GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng có tiêu đề: “Doanh nghiệp có cần phải đăng ký ngành nghề kinh doanh?” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 27/10/2011.
***
Những câu hỏi đơn giản nhưng không dễ trả lời
Một doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cung cấp dịch vụ lữ hành, doanh nghiệp này có thể thực hiện các hoạt động như đặt xe, đặt vé máy bay, đặt chỗ khách sạn, nhà nghỉ cho khách, mua vé tham quan các khu bảo tàng, di tích lịch sử, di sản văn hóa, nhà hát… cho khách hàng không?
Trong trường hợp khác, doanh nghiệp (không phải là công ty tài chính hoặc tổ chức tín dụng) muốn cho người lao động vay tiền để phục vụ nhu cầu cá nhân của người lao động, hợp đồng cho vay giữa người lao động và doanh nghiệp có hợp pháp không? Hoặc công ty mẹ muốn cho công ty con vay tiền để hoạt động có được không?
Hiện nay, nếu doanh nghiệp ký kết hợp đồng cho những hoạt động không nằm trong phạm vi ngành nghề đã đăng ký, hợp đồng sẽ bị tòa án tuyên là vô hiệu. Nếu vậy, hợp đồng cho vay giữa người lao động và doanh nghiệp hoặc hợp đồng vay giữa hai doanh nghiệp có thể không được tòa án thừa nhận. Lý do khá rõ ràng là doanh nghiệp cho vay không đăng ký ngành nghề “cho vay” trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, dù đó là nhu cầu của nhiều doanh nghiệp.
Chính việc bó hẹp hoạt động của doanh nghiệp trong phạm vi các ngành nghề kinh doanh do Nhà nước thống kệ và phải được ghi nhận trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đã hạn chế rất nhiều cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy, doanh nghiệp có nhất thiết phải đăng ký ngành nghề kinh doanh không?
Mục đích của doanh nghiệp
Để trả lời câu hỏi trên, có lẽ đến lúc chúng ta phải quay trở lại câu hỏi quan trọng: doanh nghiệp ra đời vì mục đích gì?
Bộ Luật Dân sự (BLDS) quy định pháp nhân (là các doanh nghiệp, trừ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) không được coi là pháp nhân) có các quyền, nghĩa vụ dân sự phù hợp với mục đích hoạt động của mình. Theo Luật Doanh nghiệp (LDN), doanh nghiệp được thành lập nhằm mục đích thực hiện hoạt động kinh doanh – tức là hoạt động vì mục đích sinh lợi. Như vậy, theo BLDS và LDN, mục đích cao nhất của doanh nghiệp là “nhằm mục đích sinh lợi”. Các hoạt động của doanh nghiệp sẽ xoay quanh mục đích cao nhất này còn ngành nghề kinh doanh chỉ là phương tiện cho doanh nghiệp thực hiện mục đích trên.
Áp dụng cách nhìn đó đối với câu hỏi đầu tiên, ai cũng ngầm hiểu rằng những hoạt động đặt xe, đặt vé máy bay, đặt chỗ khách sạn, mua vé tham quan các khu bảo tàng, di tích lịch sử, di sản văn hóa, nhà hát cho khách du lịch… là hoạt động được phép đối với một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, nhưng không ai vạch rõ được phạm vi ngành nghề dịch vụ lữ hành là gồm những hoạt động cụ thể nào. Rồi đến lúc khách hàng buộc doanh nghiệp lữ hành thuê máy bay, tàu ngầm hay tàu vũ trụ để phục vụ nhu cầu du lịch thì hợp đồng thuê máy bay, tàu ngầm hay tàu vũ trụ của công ty lữ hành có được pháp luật thừa nhận?
Về câu hỏi hợp đồng cho vay giữa người lao động và doanh nghiệp, doanh nghiệp muốn thông qua đó cung cấp một nguồn tài chính cho nhân viên để họ yên tâm làm việc và gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, cũng vì “mục đích sinh lợi” của doanh nghiệp. Nếu đứng từ góc độ đó, cần thừa nhận hợp đồng vay giữa hai doanh nghiệp khi việc cho vay cũng phục vụ mục đích lợi nhuận của cả hai bên. Ở đây chúng ta thấy một mâu thuẫn thú vị là luật pháp Việt Nam cho phép doanh nghiệp Việt Nam được vay vốn từ doanh nghiệp ở nước ngoài (bất kể ngành nghề của công ty nước ngoài ở nước sở tại là gì) nhưng lại không cho doanh nghiệp Việt Nam vay vốn của doanh nghiệp (không phải là công ty tài chính hoặc tổ chức tín dụng) trong nước.
Giải pháp khác
Như đã phân tích, ngành nghề kinh doanh chỉ là phương tiện cho doanh nghiệp thực hiện mục đích vì lợi nhuận. Việc cố gắng liệt kê ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp sẽ là việc làm ngày càng khó khăn và rắc rối hơn vì hoạt động kinh doanh sẽ ngày càng đa dạng hơn.
Mặc dù các BLDS và LDN đều thừa nhận, mục đích cuối cùng của doanh nghiệp là sinh lợi nhưng với việc buộc doanh nghiệp chỉ được kinh doanh trong ngành nghề đã đăng ký, dường như LDN đã tự mâu thuẫn và hạn chế quyền của doanh nghiệp.
Chúng ta có thể tìm ra giải pháp khác để cởi trói cho doanh nghiệp. Một trong những cách tiếp cận là không buộc doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh. Theo cách này cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/đăng ký doanh nghiệp xác nhận việc thành lập doanh nghiệp, còn doanh nghiệp tự quyết định ngành nghề kinh doanh của mình và ghi rõ mục tiêu hoạt động, cơ cấu tổ chức và điều hành doanh nghiệp và sẽ ghi nhận trong điều lệ của doanh nghiệp.
Chắc chắn sẽ có người đặt ra câu hỏi rằng: nếu không đăng ký ngành nghề kinh doanh, doanh nghiệp sẽ làm bất cứ cái gì, kể cả những ngành nghề trái pháp luật? Thực ra vấn đề không phải như vậy. Doanh nghiệp được tự do hoạt động nhưng luôn trong giới hạn luật định, và ngay trong LDN đã quy định nguyên tắc chung hoạt động của doanh nghiệp là không được gây phương hại đến quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục Việt Nam và sức khỏe của nhân dân, làm hủy hoại tài nguyên, phá hủy môi trường hay kinh doanh các ngành nghề kinh doanh mà pháp luật cấm (theo điều 7 LDN). Việc không buộc doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh chỉ giúp làm rõ hơn giới hạn trong điều 7 LDN chứ không có nghĩa là xóa bỏ giới hạn đó.
Ngoài ra, doanh nghiệp hoạt động ở lĩnh vực nào sẽ phải bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện hoạt động theo quy định của LDN và/ hoặc các luật chuyên ngành. Lúc này mới là lúc cần đẩy mạnh vai trò “hậu kiểm” của cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan nhà nước liên quan.
Đã đến lúc chúng ta nên sửa đổi các thủ tục cần thiết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp được quy định trong LDN, theo hướng cắt giảm bớt một số thủ tục không cần thiết trong quá trình thành lập và hoạt động doanh nghiệp, trong đó, xem xét việc không buộc doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh khi đăng ký kinh doanh.