Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Hồ Thị Trâm và Luật sư Lã Thị Bình An có tiêu đề: “Luật lệ chung chung, đòi nợ đậm màu sắc “xã hội đen” nở rộ” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 18/07/2019.
***
Có nợ thì có hoạt động đòi nợ và một khi đòi nợ đã trở thành một ngành, nghề kinh doanh thì tất yếu phải có khung pháp lý cho hoạt động. Thiếu luật hoặc có nhưng sơ sài là nguyên nhân làm cho kiểu đòi nợ đậm màu sắc “xã hội đen” nở rộ.
ĐÒI NỢ CŨNG PHẢI THEO LUẬT
Ở Việt Nam, tính đến nay chỉ có hai văn bản pháp luật về lĩnh vực này, bao gồm Nghị định 104/2007/ NĐ-CP ngày 14/6/2007 (Nghị định 104) và Thông tư 110/2007/TT-BTC ngày 12/9/2007 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 104. Nghị định 104 tập trung nhiều vào việc đặt ra các quy định về điều kiện cho sự ra đời của các doanh nghiệp thu hồi nợ như điều kiện về người quản lý, vốn pháp định hay người lao động của doanh nghiệp. Còn các chuẩn mực trong hành vi đòi nợ, thì Nghị định 104 không nêu chi tiết, trừ một số quy định chung chung như cấm các hoạt động, hành vi xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự, quyền tự do cá nhân, quyền tài sản và các quyền dân sự khác của người vay nợ.
Đây là một khoảng trống về pháp lý đầu tiên. Ngoài ra, Nghị định 104 không điều chỉnh các hoạt động đòi nợ tự phát do các chủ nợ tự thực hiện, không đăng ký kinh doanh như một dịch vụ thường xuyên. Một khoảng trống pháp lý tiếp theo! Vì vậy, sẽ không ngạc nhiên trước thực trạng đòi nợ “kiểu xã hội đen” của chủ nợ hoặc công ty thu hồi nợ, thậm chí là các nhóm đòi nợ thuê không chính thức. Họ gọi điện liên tục ngày đêm cho người vay nợ, gây áp lực, làm đảo lộn cuộc sống của người vay nợ và gia đình của người vay nợ, quấy nhiễu công việc kinh doanh, làm việc của người vay nợ… Ở chiều ngược lại, không ít người đi thu hồi nợ bị người vay nợ đánh đập, tố cáo ra công an hoặc thậm chí đi tù vì có hành vi trái pháp luật khi đòi nợ. Rõ ràng tình trạng trống vắng về luật gây rủi ro cả người vay nợ và chủ nợ, gây mất an ninh trật tự trong xã hội.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ THU NỢ HỢP PHÁP?
Trong bối cảnh hỗn loạn của việc đòi nợ, một câu hỏi quan trọng là: Thế nào là việc đòi nợ hợp pháp? Luật Việt Nam chưa có câu trả lời rõ ràng cho việc này. Vậy nên việc nhìn ra các nước bên ngoài xem cách thức đối xử của luật pháp các nước với hoạt động đòi nợ có thể giúp chúng ta tham khảo và học hỏi được nhiều kinh nghiệm hữu ích.
Tại Mỹ, Đạo luật Thu hồi nợ Công bằng[1] (Fair Debt Collection Practices Act) quy định cụ thể các hành vi mà các đơn vị thu hồi nợ không được phép thực hiện, chẳng hạn như đơn vị thu hồi nợ không được liên lạc với người vay nợ vào những thời điểm bất tiện cho người vay nợ, cụ thể là trước 8 giờ sáng hoặc sau 9 giờ tối, trừ khi người vay nợ và bên thu hồi nợ có thỏa thuận trước. Đơn vị thu hồi nợ không được gọi điện đến nơi làm việc của người vay nếu đơn vị thu hồi nợ biết được hoặc có căn cứ để biết người vay nợ cấm việc này. Ngoài ra, các hành vi bị cấm, bao gồm như đe dọa sử dụng vũ lực hoặc các hành vi gây hại đối với thân thể, danh dự hoặc tài sản của người khác, thậm chí hành vi gọi điện liên tục để làm phiền, sỉ nhục, chửi rủa khách nợ để đòi nợ cũng là hành vi bị cấm. Nếu vi phạm, một người đòi nợ có thể bị kiện tại tòa án tiểu bang hoặc liên bang để yêu cầu khoản bồi thường lớn.
Tham khảo phần V của Đạo Luật Công Lý Hành Chính của Vương quốc Anh,[2] luật của Anh cũng quy định các hành vi thu hồi nợ bị cấm như quấy rối, đe dọa người vay nợ hay gia đình của người vay nợ.
Tại Anh, hiện nay, các đơn vị thu hồi nợ được đặt dưới sự quản lý của Cơ quan Kiểm soát Tài chính (Financial Conduct Authority gọi tắt là FCA). FCA theo đó giám sát việc thực thi đạo luật Thương mại Công Bằng 1973 (Fair Trading Act 1973, gọi tắt là FTA) của các đơn vị tài chính trong đó có hoạt động thu hồi nợ. FTA quy định các hành vi mà các đơn vị thu hồi nợ không được thực hiện trong dịch vụ thu hồi nợ, như việc liên hệ với người vay nợ tại nơi làm việc của người vay mà chưa được sự cho phép của họ hay liên hệ với người vay trong thời điểm trước 8 giờ sáng hoặc sau 9 giờ tối trong các ngày làm việc hay liên hệ với người vay nợ qua mạng xã hội…
Singapore có cách tổ chức thu hồi nợ khác, theo đó, Singapore cho lập Liên đoàn Thu hồi tín dụng (The Credit Collection Association of Singapore – CCAS), hoạt động với tư cách cơ quan quản lý các tổ chức tài chính, trong đó có hoạt động thu hồi nợ. Các thành viên theo đó phải tuân thủ bộ quy tắc ứng xử (Code Practice) áp dụng cho tất cả các thành viên hoạt động tài chính và thu hồi công nợ nhằm đảm bảo hoạt động thu hồi nợ một cách chuyên nghiệp.
CCAS không cho phép các đơn vị tài chính thực hiện các hành vi quấy rối với người vay nợ. Trong bộ quy tắc ứng xử, Singapore quy định nguyên tắc cụ thể làm tiêu chuẩn hành vi trong các hoạt động thu hồi nợ: (i) tìm kiếm thu thập thông tin về người vay nợ; (ii) giao tiếp trong thu hồi nợ, (iii) gặp gỡ người vay nợ (iv) hòa giải và tranh tụng, (v) thu hồi nợ nước ngoài, (vi) thu hồi nợ thương mại. Trong các tiến trình thu nợ đó, Singapore quy định chi tiết các hành vi mà các đơn vị thu hồi nợ không được sử dụng, như tại giai đoạn tìm kiếm thông tin về người vay nợ, tổ chức thu hồi nợ không được yêu cầu hàng xóm của người vay nợ chuyển yêu cầu đòi nợ đến cho người vay nợ như là một cách tạo áp lực tinh thần để thu hồi nợ. Đối với việc gọi điện thoại cho người vay nợ, các đơn vị thu hồi nợ không được hù dọa sẽ kiện tụng hay mở thủ tục phá sản đối với người vay nợ, trừ khi có ý định thực sự về việc khởi kiện hoặc yêu cầu mở thủ tục phá sản. Việc gặp gỡ phải được hẹn trước và vào thời gian thuận tiện cho người vay nợ và phải luôn luôn thực hiện với thái độ lịch sự và tôn trọng người vay nợ.
KINH NGHIỆM CHO VIỆT NAM
Qua tham khảo quy định về hoạt động thu hồi công nợ của một số nước như trên, cho thấy các nước đó quy định khắt khe và khá chi tiết trong luật hoặc ban hành bộ quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động thu hồi nợ nhằm tạo cho dịch vụ thu hồi nợ mang tính quy củ và chuyên nghiệp. Tất nhiên, cũng phải nhìn nhận rằng, các nước phát triển có hệ thống pháp luật đồng bộ và đủ mạnh để các hoạt động thu nợ được diễn ra hợp pháp và đổi lại, người vay nợ cũng khó có cách thức để quỵt nợ.
Để hoạt động thu hồi nợ trở nên chuyên nghiệp và hợp pháp, Việt Nam nên tham khảo cách tiếp cận của các nước trong việc ban hành các quy định rõ ràng về chuẩn mực hành vi thu nợ hoặc ban hành các quy tắc đạo đức và ứng xử trong hoạt động dịch vụ thu hồi nợ. Đây là điều nên cân nhắc trong quá trình sửa đổi, bổ sung Nghị định 104 hiện do Bộ Tài chính chủ trì.
[1] https://www.ftc.gov/enforcement/rules/rulemaking-regulatory-reform-proceedings/fair-debt-collection-practices-act-text
[2] https://www.handbook.fca.org.uk/handbook/CONC/7/?view=chapter