GV Lawyers xin giới thiệu bài viết của Luật sư Trần Thanh Tùng & Luật sư Võ Đình Đức có tiêu đề: “Cuộc chiến tiếp theo của doanh nghiệp việt” được đăng trên Thời báo kinh tế Sài Gòn ngày 12/05/2016, Số 20.2016 (1.326).
***
Quyền tự do kinh doanh đã được xác lập nhưng cuộc chiến giành quyền tự do kinh doanh thực sự của daonh nhân Việt chưa chấm dứt. Họ sẽ bước vào cuộc chiến tiếp theo, chông gai không kém: cuộc chiến chống lại các điều kiện kinh doanh.
Nếu có ai đó đặt câu hỏi vụ án quán phở Xin Chào bé bằng cái móng tay mà sao tốn nhiều giấy mực của báo chí thế, câu trả lời sẽ là: vì nó là một vụ án tiêu biểu, là điểm va chạm của hai xung lực ngược chiều: xung lực từ quyền tự do kinh doanh được hiến định và xung lực từ lối tư duy bảo thủ, chưa chịu thay đổi.
Vụ án này đã kết thúc có hậu, chiến thắng thuộc về quyền tự do kinh doanh, củng cố lòng tin của cộng đồng doanh nhân, giúp họ yên tâm vạch ra các kế hoạch kinh doanh mà không sợ “vòng kim cô” kinh doanh trái phép đe dọa.
Nhìn lại cuộc tranh đấu hơn 35 năm cho quyền tự do kinh doanh
Hiến pháp 1980 thừa nhận nền kinh tế chủ yếu có hai thành phần: thành phần kinh tế quốc doanh và thành phần kinh tế hợp tác xã; các thành thành phần kinh tế được gọi là tư bản bị “cải tạo”, những người buôn bán nhỏ được hướng dẫn chuyển sang sản xuất hoặc làm nghề khác. Nhiều hoạt động kinh doanh được cho là bất hợp pháp và đều bị pháp luật nghiêm trị. Trong bối cảnh ấy, sẽ không có câu hỏi nào về quyền tự do kinh doanh, thậm chí là quyền kinh doanh.
Đến khi Luật Doanh nghiệp Tư nhân và Luật Công ty năm 1990 ra đời, việc thành lập doanh nghiệp dân doanh được cho phép, theo một cơ chế khắt khe, mà một hồ sơ thành lập doanh nghiệp cần đến mấy chục tài liệu và thời gian kéo dài vài tháng. Bao trùm ở hai luật này vẫn là cơ chế xin-cho: doanh nhân xin, còn Nhà nước cho quyền kinh doanh. Nhưng dù sao đi nữa, sự ra đời của hai luật này đã khai sinh cho quyền kinh doanh.
Quyền tự do kinh doanh chỉ bắt đầu được nhắc đến từ Hiến pháp 1992, khi bản Hiến pháp này ghi nhận “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.” Nhưng cũng phải đợi đến Luật Doanh nghiệp năm 1999, quyền tự do kinh doanh mới chính thức được thực thi khi luật này quy định doanh nhận chỉ cần đăng ký để thành lập doanh nghiệp chứ không phải xin phép Nhà nước như trước nữa. Luật Doanh nghiệp năm 1999 được doanh nhân đón nhận nồng nhiệt. Chỉ trong 2 năm sau khi nó ra đời, số doanh nghiệp thành lập mới bằng cả chín năm thi hành Luật Doanh nghiệp Tư nhân và Luật Công ty năm 1990. Vui đấy, nhưng rủi ro hình sự vẫn lơ lửng trên đầu vì doanh nghiệp vẫn chỉ được “kinh doanh theo đúng các ngành, nghề đã đăng ký” (ngay cả Luật Doanh nghiệp 2005 cũng vẫn còn quy định này) trong khi tội danh “Kinh doanh trái phép” vẫn tồn tại trong Bộ Luật Hình sự.
Chỉ đến khi Hiến pháp năm 2013 minh thị rõ rằng “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm” và Luật Đầu tư năm 2015 giới hạn 6 ngành nghề cấm kinh doanh (ma túy, chất độc, mại dâm, người và bộ phần người, động vật hoang dã và nhân bản vô tính người) cùng với việc Bộ Luật Hình sự bãi bỏ tội danh “Kinh doanh trái phép” thì quyền tự do kinh doanh mới được cởi trói và hoàn thành con đường chông gai đi tìm sự thừa nhận hoàn toàn cho mình.
Cuộc chiến tiếp theo của doanh nghiệp Việt
Quyền tự do kinh doanh đã được xác tín nhưng cuộc chiến của doanh nhân Việt chưa chấm dứt. Họ sẽ bước vào cuộc chiến tiếp theo, chông gai không kém: cuộc chiến chống lại các điều kiện kinh doanh.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thống kê có hơn 3.299 điều kiện kinh doanh đang có hiệu lực. Trong khi đó, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thống kê hiện có 7.000 giấy phép con đang hành doanh nghiệp. Những điều kiện kinh doanh ấy, những giấy phép con ấy đã và đang ngày đêm bào mòn sức sống của doanh nghiệp Việt. Đến khi chúng ta được biết về những giao dịch thâu tóm thị trường Việt Nam từ những công ty ngoại quốc, khi chứng kiến doanh nghiệp Việt đang dần teo tóp lại trong khi doanh nghiệp FDI vẫn lớn mạnh, chúng ta mới nhận ra rằng: những điều kiện kinh doanh ấy chỉ có thể bóp nghẹt doanh nghiệp trong nước mà không thể động chạm được đến các công ty đa quốc gia.
Doanh nghiệp cần làm gì để chiến thắng
Trong vụ án Xin Chào, cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đứng ra để bảo vệ quyền tự do kinh doanh. Đây là điều mà cả xã hội mong đợi. Trong cuộc chiến tiếp theo chống lại các điều kiện kinh doanh, doanh nhân Việt cũng cần sự hỗ trợ như thế.
Doanh nghiệp cần Nhà nước xem doanh nghiệp là “đối tượng phục vụ chứ không phải là đối tượng quản lý” như lời Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Công ty Vinamilk, đã nêu lên gần đây. Để làm điều này, trước tiên cần thực hiện đúng nội dung Luật Đầu tư. Theo đó, tất cả các điều kiện kinh doanh, giấy phép con trái với Luật Đầu tư đều không còn hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Sau thời điểm đó, Nhà nước phải công khai minh bạch mọi thủ tục, hồ sơ… để hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, áp dụng luật tùy tiện, gây thiệt hại cho những doanh nhân chân chính.
Về phía doanh nghiệp Việt, với tư cách là người bị xâm hại quyền tự do kinh doanh, họ phải là người đầu tiên có tiếng nói về những điều kiện kinh doanh ấy. Ngoài ra, việc đoàn kết với nhau trong các hiệp hội ngành nghề sẽ tạo ra tiếng nói có trọng lượng hơn trong cuộc đấu tranh này, cũng như được hỗ trợ, tư vấn và bảo vệ nhiều hơn khi quyền tự do kinh doanh bị xâm phạm.