GV Lawyers xin giới thiệu bài viết về quan điểm của Luật sư Lê Quang Vy có tiêu đề: “Luật nào cho thu phí tác quyền âm nhạc TV trong khách sạn?” được đăng trên website infonet.vietnamnet.vn ngày 15/09/2017.
***
Đây là quan điểm của Luật sư Lê Quang Vy xung quanh thông tin Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi trong các khách sạn.
Hiệp hội khách sạn Đà Nẵng đang bức xúc khi VCPMC tiếp tục thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi sau khi dừng hơn 3 tháng, với tư cách là một luật sư cũng là một nhạc sĩ, quan điểm của anh về vấn đề này như thế nào?
Luật sư Lê Quang Vy: Qua thông tin báo chí, tôi được biết căn cứ pháp lý mà VCPMC yêu cầu các khách sạn trả phí là Điểm b và điểm đ Khoản 1 Điều 20 Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT), tức quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng và quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác.
Tôi cho rằng chúng ta cần phải xác định rõ các khách sạn có phải là đối tượng biểu diễn tác phẩm hay đối tượng truyền đạt như được quy định tại Điểm b và đ nói trên hay không?
(1) Khách sạn không thể là đối tượng biểu diễn mà đối tượng biểu diễn chỉ là những nghệ sĩ biểu diễn trực tiếp trên sân khấu ca nhạc hoặc biểu diễn gián tiếp bởi các bản ghi âm, ghi hình;
(2) Khách sạn cũng không phải là đối tượng truyền đạt vô tuyến mà đối tượng truyền đạt vô tuyến phải là các tổ chức phát sóng.
Trong trường hợp này các khách sạn chỉ là đối tượng mua đường truyền cơ sở hạ tầng phát sóng (không đồng nghĩa với chương trình phát sóng). Và hiện nay không có một điều khoản luật nào trong Luật SHTT buộc các đơn vị sử dụng cơ sở hạ tầng phát sóng phải có nghĩa vụ thanh toán bản quyền.
Nếu VCPMC thu phí các ti vi trong khách sạn thì chẳng khác nào sắp tới đây sẽ đến lượt các hãng taxi, vì thực tế các taxi đều có trang bị máy radio.
Tuy nhiên, nếu các khách sạn mua các sản phẩm bản ghi âm, ghi hình, các chương trình phát sóng để phát trong khách sạn của mình (dù là phát ở sảnh, ở phòng ngủ, hay trong w.c), thì khách sạn phải có nghĩa vụ trả phí bản quyền không những cho các nhạc sĩ, mà khách sạn còn phải có nghĩa vụ trả phí bản quyền liên quan cho các nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, các tổ chức chủ sở hữu chương trình phát sóng và các nghệ sĩ biểu diễn (Điều 33 Luật SHTT).
Trong khi các khách sạn cho rằng VCPMC cần xác định khách sạn có sử dụng âm nhạc qua tivi hay không thì mới được thu tiền thì nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC lại khẳng định: “Dù khách hàng có nghe hay không, khách sạn vẫn phải trả chúng tôi tiền. Họ có thể thắc mắc mức phí đắt hay rẻ. Chúng tôi hoàn toàn có thể nghiên cứu, điều chỉnh. Nếu họ dứt khoát không nộp tiền là phạm luật”. Điều này có đúng không thưa luật sư?
Luật sư Lê Quang Vy: Không có một điều luật nào lại quy định một cách bất công là buộc người không sử dụng phải trả tiền. VCPMC chỉ có quyền thu khi chứng minh được các khách sạn có sử dụng âm nhạc của các nhạc sĩ đã ủy quyền cho VCPMC theo đúng quy định pháp luật.
Với cách thu phí đồng giá 25.000 đồng mỗi ti vi một năm cho tất cả các khách sạn ba sao, bốn sao, theo luật sư có phù hợp?
Luật sư Lê Quang Vy: Khi chưa có quy định cụ thể của Chính phủ về việc này thì mức phí phải được thực hiện theo nguyên tắc sự thỏa thuận giữa các bên.
Cục Bản quyền từng khẳng định việc thu tiền sử dụng tác phẩm là đúng Luật Sở hữu Trí tuệ nhưng cần có lộ trình, việc VCPMC chưa hoàn thiện lộ trình chi tiết đã áp dụng thu phí trở lại có xác đáng hay không thưa luật sư?
Luật sư Lê Quang Vy: Như trên đã phân tích việc đúng luật hay không phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể.
Xin cảm ơn Luật sư!
Chiều 13/9, Hiệp hội Khách sạn Đà Nẵng tiến hành họp về vấn đề thu phí tác quyền âm nhạc qua tivi. Bà Dương Thị Thơ – Phó chủ tịch phụ trách Hiệp hội- cho biết họ thống nhất không nộp khoản phí này. “Trong tuần sau, chúng tôi sẽ làm văn bản kiến nghị gửi lên đơn vị chủ quản của Hiệp hội là Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng. Sở sẽ làm việc với Cục Bản quyền để giải quyết vấn đề này”.
Bà Thơ giải thích: “Trước hết, chúng tôi đã đóng tiền truyền hình cáp cho đài, bây giờ tiếp tục thu là phí chồng phí. Hơn nữa, tivi chỉ là một dịch vụ hỗ trợ, miễn phí đối với khách thuê, không có tác dụng tăng thêm giá trị phòng. Ngoài ra, thỏa thuận đóng tiền tác quyền dựa trên hợp đồng dân sự được xây dựng giữa các khách sạn và VCPMC. Hợp đồng dân sự chỉ có giá trị khi được sự đồng thuận của hai bên. Hiện tại, chúng tôi không nhất trí với phương án VCPMC đưa ra”.