Chúng tôi xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Hữu Tiến có tiêu đề: “Để phán quyết không chỉ nằm trên giấy” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 29/08/2019, Số 35.2019 (1.498). Trong bài viết, Luật sư Tiến đã nêu ra những thực trạng và bất cập trong việc thực thi các bản án và quyết định dân sự có hiệu lực tại Việt Nam hiện nay. Bài viết cũng đưa đến cho người đọc góc nhìn và quan điểm pháp lý của người viết về tính hiệu quả của một số quy định hiện hành liên quan đến việc cho thi hành án. Đúc rút lại, bài viết gợi ý đến việc áp dụng những chế tài để hỗ trợ cho việc thi hành án dân sự tại Việt Nam có hiệu quả hơn, tham chiếu đến một số ví dụ thực tiễn ở các quốc gia trên thế giới.
***
Sự việc một cơ quan thi hành án dân sự tại TPHCM phải “bó tay” trong việc thi hành phán quyết của tòa án đối với một vị nữ doanh nhân, dù đã được tống đạt các văn bản của cơ quan thi hành án về việc tiến hành cưỡng chế thi hành án, nhưng vị nữ doanh nhân nọ… mặc kệ, không hợp tác mà vẫn bình chân như vại, cho thấy hả năng các phán quyết của tòa án có thể bị vô hiệu hóa trong thực tế.
Nhìn đến bức tranh lớn hơn, dựa trên số liệu thống kê của Tổng cục Thi hành án dân sự([1]), trên tổng số 914.083 vụ việc phải thi hành và 711.990 vụ việc có điều kiện thi hành riêng trong năm 2018, chỉ có khoảng 38,35% được thi hành xong. Nói cách khác, gần 62% các bản án trong năm qua vẫn chưa được thi hành đầy đủ. Câu hỏi được đặt ra là làm sao để những bản án, biểu tượng của công lý được thực thi đầy đủ?
Phán quyết của tóa án không thể bị xem thường
Về nguyên tắc của pháp luật tố tụng dân sự, một khi bản án hoặc quyết định dân sự của tòa án có hiệu lực pháp luật, tất cả các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ phải tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành. Đối với bản án hoặc quyết định có hiệu lực chưa được thi hành, cơ quan thi hành án dân sự, theo nhiệm vụ và chức năng của mình, sẽ tổ chức việc thi hành án căn cứ trên đơn yêu cầu của người được thi hành án hoặc khi xét thấy cần thiết. Khi đó, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cũng phải có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ quan thi hành án dân sự theo quy định.
Theo quy định của Luật Thi hành án dân sự (tại điều 162 và điều 165), hành vi cố ý không chấp hành bản án, quyết định, không tự nguyện thi hành các quyết định về thi hành án có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Mức phạt hành chính được áp dụng từ 500.000 đồng lên tới 5.000.000 đồng tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của hành vi, theo quy định tại Nghị định số 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (được sửa đổi bởi Nghị định số 67/2015 ngày 14-8-2015 của Chính phủ).
Trong khi đó, theo quy định tại điều 380 của Bộ luât Hình sự 2015, trường hợp có điều kiện thi hành án nhưng không chấp hành bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật của tòa án mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này, thì bị phạt tù từ ba tháng đến năm năm (tùy trường hợp) và có thể bị phạt tiền từ 5-50 triệu đồng.
Tóm lại, pháp luật Việt Nam yêu cầu người phải thi hành án phải có trách nhiệm chấp hành bản án hoặc quyết định có hiệu lực của tòa án. Một khi không chấp hành án, người phải thi hành án sẽ có thể chịu phạt tiền hoặc phạt tù tùy theo hành vi.
Những khó khăn thực tế
Từ quan điểm của người viết, hình phạt hành chính đến vài triệu đồng như trên có vẻ như chưa đủ sức răn đe, đặc biệt trong những vụ việc có giá trị thi hành án lớn, gấp nhiều mức phạt tiền, hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi như thi hành án nuôi con, cấp dưỡng, hoàn trả nhà đất…. Khi so sánh lợi ích từ việc không thi hành án và số tiền có thể bị phạt, người phải thi hành án nhiều trường hợp sẵn sàng chịu phạt hành chính kể trên để không phải thi hành án hoặc để kéo dài thời gian thi hành án.
Đương nhiên, nếu như người phải thi hành án tiếp tục vi phạm, cơ quan thi hành án dân sự có thể cân nhắc đề nghị cơ quan có thẩm quyền áp dụng hình thức xử phạt có tính nghiêm khắc hơn thông qua truy cứu trách nhiệm hình sự. Trên thực tế, việc xử lý hình sự đối với hành vi không chấp hành án là một vấn đề không mới trong luật. Bộ luât Hình sự 1999 đã có quy định tại điều 304 về Tội không chấp hành án. Sau đó, điều 380 của Bộ luật Hình sự 2015 đã có những sửa đổi tích cực để làm rõ hình phạt hình sự có thể được áp dụng trong trường hợp nào. Dù vậy cho đến nay, các văn bản pháp luật liên quan vẫn chưa đem đến những hướng dẫn cụ thể về việc cơ quan thi hành án cần tiến hành đề nghị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội không chấp hành án như thế nào.
Trong khi hình phạt hành chính còn chưa thỏa đáng, việc áp dụng hình thức xử phạt mạnh tay hơn (hình phạt hình sự) đối với người không chấp hành án lại không phổ biến. Điều này vô hình chung tạo nên tâm lý coi nhẹ việc chấp hành thi hành án, chây ỳ, trốn tránh, thậm chí chống đối việc chấp hành các phán quyết.
Cần mạnh tạy hơn để công lý được thực thi
Như đã đề cập trên đây, việc thực thi các bản án, quyết định dân sự có hiệu lực tại Việt Nam đang gặp phải vướng mắc khi các quy định về xử phạt đối với việc không chấp hành án hoặc chưa đủ để răn đe hoặc còn khó khăn khi áp dụng. Với thực tế là các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thi hành án dân sự được ban hành đã lâu (từ năm 2013), các nhà làm luật nên chăng cần cân nhắc có những quy định cập nhật, sửa đổi, bổ sung phù hợp để đưa ra các mức phạt tiền “hợp thời giá” cũng như hợp lý hơn.
Mặt khác, việc cung cấp bổ sung cho cơ quan thi hành án và các cơ quan có thẩm quyền liên quan khác các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về việc phối hợp nhiệm vụ khi xử lý hành vi không chấp hành án cũng là điều cần thiết và nên được triển khai sớm để đảm bảo việc truy cứu tránh nhiệm đối với hành vi không chấp hành án diễn ra có hiệu quả, tránh bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Trong khi Việt Nam còn đang xoay trở với các công thức truyền thống như phạt tiền và phạt tù, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang có những các tiếp cận mang tính “mở” để đảm bảo việc cho việc thi hành các phán quyết của tòa án. Ở một số tiểu bang của Mỹ như Michigan, công dân không chấp hành án đối diện với rủi ro bị đình chỉ giấy phép lái xe cho đến khi thi hành án đầy đủ. Ở một số quốc gia khác, việc không chấp hành án có thể dẫn tới việc bị hạn chế sử dụng một số loại dịch vụ, tiện ích công cộng.
Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên xem xét để có những điều chỉnh phù hợp cho mục tiêu bảo đảm tính thượng tôn của pháp luật.
[1] Báo Nhân dân điện tử – bài đăng ngày 15 tháng 11 năm 2018: https://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/38253702-trien-khai-cong-tac-thi-hanh-an-dan-su-hanh-chinh-nam-2019.html