Hiện nay việc bảo hộ quyền liên quan được ghi nhận trong các quy định của pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, việc áp dụng các quy định này vào thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn do việc nắm bắt và vận dụng của các quy định này chưa kỹ. Vì vậy, dẫn đến các tình trạng tranh chấp về quyền của các chủ thể quyền liên quan với các bên liên quan trong sử dụng, khai thác các tài sản của các chủ thể của quyền liên quan này.
Do đó, để bạn đọc hiểu hơn về nội dung này, Luật GV Lawyers xin tư vấn quy định về những quyền liên quan đến quyền tác giả mà pháp luật có quy định.
I. Đối tượng quyền liên quan được bảo hộ
1. Cuộc biểu diễn được bảo hộ
Cuộc biểu diễn được bảo hộ quyền liên quan khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Cuộc biểu diễn của người nước ngoài thực hiện tại Việt Nam;
- Cuộc biểu diễn của công dân Việt Nam được thực hiện tại Việt Nam hoặc nước ngoài;
- Cuộc biểu diễn được định hình trên bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo đúng quy định tại Điều 30 của Luật Sở Hữu Trí Tuệ;
- Cuộc biểu diễn chưa định hình trên bản ghi âm, ghi hình mà đã phát sóng được bảo hộ theo nội dung quy định tại Điều 31 của Luật này;
- Cuộc biểu diễn được bảo hộ theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
2. Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ
Bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ quyền liên quan khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Bản ghi hình, ghi âm của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có quốc tịch Việt Nam;
- Bản ghi hình, ghi âm của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được bảo hộ theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
3. Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh được bảo hộ
Chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá có quyền bảo hộ khi thuộc một trong các trường hợp dưới đây:
- Chương trình phát sóng, và có tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng có quốc tịch Việt Nam;
- Chương trình phát sóng, và tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá của tổ chức phát sóng được bảo hộ theo quy định tại điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
Lưu ý: Cuộc biểu diễn, bản ghi hình, ghi âm, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hoá chỉ được bảo hộ quyền liên quan với điều kiện không gây phương hại đến quyền tác giả.
II. Tổ chức, cá nhân được bảo hộ quyền liên quan
Những tổ chức, cá nhân dưới đây được bảo hộ quyền liên quan:
- Diễn viên, ca sĩ, vũ công, nhạc công và những người khác trình bày tác phẩm nghệ thuật, văn học (sau đây được gọi chung là người biểu diễn).
- Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu của cuộc biểu diễn được quy định tại khoản 1 Điều 44 của Luật sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi và bổ sung năm 2009.
- Tổ chức, cá nhân có định hình lần đầu hình ảnh, âm thanh của cuộc biểu diễn hoặc các âm thanh, hình ảnh khác (sau đây được gọi là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình).
- Tổ chức khởi xướng, tiến hành thực hiện việc phát sóng (sau đây được gọi là tổ chức phát sóng).
III. Thời hạn bảo hộ quyền liên quan
- Quyền liên quan của người biểu diễn được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm cuộc biểu diễn được định hình.
- Quyền của nhà sản xuất bản ghi hình, ghi âm được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm công bố hoặc 50 năm kể từ năm tiếp theo năm bản ghi âm, ghi hình được định hình nếu bản ghi âm, ghi hình đó chưa được công bố.
- Quyền của tổ chức phát sóng được bảo hộ 50 năm tính từ năm tiếp theo năm chương trình phát sóng được thực hiện.
Thời hạn bảo hộ đối với những quyền liên quan trên chấm dứt vào thời điểm 24 giờ vào ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ các quyền liên quan.
Lưu ý
- Quyền liên quan đến quyền tác giả được bảo hộ chủ yếu là quyền tài sản và duy nhất chỉ có người biểu diễn có quyền nhân thân.
- Quyền liên quan đến quyền tác giả để được bảo hộ cần phải đáp ứng đủ điều kiện: là có tính nguyên gốc và cần có dấu ấn sáng tạo của chủ thể liên quan, đồng thời không gây phương hại đến quyền tác giả.
- Quyền liên quan có phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, tín hiệu vệ tinh, chương trình phát sóng mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc là thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.
Trên đây là các nội dung pháp lý về quyền liên quan đến quyền tác giả mà chúng tôi chia sẻ. Hy vọng bài viết này, sẽ mang đến cho bạn đọc những kiến thức pháp luật hữu ích nhất.