Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng và ông Lê An Hải có tiêu đề: “”Hồ sơ Panama” – Góc nhìn từ mục đích thành lập doanh nghiệp” được đăng trên Tạp chí Lao động Bình Dương ngày 22/5/2016.
***
Những ngày này, các thông tin về Hồ sơ Panama được báo chí thế giới cập nhật từng giờ, từng phút. Sau những ngỡ ngàng ban đầu về quy mô của vụ tiết lộ, những mảng tối của một thế giới kinh doanh khác dần lộ ra. Vậy “Hồ sơ Panama” là gì? Cái tên nghe có vẻ xa lạ với nhiều công nhân lao động, nhưng thực ra “Hồ sơ Panama” đơn giản chỉ là lượng tài liệu mật khổng lồ tiết lộ cách thức những người giàu có và quyền lực giấu tài sản của họ.
Cơn địa chấn mang tên “Hồ sơ Panama”
Hồ sơ Panama hé lộ những giao dịch kinh doanh khổng lồ trái chiều với tính minh bạch của chúng tại các lãnh thổ được gọi là “thiên đường (trốn) thuế”. Hồ sơ Panama đã thổi bùng những tranh cãi về các công ty bình phong (offshore company) cũng như việc sử dụng các công ty này trong thực tế kinh doanh quốc tế.
Tựu chung lại, có hai quan điểm chính về các công ty này. Quan điểm thứ nhất cho rằng việc sở hữu công ty bình phong là “bình thường” và công ty bình phong được thành lập theo đúng pháp luật tại các lãnh thổ nơi nó được cấp phép. Quan điểm thứ hai cáo buộc những tổ chức, cá nhân này trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào các giao dịch, hoạt động của các công ty bình phong nhằm trốn thuế, cất dấu tài sản, rửa tiền . . . Cả hai quan điểm đều ít nhiều hợp lý và dễ khiến chúng ta bối rối. Vậy về pháp lý, phải lý giải việc sử dụng các công ty như thế nào?
Gốc rễ của vấn đề: Mục đích thành lập công ty
Công ty, về pháp lý, là một công cụ để kinh doanh và được thành lập vì một mục đích nhất định. Mục đích thành lập công ty từ chủ sở hữu quyết định. Do vậy, mục đích thành lập công ty là rất quan trọng và luật công ty một số nước các nước bắt đầu điều chỉnh công ty ngay từ mục đích thành lập nó.
Công ty, với tư cách là một công cụ, có thể được sử dụng vì mục đích hợp pháp hoặc trái pháp luật. Luật đương nhiên không cho phép ai thành lập công ty vì mục đích trái pháp luật. Luật Công ty của Anh Quốc 2006 quy định “Một công ty có thể không được phép thành lập cho mục đích trái pháp luật – unlawfull purpose”. “Mục đích trái pháp luật” là rất rộng, bao gồm việc thành lập và hoạt động của công ty có đi ngược lại với các quy định pháp luật và các chuẩn mực đạo đức được thừa nhận rộng rãi. Việc thành lập một công ty sẽ được coi là phạm pháp nếu nó được sử dụng cho các mục đích đi ngược lại với lợi ích công hoặc vi phạm các tiêu chuẩn đạo đức, xét trong khoảng thời gian thành lập hoặc sau khi công ty này đã được cấp phép và đi vào hoạt động. Trong tình huống như vậy,Tòa án có thể tuyên bố hủy hiệu lực hoạt động của công ty (quash the incorporation) hoặc sau khi công ty này đã hoạt động, tòa án có đủ chứng cứ để kết luận rằng một công ty được thành lập cho mục đích trái pháp luật, tòa án có thể tuyên bố các cá nhân liên quan bị xử lý tùy theo nội dung vụ việc, còn công ty chấm dứt hoạt động.
Nếu đứng từ mục đích trái pháp luật nhìn ra, việc thành lập và sở hữu một công ty bình phong, tự nó, không trái pháp luật. Do vậy, nếu chỉ vì một ai đó sở hữu công ty bình phong mà kết luận họ vi phạm pháp luật là không ổn. Vế còn lại là phải xác định xem mục đích thành lập và hoạt động của các công ty bình phong đó. Đây sẽ là một việc làm phức tạp và khó khăn và do vậy, cuộc tranh luận vẫn sẽ cứ tiếp tục. Tuy nhiên, với các thiên đường trốn thuế như British Virgin Islands, Cayman, Bahamas, Panama . . . nơi mà phí thành lập công ty bình phong là một nguồn thu quan trọng cho các lãnh thổ này, chúng ta không kỳ vọng vào những tiêu chuẩn cao trong việc thành lập công ty như Luật Công ty của Anh Quốc.
Một gợi ý tốt cho việc hoàn thiện luật doanh nghiệp Việt Nam
Việt Nam công nhận quyền tự do kinh doanh của các cá nhân, tổ chức và việc thành lập công ty được tự do. Nhưng nếu ai đó sử dụng quyền tự do của mình để xâm phạm đến lợi ích của người khác hoặc thực thi mục đích trái pháp luật, lúc đó, luật phải can thiệp để tạo lập sự công bằng. Thế nên, sẽ cần thiết phải có một quy định mang tính định hướng trong Luật Doanh nghiệp để xử lý những trường hợp thành lập doanh nghiệp cho mục đích trái pháp luật. Tiếc là Luật Doanh Nghiệp 2014 không có một điều luật nào tương tự về mục đích thành lập doanh nghiệp; dù rằng, theo Điều 210 Luật Doanh Nghiệp 2014, cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm quy định của Luật Doanh nghiệp có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính, hoặc cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc phải bồi thường thiệt hại về mặt dân sự nếu gây ra thiệt hại.
Tuy nhiên, pháp luật hình sự chỉ giải quyết các hành vi vi phạm pháp luật hình sự còn công ty được sử dụng cho mục đích trái pháp luật thì sẽ xử lý thế nào? Liệu Công ty có bị thu hồi giấy phép không? Điều 211 của Luật Doanh Nghiệp quy định công ty có thể bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp nếu (i) nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo; (ii) Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp thành lập; (iii) Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế; (iv) Doanh nghiệp không gửi báo cáo cho Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản; và (v) Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án.
Trong các trường hợp vừa nêu, không có trường hợp nào minh thị việc doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do mục đích thành lập trái pháp luật. Nếu theo quy định trên, chỉ có thể có Tòa án, dựa theo lẽ công bằng và quyền hạn của mình, có thể phán quyết thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp khi phát hiện doanh nghiệp thành lập cho mục đích trái pháp luật. Cho đến bây giờ, chưa có phán quyết nào như thế.