DSC01846

Khách sạn không phải trả phí tác quyền cho tivi

GV Lawyers giới thiệu bài viết của Luật sư Lê Quang Vy với tiêu đề “Khách sạn không phải trả phí tác quyền cho tivi”, được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 1/6/2017, số 22 – 2017 (1.381)

***

Cơ sở pháp lý để giải thích về vấn đề trả phí tác quyền cho tivi

Những ngày gần đây, “cuộc chiến” trả phí tác quyền đối với các tác phẩm âm nhạc trên tivi giữa một bên là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) và một bên là các chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn đã trở nên “nóng bỏng” trên các mặt báo cũng như các trang mạng xã hội. Phía VCPMC cho rằng các khách sạn phải trả phí bản quyền âm nhạc với mức phí 25.000/1 tivi/năm đang được sử dụng phát sóng các chương trình ca nhạc ở các khách sạn .

Việc thu này được VCPMC dẫn chiếu theo điểm b khoản 1 điều 20 Luật Sở hữu Trí tuệ (SHTT) và khoản 1 điều 23 Nghị định 100/2006/NĐ-CP (NĐ100) về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả. Tuy nhiên, cơ sở pháp lý này của VCPMC đã gây ra nhiều tranh cãi khiến Cục Bản quyền phải vào cuộc và yêu cầu VCPMC tạm dừng thu khoản phí tác quyền cho ti vi này.

Khách sạn có phải là đối tượng biểu diễn tác phẩm trước công chúng?

Một cách thông thường ai cũng hiểu “biểu diễn” nghĩa là trình tấu một tác phẩm nghệ thuật, hay nói cách khác là trình diễn một tác phẩm thông qua hành động diễn xuất như hát, múa, đàn… Luật SHTT quy định quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng là một quyền độc quyền của chủ sở hữu quyền tác giả. Theo đó, chỉ duy nhất chủ sở hữu quyền tác giả có quyền biểu diễn tác phẩm của mình hoặc cho phép người khác biểu diễn tác phẩm của mình trước công chúng, hoặc trực tiếp như biểu diễn tại sân khấu, hoặc gián tiếp như ghi âm, ghi hình hay bằng một phương tiện kỹ thuật khác mà công chúng có thể tiếp cận được.

Thực tế thì những bản ghi âm, ghi hình chỉ đơn thuần là chứa các tác phẩm âm nhạc trong khi đó các chương trình phát sóng/kênh thường chứa nhiều nội dung khác. Trong đó bao gồm có quảng cáo, nhận tài trợ hoặc không có quảng cáo, tài trợ để tạo thành một chương trình phát sóng riêng biệt và có kết cấu nội dung, biên tập và đạo diễn. Chưa kể đến người mua bản ghi âm, ghi hình đều có thể chủ động sử dụng các bản này, trong khi đó những người mua dịch vụ các chương trình phát sóng thì hoàn toàn thụ động tiếp nhận.

Như vậy người nghệ sĩ khi muốn trình diễn tác phẩm phải được sự cho phép của chủ sở hữu quyền tác giả, hoặc các hãng sản xuất băng đĩa hay tổ chức phát sóng muốn sản xuất chương trình nghệ thuật thì họ cũng phải được sự cho phép và phải trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả. Điều này cho thấy chỉ có người nghệ sĩ hoặc các nhà sản xuất chương trình mới chính là đối tượng biểu diễn tác phẩm nghệ thuật trước công chúng một cách trực tiếp hoặc gián tiếp. Khách sạn không phải là người nghệ sĩ biểu diễn và cũng không là nhà sản xuất chương trình, vì vậy, việc VCPMC dẫn chiếu Điều 20.1.b Luật SHTT và điều 23 NĐ100 về quyền biểu diễn tác phẩm trước công chúng của chủ sở hữu quyền tác giả để buộc các chủ khách sạn phải trả phí bản quyền cho khoản này là sai đối tượng. Việc này đã dẫn đến sự phản ứng của các chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn là điều đương nhiên.

Luật SHTT cũng đã liệt kê các đối tượng quyền liên quan trong đó bản ghi âm, ghi hình và chương trình phát sóng là các đối tượng quyền liên quan tách biệt và độc lập nhau. Luật này cũng đã phân biệt rõ đối tượng bảo hộ quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình là nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình. Trong khi đó tổ chức phát sóng được bảo hộ quyền liên quan đối với chương trình phát sóng. Đồng thời Luật SHTT cũng tách biệt rõ quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình và quyền của tổ chức phát sóng.

Luật đất đai

Cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng có phải là chương trình phát sóng?

Giả sử nếu VCPMC thu tiền bản quyền các ti vi trong khách sạn, vậy đối tượng được nhắm đến kế tiếp sẽ là các hãng kinh doanh taxi. Bởi tương tự như ti vi trong khách sạn, lần này VCPMC cũng sẽ đưa ra lập luận, vì trên mỗi chiếc taxi đều có radio phát chương trình ca nhạc do đó cũng phải thu phí bản quyền các doanh nghiệp kinh doanh taxi tương tự như các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn (?!).

Chúng ta biết rằng các tổ chức phát sóng (đài phát thanh, đài Truyền hình) khi muốn sản xuất chương trình phát sóng, đương nhiên tổ chức phát sóng đó phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền đối với các chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định tại Điểm 2 Khoản 8 Điều 1 Nghị định 85/2011/NĐ-CP v/v sửa đổi bổ sung một số điều NĐ100. Và để chương trình phát sóng được phong phú, đa dạng, các tổ chức phát sóng thường sản xuất rất nhiều chương trình phát sóng khác nhau như chương trình ca nhạc, chương trình thể thao, chương trình khoa học, chương trình thời sự… Tổ chức phát sóng chính là chủ sở hữu quyền tác giả hoặc quyền liên quan đối với các chương trình phát sóng do mình sáng tạo hoặc sản xuất. Theo đó, tổ chức phát sóng có độc quyền thực hiện hoặc cho người khác thực hiện các quyền phát sóng, tái phát sóng, phân phối đến công chúng, định hình chương trình phát sóng, sao chép bản định hình chương trình phát sóng. Ngoài ra khi các chương trình phát sóng được ghi âm, ghi hình để phấn phối đến công chúng thì tổ chức phát sóng còn được hưởng quyền lợi vật chất (điều 31 Luật SHTT).

Theo điều 33 Luật SHTT và điều 35 NĐ100, các tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng, hoặc dùng trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép nhưng phải trả thù lao cho các chủ sở hữu quyền tác giả và chủ sở hữu quyền liên quan. Như vậy, các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn chỉ phải thực hiện nghĩa vụ tác quyền (bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan) trong trường hợp: (i) mua các băng đĩa ghi âm, ghi hình ca nhạc để phát trong hệ thống khách sạn của mình, và (ii) các chủ doanh nghiệp kinh doanh khách sạn trực tiếp thỏa thuận với một hay nhiều tổ chức phát sóng, mua các chương trình phát sóng ca nhạc đã được định hình để phát trong khách sạn.

Hiện nay hầu hết các ti vi trong hệ thống khách sạn đều có mua các cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng khác nhau của các trung tâm dịch vụ truyền hình trả tiền. Theo đó, mỗi cơ sở hạ tầng truyền dẫn có nhiều gói kênh chương trình khác nhau và trên mỗi kênh lại có nhiều chương trình phát sóng khác nhau. Các chương trình phát sóng được phát trên ti vi đều là các chương trình đã có bản quyền tác giả và được các tổ chức phát sóng cho phép các trung tâm dịch vụ truyền hình trả tiền truyền dẫn đến công chúng. Ở đây cho thấy tất cả các khách sạn họ mua hạ tầng truyền dẫn phát sóng chứ họ không hề mua chương trình phát sóng âm nhạc riêng biệt để phát trên tivi trong hệ thống khách sạn của mình. Và do vậy, trường hợp này cũng không thể dẫn điều 33 Luật SHTT và điều 35 NĐ100 để buộc các khách sạn phải trả phí bản quyền.

Tổ chức phát sóng nên là người đứng ra làm trung tâm giải quyết xung đột lợi ích

Việc VPCMC đứng ra thu tiền phí tác quyền cho ti vi theo ủy thác của tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền tác giả,  nhà sản xuất bản ghi hình, ghi âm, đối với chương trình phát sóng là không vững chắc về cơ sở pháp luật và không phù hợp bởi vì chương trình phát sóng thuộc về tổ chức phát sóng.

Một lý do khác chính là dù mức phí 25.000 đồng/ti vi có thể không phải là quá lớn nhưng khi phía khách sạn đồng ý trả cũng sẽ đồng nghĩa với việc họ thừa nhận rằng VPCMC có quyền thu tác quyền đối với chương trình phát sóng và trong tương lai ai sẽ là người đảm bảo mức phí này sẽ không tăng trong khi đó chủ khách sạn vẫn phải trả tiền mua dịch vụ truyền hình trả tiền. Về khía cạnh kinh tế, việc chủ những khách sạn không đồng ý với việc thu 25.000 đồng/ti vi/phòng/năm cũng hoàn toàn có lý do chính đáng vì chủ khách sạn phải làm sao tính toán được có bao nhiêu giờ, có bao nhiêu tác phẩm đã được sử dụng để yêu cầu người thuê dịch vụ khách sạn trả số phí này cho khách sạn.

Trong trường hợp, việc áp dụng khiên cưỡng theo hướng để VPCMC thu tiền tác quyền ti vi tại khách sạn trên cơ sở pháp lý không rõ ràng thì có lẽ trong tương lai sẽ đến việc thu tác quyền trên các xe taxi, xe buýt có mở các chương trình phát thanh, có phát những tác phẩm âm nhạc. Và hậu quả là sẽ có một cuộc tranh cãi mới lại nổ ra tương tự như chuyện thu tác quyền trên ti vi hiện nay.

Khách sạn không phải trả phí tác quyền tiviTóm lại vấn đề “Khách sạn không phải trả phí tác quyền cho tivi”

photo 1495563125611 fa99f0cd529f 1

Tóm lại, Luật SHTT hiện hành không có bất kỳ điều khoản nào quy định các tổ chức, cá nhân khi sử dụng cơ sở hạ tầng truyền dẫn phát sóng phải thực thi nghĩa vụ trả tiền tác quyền tivi.

Việc xây dựng luật về quyền tác giả là để bảo vệ quyền lợi chính đáng các tác giả, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm phạm nhằm mục đích khuyến khích sự sáng tạo trong xã hội. Ngoài ra, cũng cần phải tạo ra hành lang pháp lý đảm bảo hài hòa, cân bằng được lợi ích của tác giả, người truyền bá và công chúng thụ hưởng nhằm thúc đẩy việc xây dựng và hoàn thiện trật tự xã hội trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, tạo điều kiện cho việc phổ biến tác phẩm hay, làm cho các sản phẩm tinh thần phục vụ xã hội ngày càng tốt hơn.

5/5 - (500 votes)
Scroll to Top