GV Lawyers| Giới thiệu bài viết pháp luật
GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Lê Quang Vy và Trợ lý pháp luật Nguyễn Thông Cẩm Tú trong bài viết có tiêu đề: “Quốc ca Việt Nam: từ Luật Sở hữu trí tuệ đến thực tiễn áp dụng” được đăng trên Tạp chí Kinh tếSài Gòn số52-2021 (1.619) ngày 23/12/2021.
***
Tác phẩm Tiến quân ca của nhạc sĩ Văn Cao là Quốc ca Việt Nam. Được biết gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao đã hiến tặng ca khúc này cho Nhà nước. Điều này đã minh thị Nhà nước chính là chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm Tiến quân ca tức Quốc ca.
Vừa qua, việc Next Media tắt tiếng trong phần hát Quốc ca trong trận đấu giữa đội tuyển Việt Nam và Lào đã gây không ít “sóng gió” trên các trang báo, các diễn đàn. Vậy Luật Sở hữu trí tuệ chi phối thế nào trong câu chuyện này?
Quyền chủ sở hữu bản ghi âm nhạc nền Quốc ca có được pháp luật bảo hộ?
Theo quy định tại điều 6.2 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (Luật SHTT) đã được sửa đổi, bổ sung, quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình được thực hiện mà không phương hại đến quyền tác giả. Như vậy, quyền liên quan của chủ sở hữu các bản ghi âm, ghi hình Quốc ca sẽ được xác lập và bảo hộ (50 năm) kể từ khi bản ghi âm, ghi hình đó được thực hiện nếu việc thực hiện này không xâm phạm đến quyền tác giả.
Ngoài ra, việc biên soạn hòa âm, phối khí nhạc nền cho Quốc ca được xem là hành vi sáng tạo tác phẩm phái sinh. Theo điều 20.3 và điều 14.2 Luật SHTT, việc sáng tạo tác phẩm phái sinh phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả bản gốc và tác phẩm phái sinh chỉ được luật pháp bảo hộ nếu không gây phương hại đến quyền tác giả đối với tác phẩm được dùng để làm tác phẩm phái sinh.
Như vậy, Luật SHTT chỉ bảo hộ chủ sở hữu quyền liên quan của bản ghi âm nhạc nền Quốc ca trong trường hợp bản ghi âm nhạc nền đó được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, tức Nhà nước. Và nếu đã là một bản ghi âm nhạc nền Quốc ca hợp pháp, được luật pháp bảo hộ thì bất luận cá nhân, tổ chức nào sử dụng bản ghi này đều phải có nghĩa vụ bản quyền đối với chủ sở hữu quyền liên quan (trừ các trường hợp được quy định tại điều 32 Luật SHTT, như tự ý sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học của cá nhân, nhằm mục đích giảng dạy; trích dẫn hợp lý để cung cấp thông tin).
Tuy nhiên, cũng xin lưu ý, nếu như gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao hiến tặng không chỉ cho Nhà nước mà còn có cả nhân dân, thì tác phẩm này sẽ thuộc về công chúng và các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được phép sử dụng tác phẩm này mà không cần xin phép với điều kiện là tôn trọng quyền nhân thân của tác giả (ghi nhận đúng tên tác phẩm, tên tác giả, đảm bảo sự toàn vẹn của tác phẩm, không được sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm).
Tham khảo việc sử dụng nhạc nền Quốc ca ở một số nước
Thực tiễn, các nước như Canada, Singapore, Úc và một số nước khác đều đã đầu tư thực hiện các bản ghi chuẩn cho Quốc ca của mình. Mới đây vào năm 2019, Singapore đã cho ra mắt bản ghi mới để thay thế cho bản ghi vào năm 2001 của mình.
Hiện nay các nước trên thế giới vẫn ghi nhận và bảo vệ quyền liên quan cho các chủ sở hữu là tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các bản ghi Quốc ca. Như ở Mỹ, giải bầu dục quốc gia Mỹ (NFL) cũng như các giải thi đấu thể thao nhà nghề Mỹ đã tự thu âm Quốc ca để sử dụng cho các giải đấu của mình. Các cá nhân, tổ chức tại Mỹ, đều có quyền hát, trình diễn Quốc ca của mình ở mọi nơi, trên mọi nền tảng xã hội khác nhau nhưng không được sử dụng bản ghi âm của NFL hoặc các tổ chức khác nếu không xin phép và trả tiền.
Còn ở Úc, trên trang web chính thức của chính phủ nước này có quy định những trường hợp sử dụng Quốc ca vì mục đích thương mại bắt buộc phải xin phép và được sự chấp thuận từ chính phủ([1]).
Quay trở lại Việt Nam, như đã nêu, các chủ sở hữu quyền liên quan được bảo hộ có quyền quyết định trong việc phân phối các bản ghi âm, ghi hình Quốc ca đến công chúng thông qua việc bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào và được hưởng quyền lợi vật chất từ việc phân phối đó (điều 30 Luật SHTT).
Tuy vậy, nếu nhìn một cách khách quan sự việc Next Media ngắt phần nhạc Quốc ca trong trận Việt Nam – Lào vừa qua thì đây là câu chuyện của cả đất nước, cả dân tộc, và cũng là cơ hội để chúng ta hướng đến những hành động, kế hoạch mới cho Quốc ca Việt Nam. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước cần nâng cao hơn nữa vị thế Quốc ca Việt Nam trước quốc tế chứ không dừng lại là câu chuyện của một hay hai đơn vị, tổ chức có liên quan. Ở một khía cạnh nào đó, việc các tổ chức, cá nhân đầu tư để thực hiện bản ghi âm Quốc ca có chất lượng, kỹ thuật tốt hơn để phân phối đến gần hơn với công chúng là việc nên khuyến khích và họ cũng xứng đáng được bảo vệ quyền liên quan của mình đối với bản ghi âm, ghi hình đó.
Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, ngày 9-12-2021, Tổng cục Thể dục thể thao đã có Công văn 783/TCTDTT-VP về việc sử dụng bản ghi Quốc ca chính thức trong các hoạt động thể dục thể thao thuộc phạm vi Tổng cục Thể dục thể thao quản lý là bản ghi được đăng tải trên trang web của Chính phủ và của Tổng cục Thể dục thể thao. Tuy nhiên, đã đến lúc Nhà nước cần đầu tư kỹ lưỡng hơn về âm thanh, hòa âm, phối khí và kỹ thuật để có một bản chuẩn hơn, hay hơn khi sử dụng tại các sự kiện lớn trong nước cũng như quốc tế. Bên cạnh đó, thiết nghĩ cần có chính sách, quy định rõ ràng trong việc sử dụng Quốc ca, để cho mọi cá nhân, tổ chức thực hiện, tuân thủ, tráng những lúng túng, tranh cãi như đã từng xảy ra.
[1] https://www.pmc.gov.au/government/australian-national-anthem/use-australian-national-anthem