Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Lê Quang Vy và Luật sư Lê Trọng Thêm có tiêu đề: “Quyền tác giả âm nhạc thời @” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 06/04/2017, Số 14-2017 (1.373).
***
Thời đại công nghệ số và mạng Internet giúp phẩm đến gần và nhanh hơn với công chúng. Nếu như trước đây, một tác phẩm âm nhạc muốn đến công chúng phải trải qua một quy trình sản xuất băng đĩa mất khá nhiều thời gian, thì giờ đây chỉ với một cú nhấp chuột là tác phẩm có thể đến với công chúng một cách rộng rãi và nhanh chóng. Ở kỷ nguyên số, công chúng hưởng thụ được dễ dàng và thuận tiện, đồng thời, chủ sở hữu quyền tác giả có nhiều cơ hội như thị trường lớn hơn, nhiều người sử dụng hơn, dễ dàng phân phối hơn. Tuy nhiên, rủi ro vi phạm quyền tác giả theo đó cũng sẽ cao hơn.
Với công nghệ số, người thụ hưởng cũng có thể là nhà phát hành khi mà họ dễ dàng để tải một tác phẩm xuống rồi lại đưa lên một số trang mạng xã hội, hoặc đơn giản là sử dụng nút “chia sẻ” để phát tán tác phẩ. Quyền tác giả có thể bị xâm phạm bởi bất kỳ người nào truy cập vào tác phẩm. Chính vì vậy, việc bảo hộ quyền tác giả trên môi trường Internet là một vấn đề nan giải không chỉ ở Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do giữa các nước hiện nay luôn bao gồm nhiều quy định về bản quyền kỹ thuật số hoặc thậm chí còn bảo hộ mạnh mẽ hơn đối với quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số.
Tổ chức nào thu phí bản quyền cho những hoạt động kinh doanh âm nhạc trên Internet?
Nếu như quyền nhân thân cho phép tác giả được phép đặt tên, đứng tên, công bố và bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm thì đối với quyền tài sản, chủ sở hữu quyền tác giả có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân mỗi khi khai thác, sử dụng tác phẩm bởi các hình thức như làm tác phẩm phái sinh; biểu diễn tác phẩm trước công chúng; sao chép tác phẩm; phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm; truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác đều phải xin phép và trả tiền nhuận bút, thù lao, các quyền lợi vật chất khác cho mình.
Song song với quyền tác giả còn có quyền liên quan, tức quyền của người biểu diễn và quyền của nhà sản xuất băng đĩa và của các tổ chức phát sóng. Tại Việt Nam hiện nay có ba tổ chức khác nhau bảo vệ quyền lợi cho ba đối tượng là nhạc sĩ, người biểu diễn và hãng sản xuất băng đĩa. (1) Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bảo vệ quyền tác giả cho nhạc sĩ sáng tác; (2) Hội bảo vệ quyền của người biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA) bảo vệ quyền của người biểu diễn; (3) Hiệp hội công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV) bảo vệ quyền lợi cho các nhà sản xuất bản ghi. Lẽ đương nhiên các tổ chức này chỉ được phép thu phí bản quyền cho những đối tượng có uỷ quyền cho tổ chức đó mà thôi. Năm 2009, có thể nói ca sĩ Mỹ Tâm là cá nhân đầu tiên tại Việt Nam đã thành công khi yêu cầu các trang nhạc số thanh toán thù lao với tư cách là người biểu diễn trong các sản phẩm băng đĩa. Đến năm 2014, ca sĩ Lệ Quyên cũng đã thành công tương tự như trường hợp của ca sĩ Mỹ Tâm.
Tuy nhiên trong thực tế một nhạc sĩ, ca sĩ, hay một nhà sản xuất băng đĩa không thể đi đến từng quán cà phê, từng nhà hàng, siêu thị, khách sạn, các nguồn trên Internet… để kiểm tra xem những nơi đó có sử dụng tác phẩm hay sản phẩm của mình hay không? để yêu cầu thanh toán tác quyền. Hay ngược lại, các tổ chức, cá nhân sử dụng cũng rất khó để đi tìm từng nhạc sĩ, ca sĩ, nhà sản xuất để thực hiện nghĩa vụ tác quyền của mình. Do đó, việc ra đời các tổ chức quản lý tập thể quyền tác và quyền liên quan là nhu cầu chính đáng, phù hợp với xu thế chung của các nước trên thế giới. Điều này giúp cho việc bảo vệ các quyền lợi của quyền tác giả hay quyền liên quan được bảo đảm. Các tổ chức, cá nhân sử dụng âm nhạc để kinh doanh thuận tiện hơn trong việc thực hiện nghĩa vụ tác quyền và sau cùng là công chúng được thụ hưởng những tác phẩm, sản phẩm có nguồn bản quyền rõ ràng, minh bạch.
Điều 33 Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) 2005, sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định việc tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã được công bố nhằm mục đích thương mại đều phải có nghĩa vụ trả tác quyền cho các nhạc sĩ có tác phẩm trong bản ghi, người biểu diễn trong bản ghi và nhà sản xuất bản ghi đó. Như vậy không chỉ riêng việc kinh doanh trên Internet mà các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, dịch vụ bưu chính, viễn thông, môi trường kỹ thuật số, hoạt động du lịch, hàng không, giao thông công cộng… khi sử dụng bản ghi đều phải có nghĩa vụ trả tác quyền cho ba nhóm đối tượng nêu trên (Điều 35 Nghị định 100/2006). Việc thu phí bản quyền do VCPMC, APPA và RIAV đại diện theo uỷ quyền của nhạc sĩ, người biểu diễn, và hãng sản xuất băng đĩa đảm trách.
Tuy nhiên, việc chi trả bản quyền trong thời đại @ đang gặp khó khăn do nhiều nguyên nhân: (i) ý thức tôn trọng và thực hiện nghĩa vụ trả phí của người sử dụng tác phẩm còn thấp; (ii) sự vi phạm nghiêm trọng trong sao chép, truyền đạt, phân phối tác phẩm do sự phát triển của công nghệ; (iii) chưa có cơ chế phối hợp giữa VCPMC, APPA và RIAV; (iv) cơ chế thực thi bảo vệ quyền tác giả từ phía cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều bất cập; (v) việc tuyên truyền phổ biến luật về bản quyền còn nhiều hạn chế, thậm chí có nhiều đài phát thanh truyền hình địa phương, kể cả Đài Tiếng nói Việt Nam (kênh VOV Giao thông) vẫn thường xuyên vi phạm quyền tác giả, khi chỉ giới thiệu tên bài hát và người biểu diễn, còn tác giả, người sáng tạo ra tác phẩm thì bị lờ đi?!
Tác phẩm phái sinh có được pháp luật bảo hộ?
Cũng nhờ sự phát triển của công nghệ mà việc tiếp cận một tác phẩm nước ngoài không còn khó khăn như trước đây. Nhiều tác phẩm âm nhạc nước ngoài được người Việt dịch hoặc viết lời Việt (gọi là làm tác phẩm phái sinh). Luật SHTT quy định làm tác phẩm phái sinh là một quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo đó, chỉ duy nhất chủ sở hữu quyền tác giả mới được quyền làm tác phẩm phái sinh trên chính tác phẩm gốc của mình hoặc chủ sở hữu quyền tác giả mới là người có quyền cho phép người khác làm tác phẩm phái sinh trên tác phẩm gốc của mình. Ngoài ra, điều 28 Luật SHTT cũng quy định việc làm tác phẩm phái sinh mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả là hành vi xâm phạm quyền tác giả.
Gần đây, truyền thông có đưa tin về trường hợp vi phạm bản quyền của ca sĩ Mỹ Tâm đối với ca khúc “Anh thì không” (Toi Jamais – Tác giả : Michel Mallory). Tác phẩm này được ông Vũ Xuân Hùng chuyển thể lời Việt. Khi ca sĩ Mỹ Tâm phát hành sản phẩm của mình ra thị trường mà không ghi họ tên tác giả là sai. Còn tác phẩm lời Việt chỉ được luật pháp bảo hộ khi ông Vũ Xuân Hùng được chính tác giả Michel Mallory cho phép chuyển sang lời Việt. Cũng xin lưu ý ngoài việc phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, người làm tác phẩm phái sinh không được phép gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm gốc.
Tóm lại tác giả của tác phẩm phái sinh muốn được luật pháp bảo hộ và mọi người tôn trọng quyền tác giả của mình, hơn ai hết, họ cần phải tôn trọng quyền tác giả của tác phẩm gốc trước.
Vai trò của bản quyền trong sự phát triển văn hoá và kinh tế
Trong thế giới ngày nay, công nghệ đang cách mạng hoá các nền kinh tế và công nghiệp sáng tạo đang trở thành một ngành quan trọng. Chính vì thế, việc bảo hộ bản quyền cần phát triển nhằm hỗ trợ đổi mới cho nền kinh tế dựa trên công nghệ.
Nói đến công nghệ bản quyền, bao gồm các ngành công nghiệp bản quyền cốt lõi (Core copyright industries), bản quyền liên kết (Interdependent copyright industries), bản quyền riêng phần (Partial copyright industries) là nói đến các ngành công nghiệp dựa vào hệ thống bản quyền như công nghiệp văn hoá (Cultural industries), công nghiệp sáng tạo (Creative industries). Tất cả ngành công nghiệp này đóng góp đáng kể cho GDP của mỗi quốc gia. Thống kê cho thấy sự đóng góp của ngành công nghiệp dựa trên bản quyền ờ Hàn Quốc tăng trưởng nhanh hơn các ngành công nghiệp khác trong giai đoạn 2005 – 2009. Trong năm 2009, ngành công nghiệp dựa trên bản quyền của Hàn Quốc đạt 105,4 tỷ Won giá trị gia tăng, chiếm 9,89% GDP quốc gia; số người làm việc trong ngành chiếm 6,24% của lực lượng lao động. Tại Mỹ, ngành công nghiệp sáng tạo đã đóng góp trên 10% GDP.
Việt Nam chưa có thống kê về sự đóng góp của nền công nghiệp bản quyền cho sự phát triển kinh tế – xã hội. Nhưng có thể thấy với sự xâm phạm bản quyền trên môi trường Internet hiện nay thì sự thiệt hại cho nền kinh tế là không nhỏ. Ngoài ra, các hành vi xâm phạm bản quyền còn là rào cản, làm hạn chế sức sáng tạo trong xã hội. Do vậy, phát triển ngành công nghiệp bản quyền là một trong những đòi hỏi cao của xã hội, bởi một khi công nghệ đã toàn cầu thì bản quyền cũng phải toàn cầu.