GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng & Luật sư Ngô Nhật Minh có tiêu đề: “Kinh doanh cần lý lịch?” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 19/12/2013.
***
Hai câu chuyện, một câu hỏi
Có ông dược sỹ cao tuổi tâm sự với chúng tôi chuyện khởi nghiệp của ông những năm 1993, đáng nhớ nhất là chuyện thành lập công ty sản xuất dược phẩm. Ông không thể quên được cái cảnh chạy đôn chạy đáo xin đủ thứ giấy tờ để thành lập công ty theo luật cũ (Luật Công ty 1990). Ngoài việc phải chuẩn bị hồ sơ giải trình về sơ đồ tổ chức, bộ máy làm việc, nhà xưởng,.. ông còn phải năn nỉ giám đốc bệnh viện để có cái xác nhận chưa bị kỷ luật, rồi đi khám sức khỏe để chứng minh còn đủ sức khỏe, xin lý lịch tư pháp không có tiền án, tiền sự.
“Bực nhất là cơ quan cấp phép hoạnh họe là lý lịch tư pháp của tôi không có thông tin gì về những tranh chấp dân sự cả[1]. Mà làm sao lý lịch tư pháp có thông tin về tranh chấp dân sự được?” Đến như ông, để lập được công ty này, ông phải “mang cả dòng họ” ra để cam kết là không có tranh chấp dân sự nào ảnh hưởng đến công ty. “Đến bây giờ tôi cũng chả hiểu họ bắt tôi nộp lý lịch tư pháp để làm gì. Kinh doanh cũng cần lý lịch sao?”
Chúng tôi vô tình bắt gặp lại sự ngạc nhiên pha lẫn bực dọc tương tự trong cuộc trao đổi với một khách hàng Malaysia sau đó. Ông đang định mua lại 80% phần vốn góp trong một công ty dệt may trong nước. Khi biết rằng ông phải nộp lý lịch tư pháp khi đăng ký việc nhận chuyển nhượng vốn với cơ quan nhà nước Việt Nam, ông không kìm được câu hỏi. “Ở Việt Nam, người ta chọn nhà đầu tư qua lí lịch sao?”
Hai doanh nhân, một Việt Nam, một nước ngoài nhưng đều có chung một câu hỏi. Vậy thì câu hỏi này rất đáng xem xét.
Chọn nhà đầu tư qua lí lịch?
Hiện nay, việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong doanh nghiệp Việt Nam được thực hiện theo quy định của Thông tư số 131/2010/TT-BTC ngày 06 tháng 9 năm 2010 (“Thông Tư 131”). Theo đó, đúng thật là nhà đầu tư cá nhân nước ngoài phải có lý lịch tư pháp khi tham gia góp vốn, mua cổ phần trong doanh nghiệp Việt Nam. Cần mở ngoặc rằng lý lịch tư pháp (Criminal records) là văn bản cho cơ quan nhà nước cấp cho cá nhân nhằm xác định họ có từng bị kết án hình sự hoặc bị điều tra hình sự (thường gọi là có tiền án, tiền sự) hay chưa.
Có rất nhiều vấn đề cần làm rõ xung quanh yêu cầu về lý lịch tư pháp của nhà đầu tư nước ngoài trong Thông tư 131.
Thứ nhất, nội dung yêu cầu là chưa rõ ràng. Thông tư không nêu rõ lý lịch tư pháp cần phải như thế nào, tức là, chỉ cần nộp lí lịch tư pháp thôi hay phải là lý lịch tư pháp “sạch” – tức là không có tiền án, tiền sự?
Thứ hai, mục yêu cầu là chưa rõ ràng. Nhà nước Việt Nam cần biết lịch sử của nhà đầu tư để làm gì? Phải chăng muốn dùng lý lịch tư pháp để sàng lọc nhà đầu tư và chỉ chào đón nhà đầu tư có lý lịch “trong sạch” còn từ chối những nhà đầu tư “có vấn đề” về lý lịch? Lưu ý là Thông tư 131 không nói rõ là cơ quan nhà nước Việt Nam sẽ có quyền từ chối hay và qua đó có quyền chấp thuận hay từ chối việc mua vốn của nhà đầu tư. Việc trao quyền cho cơ quan hành chính phê chuẩn hay từ chối một giao dịch chuyển nhượng vốn giữa các bên tư nhân như vậy liệu có tạo cơ hội cho sự lạm quyền của cơ quan nhà nước không?
Thứ ba, lý lịch tư pháp thường chỉ áp dụng cho nhà đầu tư cá nhân, nghĩa là nhà đầu tư là doanh nghiệp sẽ không thể cung cấp lý lịch tư pháp. Do vậy, nếu dùng lý lịch tư pháp để từ chối đầu tư của nhà đầu tư cá nhân, sẽ có thể bị coi là phân biệt đối xử giữa nhà đầu tư cá nhân và nhà đầu tư là doanh nghiệp, nhất là khi cả hai đều có cùng quốc tịch.
Thứ tư, nếu lý lịch tư pháp là để sang lọc nhà đầu tư, vậy việc sàng lọc này có hiệu quả không? Theo chúng tôi thì cách thức sàng lọc này không hiệu quả vì một nhà đầu tư “không trong sạch” sẽ dễ dàng thoát khỏi ràng buộc này khi đầu tư vào Việt Nam thông qua công ty mà họ thành lập ở nước ngoài.
Tiếp đến, cần phải tự hỏi là “chúng ta cần gì từ các nhà đầu tư?”. Thành thật mà nói, chúng ta cần những nhà đầu tư có kinh nghiệm, tiềm lực tài chính hay là những nhà đầu tư có lý lịch “sạch sẽ”?
Ngoài ra, nếu quy định lý lịch tư pháp để hạn chế những người nước ngoài có tiền án, tiền sự thì sẽ gây thắc mắc về vai trò của cơ quan đăng ký kinh doanh. Chức năng quản lý này thuộc về cơ quan an ninh, công an, quản lý xuất nhập cảnh chứ đâu phải là việc của cơ quan đăng ký kinh doanh.
Theo chúng tôi, luật hình sự của mỗi nước khác nhau, do vậy, tính chất của án tích nếu có trong lí lịch tư pháp cũng khác các án tích theo luật Việt Nam. Một người say rượu lái xe có thể bị kết án tù một vài ngày là chuyện phổ biến ở các nước. Nhưng đấy có thể là lý do hợp lý để chúng ta xét nét tư cách của nhà đầu tư và nhất là dùng nó để từ chối việc kinh doanh của họ tại Việt Nam không? Chúng tôi cố gắng đi tìm mối liên hệ giữa lý lịch tư pháp – lịch sử hình sự của một cá nhân – và việc đầu tư và kinh doanh của họ nhưng khó mà tìm được mối liên hệ hoặc hợp lý nào giữa hai vấn đề này.
Bài học lịch sử
Lịch sử đã chứng minh việc xét nét doanh nhân và doanh nghiệp qua nhân thân và lý lịch đã không giúp phát triển số lượng doanh nghiệp và cũng không giúp việc quản lý kinh tế tốt hơn. Luật Công ty 1990 và Luật doanh nghiệp tư nhân 1990, với rất nhiều yêu cầu về cá nhân chủ doanh nghiệp, đã không tạo ra sự đột phá về kinh tế. Luật Doanh nghiệp 1999 đã không còn coi “án tích” là một yếu tố để hạn chế quyền góp vốn, mua vốn, thành lập doanh nghiệp. Cùng với một tư duy thông thoáng và tự do, Luật Doanh nghiệp đã tạo điều kiện cho hàng trăm ngàn doanh nghiệp thanh lập và qua đó góp phần cho một giai đoạt phát triển kinh tế mạnh mẽ.
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay và sự cạnh tranh ghê gớm từ các nước trong khu vực để thu hút đầu tư, nhà đầu tư nào muốn gắn bó với Việt Nam đều rất quý. Trong bối cảnh đó, chúng ta nên có cái nhìn rộng mở hơn là duy trì một tư duy đã lỗi thời.
Chúng tôi cho rằng việc sử dụng thông tin trong lý lịch tư pháp từ nước ngoài làm cơ sở chấp nhận hay từ chối nhà đầu tư chưa phải là một cách tiếp cận hay. Do đó, Thông tư 131 sử dụng lý lịch tư pháp là một điều kiện cho việc góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư cá nhân có vẻ không hợp lý và không mang tính thực và cần phải bị nhanh chóng bãi bỏ.
[1] Điều 3 thông tư 04/BYT-TT ngày 27/03/1992 của Bộ Y Tế quy định tiêu chuẩn của giám đốc công ty được phải “không bị kỷ luật hành nghề hoặc có tiền án về dân sự, hình sự” và “có đủ sức khoẻ”.