được giao có đúng chủng loại, chất lượng, số lượng…hay không. Nói khác đi, người mua – với tư cách là khách hàng của sàn TMĐT – sẽ luôn nắm phần “lưỡi” và là người thiệt hại khi không nhận được hàng đúng thỏa thuận.
SỐNG NHỜ TRUNG GIAN
Đặc thù của TMĐT là người mua và người bán không tương tác trực tiếp mà thông qua hệ thống Internet, đặc biệt là có sự trung gian của bên thứ ba – các chủ “chợ” trực tuyến – sàn TMĐT. Sàn có vai trò rất quan trọng trong quá trình giao dịch đó là kết nối người mua-người bán; thẩm định thông tin bên bán; mở tài khoản cho bên mua; thu phí từ các giao dịch này, từ phí giao dịch, phí thành viên đến phí giao hàng…
Việc mua hàng là “ảo” cho đến khi hàng hóa thực tế được giao đến người mua. Người mua lúa này mới thực sự biết hàng hóa có đúng như được quảng cáo trên mạng hay không. Sàn TMĐT sống nhờ vào việc trung gian mua bán thì phải đảm bảo việc mua bán được diễn ra tốt đẹp chứ không thể chỉ nhận lợi ích mà phủ nhận trách nhiệm.Việc buộc khách hàng (người mua) phải trả tiền rồi mới được xem hàng đã tước đi quyền kiểm tra hàng hóa của khách hàng. Khách hàng do đó có thể mua phải hàng giả, hàng cấm hay hàng không đảm bảo chất lượng và kéo theo đó là hàng loạt các phiền phức pháp lý như khiếu nại, đổi trả hàng hay thậm chí là khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại. Ở chiều ngược lại, các sàn TMĐT hay người bán cũng thiệt hại không kém như bị mất uy tín, lòng tin và vướng phải rắc rối pháp lý khi bị khiếu kiện, khiếu nại. Quan trọng hơn, khi cố ý rũ bỏ trách nhiệm đối với khách hàng, các sàn đang tự lấy đá ghè vào chân mình: một khi mất niềm tin vào các sàn TMĐT, khách hàng quay lại phương thức mua bán truyền thống.
LUẬT CÓ CHO PHÉP SÀN “PHỦI TAY” ?
Về pháp lý, quan hệ giữa người mua và sàn TMĐT là một hợp đồng và hợp đồng này do sàn TMĐT đưa ra dưới hình thức là các điều kiện giao dịch chung của sàn (General terms and conditions). Nội dung của hợp đồng quy định các điều kiện cho việc đặt hàng, bán hàng cũng như các trách nhiệm pháp lý khác. Bộ luật Dân sự năm 2015 coi các điều kiện giao dịch chung của sàn là một dạng hợp đồng mẫu.
Theo điều 405.3 và điều 406.3 của Bộ luật dân sự 2015, nếu hợp đồng mẫu có điều khoản miễn trách nhiệm của bên đưa ra hợp đồng mẫu nhưng lại tăng trách nhiệm hoặc loại bỏ quyền lợi chính đáng của bên kia thì điều khoản này không có hiệu lực. Tương tự như vậy, điều 16 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 có quy định điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung sẽ không có hiệu lực khi: (i) loại trừ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng theo quy định của pháp luật; hoặc (ii) cho phép tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đơn phương xác định người tiêu dùng không thực hiện một hoặc một số nghĩa vụ; (iii) bắt buộc người tiêu dùng phải tuân thủ các nghĩa vụ ngay cả khi tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không hoàn thành nghĩa vụ của mình.
Quan trọng hơn hết, chính sách giao hàng mới của các sàn TMĐT đã có thể vi phạm trực tiếp điều 26.3.a của Nghị định 52/2013/NĐ-CP ngày 16-5-2013 về thương mại điện tử, theo đó, sàn TMĐT và người bán phải tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Trong đó, điều 9 của Luật Bảo vệ người tiêu dùng quy định nghĩa vụ của người tiêu dùng là kiểm tra hàng hóa trước khi nhận hàng.
Đó là về mặt pháp lý, còn thực tế thì chính sàn TMĐT là bên nắm được đầy đủ thông tin nhất về nội dung thỏa thuận và hàng hóa mà bên mua và bên bán giao dịch. Đơn giản là vì mọi thông tin giao dịch đều thực hiện trên giao diện hoặc phầm mềm của sàn TMĐT. Nhiều sàn TMĐT thậm chí còn đảm nhận cả việc giao nhận hàng hóa. Do vậy khó chấp nhận lập luận của sàn khi sàn cho rằng họ không có đủ thông tin về hàng hóa.
Rõ ràng, từ sự phân tích trên, có thể thấy rằng chính sách “không hỗ trợ đồng kiểm hàng hóa” đã vi phạm trực tiếp các điều cấm trong Bộ luật Dân sự và Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Do vậy, chính sách này sẽ đương nhiên bị vô hiệu theo điều 117 Bộ luật Dân sự (hợp đồng vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật). Thiết nghĩ các sàn giao dịch TMĐT không những cần nâng cao khả năng tiền kiểm hàng hóa mà nên bỏ quy định “không hỗ trợ đồng kiểm khi nhận hàng” nêu trên để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng và tuân thủ quy định của pháp luật.