Xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng và bà Nguyễn Thị Hằng có tiêu đề: “Phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu trong vụ Uber ảnh hưởng thế nào đến thị trường taxi Việt Nam?” được đăng trên Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương số Chuyên đề – Tháng 1 năm 2018.
***
Cuộc chiến giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống tại Việt Nam ngày càng gay cấn. Chủ tịch HĐQT của Vinasun ông Đặng Phước Thành tuyên bố quyết liệt: “Tôi và hơn 10.000 nhân viên Vinasun sẽ kiện Grab, Uber”. Chủ tịch HĐQT của Taxi Mai Linh, ông Hồ Huy đích thân chạy xe ôm chở khách “để xem, để lắng nghe và cảm nhận những vất vả khó nhọc của anh em, của nghề” đang làm dậy sóng dư luận. Đột nhiên, một phán quyết từ Châu Âu xa xôi dường như sẽ đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến này. Phán quyết đó là gì và nó sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường taxi Việt Nam?
Từ cuộc chiến pháp lý tại Tây Ban Nha . . .
Uber, Grab, Airbnb có thể được coi là hình mẫu của mô hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) – một mô hình kinh doanh mới mẻ trên thị trường. Mô hình kinh doanh này mới đến mức đi đâu nó cũng gây ra những “cuộc chiến”. Tại thị trường Tây Ban Nha, cuộc chiến kinh doanh biến thành công chiến pháp lý khi vào ngày 29 tháng 10 năm 2014, Taxi Elite – một hiệp hội tài xế taxi chuyên nghiệp tại Barcelona kiện Uber Systems Tây Ban Nha – một công ty con của Uber vi phạm pháp luật của Tây Ban Nha, có dấu hiệu hành nghề sai trái và cạnh tranh không lành mạnh. Taxi Elite đề nghị Tòa ra lệnh cho Uber Systems Tây Ban Nha ngừng hành vi cạnh tranh không lành mạnh, trong đó có việc hỗ trợ các công ty khác trong tập đoàn cung cấp dịch vụ đặt chỗ theo yêu cầu trên thiết bị di động, internet và đề nghị Tòa án cấm Uber Systems Tây Ban Nha tham gia vào hoạt động này trong tương lai.
Tòa án xác nhận rằng Uber Systems Tây Ban Nha kết nối với các tài xế không chuyên để cung cấp phần mềm Uber – một giao diện – giúp tài xế kết nối với những người có nhu cầu đi lại trong đô thị và cũng là người tiếp cận với dịch vụ thông qua phần mềm này. Tòa án cũng xác nhận hoạt động của Uber Systems Tây Ban Nha là vì lợi nhuận.
Do vụ việc có liên quan đến nhiều nước Châu Âu và luật pháp chung của Công đồng Châu Âu cũng như phần mềm của Uber mang tính quốc tế (international flatform), Tòa Án Tây Ban Nha đã quyết định tạm ngừng vụ kiện tại Tây Ban Nha và đề nghị Tòa Án Công Lý Châu Âu (European Court of Justice – ECJ) để đưa ra phán quyết sơ thẩm về câu hỏi chính là: “liệu hoạt động vì lợi nhuận của [Uber Systems Tây Ban Nha], bao gồm việc đóng vai trò trung gian giữa chủ phương tiện và người có nhu cầu đi lại trong thành phố, nhờ vào việc quản lý các nguồn lực CNTT – theo cách nói của [Uber Systems Tây Ban Nha], giao diện và ứng dụng phần mềm trên “điện thoại di động và nền tảng công nghệ” – cho phép họ kết nối với nhau, phải chăng được xem là dịch vụ vận tải đơn thuần hay phải được xem là dịch vụ trung gian qua thiết bị điện tử hoặc dịch vụ tin học?”. Câu hỏi pháp lý mấu chốt này sẽ quyết định xem Uber có cần phải có giấy phép hoạt động hay không (vì theo pháp luật Tây Ban Nha, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải cần được cơ quan có thẩm quyền cấp phép trước khi hoạt động).
. . . Đến phán quyết của Tòa án Công lý Châu Âu
Trong phán quyết ngày 20 tháng 12 năm 2017 của Hội Đồng Xét Xử (Grand Chamber) của ECJ (Tòan văn phán quyết này có thể được tìm thấy trên website của ECJ tại http://curia.europa.eu/juris/liste.jsf?num=C-434/15), Hội Đồng Xét Xử, khi phân tích về bản chất dịch vụ của Uber, đã cho rằng: “dịch vụ trung gian do Uber cung cấp dựa trên việc lựa chọn các tài xế không chuyên nghiệp sử dụng xe riêng của họ, được công ty cung cấp một ứng dụng mà nếu không có ứng dụng đó (i) tài xế đó sẽ không thể cung cấp dịch vụ vận chuyển và (ii) những người có nhu cầu đi lại trong đô thị sẽ không sử dụng các dịch vụ do các tài xế đó cung cấp.” Ngoài ra, Uber có “ảnh hưởng quyết định” đến các điều kiện dịch vụ mà tài xế cung cấp. Về điểm này, ECJ cho rằng Uber có thể “xác định chi phí vận chuyển tối đa thông qua ứng dụng Uber”, và rằng Uber “nhận được khoản tiền đó từ khách hàng trước khi trả một phần khoản tiền đó cho tài xế” cũng như Uber “có sự kiểm soát nào đó về chất lượng của các phương tiện, các tài xế và hành vi của họ”. Hơn nữa, trong một số trường hợp Uber có thể “loại bỏ tài xế.”
ECJ cho rằng dịch vụ trung gian của Uber phải được xem như là “một phần không thể tách rời của một dịch vụ tổng thể mà thành phần chính trong đó là dịch vụ vận tải”. Từ phân tích trên, ECJ cho rằng dịch vụ của Uber cần được phân loại vào “dịch vụ trong lĩnh vực vận tải”, chứ không phải là dịch vụ tin học hoặc dịch vụ kết nối.
Phán quyết này dường như là văn bản pháp lý quan trọng chấm dứt cuộc tranh luận về bản chất dịch vụ của Uber. Phán quyết này của ECJ sẽ là cơ sở pháp lý để Tòa Án Tây Ban Nha tiếp tục vụ kiện giữa Elite Taxi và Uber Systems Tây Ban Nha theo luật pháp của Tây Ban Nha. Và chúng ta có thể dự liệu rằng, khi được coi là dịch vụ vận tải (dịch vụ taxi), Uber Systems Tây Ban Nha sẽ phải đáp ứng các yêu cầu của pháp luật Tây Ban Nha áp dụng cho dịch vụ vận tải (dịch vụ taxi).
Và ảnh hưởng đến Việt Nam?
Tại Việt Nam, có nhiều công ty đang hoạt động theo mô hình Uber Tây Ban Nha như Uber Việt Nam, Grab. Tuy nhiên, hiện nay vẫn có sự lúng túng trong việc xác định dịch vụ mà Uber Việt Nam hoặc Grab đang cung cấp là dịch vụ kết nối hay dịch vụ vận tải (dịch vụ taxi). Nói khác đi, bối cảnh và vấn đề pháp lý đang tranh luận tại Việt Nam cũng tương tự như bối cảnh và nội dung vụ kiện giữa Elite Taxi và Uber Tây Ban Nha. Chính vì vậy, việc phân tích và nghiên cứu phán quyết của EJC giúp các bên liên quan và cơ quan quản lý nhà nước có một nguồn tư liệu tham khảo quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về hoạt động kinh doanh này.