GV Lawyers xin giới thiệu một bài viết của Luật sư Lê Quang Vy và Trợ lý pháp luật Võ Trần Hoàng Sa có tiêu đề: “Người có ý tưởng sáng tạo và người chấp bút – Ai là tác giả?” được đăng trên Tạp chí Luật sư Việt Nam ngày 15/4/2021.
***
(LSVN) – Vụ việc tranh chấp bản quyền tác giả giữa gia đình Nhà văn Hữu Mai và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên quan đến Bộ Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp do Nhà văn Hữu Mai chấp bút; hay nỗi bức xúc của Nhà văn Võ Diệu Thanh khi nhận viết hồi ký cho một nhân vật nổi tiếng… Đây là vấn đề tranh chấp bản quyền tác giả giữa người có ý tưởng sáng tạo và người chấp bút hiện đang xảy ra trong đời sống xã hội. Vậy, luật pháp quy định như thế nào về tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả?
Cũng như các nước, Luật Sở hữu Trí tuệ năm 2005, sửa đổi 2009, 2019 của Việt Nam (Luật SHTT) minh thị quyền tác giả chỉ phát sinh khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định (Điều 6, Luật SHTT). Điều này có nghĩa nếu một người nghĩ ra ý tưởng, nhưng ý tưởng đó chưa được thể hiện bằng một hình thức vật chất, như: bài viết, bản ghi âm, ghi hình… thì tác phẩm chưa được hình thành, và vì thế chưa được luật pháp bảo hộ. Nói khác đi, luật bản quyền không bảo hộ tác phẩm khi chỉ là một sự sáng tạo trong ý tưởng, mà luật pháp chỉ bảo hộ khi sự sáng tạo trong ý tưởng được thể hiện bằng một hình thức vật chất nhất định.
Sự khác nhau giữa tác giả, đồng tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả
Chúng ta biết rằng, chủ thể của mọi quyền lợi bao giờ cũng có hai đối tượng đó là thể nhân (con người của tự nhiên, là sản phẩm của tạo hóa) và pháp nhân (con người do pháp luật sinh ra). Vì thế, chủ thể quyền sở hữu quyền tác giả có thể là thể nhân hoặc là pháp nhân. Song, khi nói đến tác giả thì không thể là pháp nhân mà chỉ có thể là thể nhân. Bởi, chỉ có thể nhân mới là người trực tiếp sáng tạo nên tác phẩm.
Theo đó, khoản 1 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP về hướng dẫn Luật SHTT năm 2005, sửa đổi năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định 22/2018/NĐ-CP) quy định: “Tác giả là người trực tiếp sáng tạo ra một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học”.
Điều 6 Luật Bản quyền Liên Bang Thụy Sĩ đưa ra khái niệm “Tác giả là thể nhân sáng tạo nên tác phẩm”. Về mặt pháp lý, có lẽ chúng ta nên sử dụng thuật ngữ “là thể nhân/cá nhân sáng tạo” chính xác hơn “là người sáng tạo”, bởi như đã nêu trên, pháp nhân là con người do pháp luật sinh ra, vì thế nếu dùng “người sáng tạo” thì một mặt nào đó sẽ có thể bị hiểu là pháp nhân sáng tạo, trong khi đó pháp nhân không phải là con người tự nhiên thì không thể sáng tạo được.
Nói tóm lại, chỉ những cá nhân bằng lao động của mình, trực tiếp sáng tạo một phần hoặc toàn bộ tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học thể hiện dưới dạng vật chất nhất định mới là tác giả của tác phẩm, được luật pháp bảo hộ. Tác phẩm được xem là đồng tác giả khi có nhiều tác giả cùng sử dụng thời gian, tài chính, cơ sở vật chất của mình để cùng sáng tạo ra tác phẩm đó.
Luật SHTT cũng minh thị các trường hợp tác giả đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả và tác giả không đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả. Theo đó, cá nhân sử dụng vốn thời gian, tài chính và các điều kiện vật chất khác của mình trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm thì cá nhân đó vừa là tác giả, đồng thời là chủ sở hữu quyền tác giả (Điều 37 Luật SHTT). Trong trường hợp này, tác giả có quyền sở hữu toàn bộ các quyền nhân thân và quyền tài sản đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra. Đối với tác phẩm có đồng tác giả thì các đồng tác giả cũng đồng thời là đồng chủ sở hữu quyền tác giả. Luật pháp cũng dự liệu trong trường hợp các đồng tác giả có phần sáng tạo riêng, có thể tách ra để sử dụng độc lập mà không gây phương hại tới phần của các đồng tác giả khác, thì có quyền sở hữu toàn bộ quyền nhân thân và quyền tài sản đối với phần sáng tạo độc lập đó (Điều 38 Luật SHTT). Trường hợp tác giả chỉ là người sáng tạo ra tác phẩm theo nhiệm vụ được giao hoặc theo hợp đồng sáng tạo (tác giả làm thuê), thì tác giả chỉ có quyền nhân thân, còn quyền tài sản sẽ thuộc về cá nhân hay tổ chức giao việc hoặc có giao kết hợp đồng với tác giả.
Như vậy, tổ chức giao nhiệm vụ hoặc tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng với tác giả sáng tạo tác phẩm sẽ là chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm (Điều 39 Luật SHTT). Ngoài ra, Luật SHTT cũng có quy định các trường hợp chủ sở hữu quyền tác giả là người thừa kế, là người được chuyển giao quyền hay trong trường hợp nào thì chủ sở hữu quyền tác giả là Nhà nước.
Người chấp bút có phải là tác giả hoặc đồng tác giả?
Người chấp bút, trong tiếng Anh được gọi là “ghostwriter” và được định nghĩa là “a person who writes a book, etc. for another person, under whose name it is then published”[1]; có nghĩa là “người viết một cuốn sách cho một người khác và sẽ xuất bản theo tên của người đã thuê họ viết ra cuốn sách đó”. Khoản 3 Điều 6 Nghị định 22/2018/NĐ-CP quy định: “Người hỗ trợ, góp ý kiến hoặc cung cấp tư liệu cho người khác sáng tạo ra tác phẩm không được công nhận là tác giả hoặc đồng tác giả”. Như vậy, dưới nhãn quan pháp lý, nếu người chấp bút hay người đánh máy chỉ thực hiện công việc hỗ trợ cho tác giả sáng tạo trong việc tạo ra tác phẩm sẽ không được xem là tác giả hay đồng tác giả. Một cách rõ ràng, người chấp bút chỉ là người thực hiện ý tưởng của tác giả sáng tạo ra tác phẩm bởi một hình thức vật chất nhất định. Do đó, người chấp bút không phải là người sáng tạo ra tác phẩm nên không được xem là tác giả.
Luật bản quyền của một số nước trên thế giới cũng không thừa nhận vai trò của người chấp bút, hay người hỗ trợ sẽ có quyền tác giả đối với tác phẩm khi thực hiện các công việc hỗ trợ để thể hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả (như công việc đánh máy, tập hợp tư liệu,…).
Tại Hoa Kỳ, khi bàn về vấn đề bản quyền của người chấp bút, người chấp bút sẽ không có quyền đối với tác phẩm sau khi đã nhận đầy đủ khoản tiền thanh toán từ tác giả cho công việc hỗ trợ đó. Quyền sở hữu đối với bản quyền tác phẩm sẽ thuộc về bên đặt hàng, và người chấp bút sẽ không có quyền tác giả hoặc quyền sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm[2]. Tuy nhiên, các tranh chấp về bản quyền sẽ xảy ra khi hợp đồng hoặc thỏa thuận giữa các bên không có điều khoản quy định rõ ràng về vai trò của người chấp bút trong mối quan hệ với tác giả. Ngoài ra, tại Thụy Sỹ, yếu tố “đồng sáng tạo” cũng là bắt buộc để phân định vai trò của “đồng tác giả” đối với tác phẩm, theo đó, khái niệm đồng tác giả cũng chỉ đặt ra đối với những người cùng đóng góp vào việc sáng tạo nên tác phẩm và quyền tác giả chỉ thuộc về những người này mà không dành cho các đối tượng hỗ trợ khác (như người chấp bút) với vai trò không đóng góp vào sự sáng tạo đối với tác phẩm đó[3].
Một vụ tranh chấp về bản quyền giữa tác giả và người chấp bút khá nổi tiếng tại Pháp được biết đến là giữa Đại văn hào nổi tiếng của Pháp – Alexandre Dumas và người hỗ trợ ông trong việc chấp bút các tiểu thuyết nổi tiếng là ông Auguste Maquet. Theo đó, Auguste Maquet đã khởi kiện tại Tòa án để yêu cầu việc công nhận ông với tư cách đồng tác giả cùng với Alexandre Dumas đối với các cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mà ông đã hợp tác chấp bút cùng Alexandre Dumas, mặc dù tại hợp đồng hợp tác, Auguste Maquet đã thỏa thuận việc không ghi nhận công sức đóng góp trong việc sáng tạo nên các cuốn tiểu thuyết này. Kết quả, Tòa án đã xử chỉ có Alexandre Dumas – người thực sự có ý tưởng sáng tạo đối với tác phẩm mới có quyền tác giả đối với các cuốn tiểu thuyết này sau khi phải trả các chi phí đã thuê Auguste Maquet viết tiểu thuyết trong khoảng thời gian 11 năm[4].
Tuy nhiên, trong thực tiễn xét xử, không phải hiển nhiên 100% cơ quan giải quyết tranh chấp sẽ lựa chọn phương án giải quyết chỉ căn cứ vào quy định pháp luật, vì vốn dĩ, các điều khoản thỏa thuận giữa các bên trong mối quan hệ hợp tác này đóng vai trò quan trọng khi xem xét giải quyết tranh chấp. Do đó, các tác giả khi thuê người chấp bút hoặc người hỗ trợ thực hiện công việc liên quan, cần lưu ý xây dựng cơ sở rõ ràng trong hợp đồng hoặc thỏa thuận hợp tác để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của chính mình. Về cả pháp lý và thực tiễn, một hợp đồng với các quy định chặt chẽ và khẳng định rõ ràng vai trò hỗ trợ của người chấp bút để thể hiện ý tưởng sáng tạo của tác giả trong tác phẩm là cơ sở pháp lý cần thiết để các bên giải quyết tranh chấp khi xảy ra sau này.
Trở lại vụ việc của gia đình Nhà văn Hữu Mai và gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp liên quan đến Bộ Hồi ký của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, có thể khi các tác phẩm này ra đời, khi đó Việt Nam chưa có Luật SHTT hoặc nếu có thì giữa các bên không thiết lập hợp đồng một cách minh bạch. Luật SHTT của Việt Nam hiện hành tương đối rõ ràng, tiệm cận với luật pháp tiến bộ của nhiều nước trên thế giới. Thiết nghĩ, đây sẽ là cơ sở pháp lý để các bên cùng ngồi lại nhằm đạt được thỏa thuận chung. Bởi mục đích, ý nghĩa của Luật SHTT không chỉ tạo ra hành lang pháp lý bảo vệ cho các tác giả mà nó còn đảm bảo cân bằng được lợi ích giữa tác giả, người truyền bá và công chúng (người thụ hưởng), tạo điều kiện cho việc phổ biến tác phẩm hay nhằm giúp cho các sản phẩm tinh thần phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn.
[1] https://www.oxfordlearnersdictionaries.com/definition/english/ghostwriter?q=ghostwriter
[2] Theo chia sẻ của nhà văn Mỹ Lawrence Watt-Evants tại chuyên trang hồi đáp Quora
[3] Theo truy cập tại trang https://www.fedlex.admin.ch/eli/cc/1993/1798_1798_1798/en
[4] Theo thông tin được công bố tại trang của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới WIPO https://www.wipo.int/wipo_magazine/en/2008/05/article_0011.html