Xin giới thiệu bài viết của Luật sư Nguyễn Thị Hồng Hiên & Luật sư Hoàng Quốc Nhật Trung có tiêu đề: “Công ty đa bào – mô hình của công ty tương lai?” được đăng trên Thời báo Kinh tế Sài Gòn số 37-2018 (1.448) ngày 13/09/2018.
***
Mô hình Protected Cell Company (PCC), tạm dịch “công ty đa bào”, được đánh giá là một phát kiến quan trọng trên thế giới cho tài chính doanh nghiệp.
Công ty đa bào – tương lai của mô hình công ty?
PCC – công ty đa bào là mô hình công ty được phát kiến và luật hóa đầu tiên từ năm 1997 bởi các nhà lập pháp của Guernsey[1] – một quần đảo thuộc Hoàng gia Anh – với hệ thống luật pháp tương đối độc lập với Vương Quốc Anh[2].
Mô hình công ty này xuất hiện như một giải pháp để bảo vệ các công ty đầu tư và bảo hiểm ở Guersey. Mô hình này đặc biệt phát triển và được thừa nhận rộng rãi hơn sau sự sụp đổ đồng loạt của một số công ty tài chính, bảo hiểm từ hậu quả của sự kiện Trung tâm Thương mại thế giới của Mỹ bị tấn công năm 2001 và đã được luật hóa rộng rãi tại một số nước như: quần đảo Islands, Bermuda, Malta Gibraltar, quần đảo Cayman và một số bang của Mỹ[3].
Công ty đa bào là một công ty đơn nhất nhưng các tài sản của công ty này được phân chia và bảo vệ trong nhiều “tế bào” (cells) độc lập – với sự tách biệt về tài sản giữa các “tế bào” và giữa “tế bào” với phần hạt nhân của công ty (“core” hoặc “non-cellular”). Chúng ta sẽ lấy một ví dụ để xem công ty đa bào vận hành như thế nào.
Giả sử một nhà đầu tư có hai dự án bất động sản là B và C và các cổ phiếu của nhiều công ty khác nhau. Để các dự án này không ảnh hưởng lẫn nhau, giải pháp thông thường là nhà đầu tư sẽ thành lập ba công ty độc lập cho dự án B, C và số cổ phiều còn lại. Nhưng chi phí duy trì ba công ty là rất lớn và không kinh tế chút nào, chưa kể đến vấn đề phải bổ nhiệm/tuyển dụng nhân sự riêng cho ba công ty này. Thay vào đó, nhà đầu tư sẽ lập một công ty A và phân chia công ty thành ba tế bào: tế bào B để “chứa” dự án B, tế bào C để “chứa” dự án C, tế bào D để “chứa” lượng cổ phiếu D. Mô hình công ty sẽ như sau:
Mỗi tế bào sẽ có các quy chế riêng và độc lập với nhau, do vậy, khi một tế bào gặp vấn đề (ví dụ dự án B bị thua lỗ, phá sản), sẽ không ảnh hưởng đến các dự án, tài sản của tế bào khác. Nói một cách khác, chủ nợ của công ty đa bào A trong giao dịch liên quan đến dự án B không thể động đến phần tài sản được xác định là thuộc tế bào C (dự án C) hoặc chính công ty A. Tuy nhiên, không giống mô hình các tập đoàn ở Việt Nam với một công ty mẹ và nhiều công ty con, công ty đa bào này vẫn chỉ là một thực thể pháp lý đơn nhất với mô hình tổ chức và tình trạng thuế như một công ty, và một điều lệ hoạt động thống nhất cho toàn bộ công ty trong đó nêu rõ việc công ty là một công ty đa bào.
Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ của các công ty đa bào, công ty đa bào phải có nghĩa vụ thông báo với các chủ nợ về hình thức hoạt động đặc thù này của mình. Ví dụ như, theo đạo luật về công ty đa bào của Guernsey, các công ty đa bào buộc phải thông báo với các bên giao kết hợp đồng với mình về việc “chúng tôi là một công ty đa bào” và bạn đang giao kết hợp đồng với “tế bào” nào của công ty. Bằng cách này, các bên giao kết hợp đồng/ các chủ nợ tương lai sẽ biết về giới hạn tối đa số nợ họ có thể đòi.[4]
Ưu điểm nổi trội của công ty đa bào
Với những đặc điểm trên, mô hình công ty đa bào rõ ràng là một mô hình hoạt động có thể hạn chế các rủi ro tài chính cho công ty với rất nhiều ưu điểm.
Ưu điểm lớn nhất có thể thấy chính là việc hạn chế các rủi ro phá sản cho công ty. Do mỗi tế bào có các nghĩa vụ tài chính độc lập, tình trạng vỡ nợ của một tế bào không dẫn đến việc phá sản công ty hay các tế bào còn lại. Điều này giúp mô hình công ty đa bào có thể là lựa chọn hàng đầu cho các công ty đầu tư mạo hiểm hay các quỹ đầu tư.
Tiếp theo, việc hình thành công ty đa bào với các “tế bào” hoạt động độc lập và riêng rẽ rõ ràng nhanh gọn và linh hoạt hơn hơn việc công ty mẹ thành lập ra nhiều công ty con và công ty liên kết theo quy trình cấp phép thông thường trong khi mục tiêu phân tách tài sản vẫn đạt được. Mỗi “tế bào” có thể hình thành nhanh chóng bất cứ lúc nào theo quyết định của công ty để đáp ứng tốc độ vận hành rất nhanh của nền kinh tế.
Ngoài ra, dưới góc độ thương mại, công ty đa bào rõ ràng hấp dẫn các nhà đầu tư hơn mô hình công ty mẹ với nhiều công ty con do chi phí vận hành và quản lý tiết kiệm hơn. Chúng ta có thể hình dung một công ty chuyên về đầu tư với hàng chục, thậm chí hàng trăm dự án đầu tư, nếu với mỗi dự án công ty phải thành lập một công ty (để giám thiểu rủi ro) có ban giám đốc và kế toán riêng thì đó thực sự là một sự lãng phí về nguồn lực và chi phí.
Nhìn những ưu điểm trên mới thấy không phải ngẫu nhiên mà nhiều nước trên thế giới, bao gồm nhiều bang của Mỹ, đã công nhận và sử dụng mô hình công ty đa bào này như một công cụ để bảo vệ sự ổn định thị trường tài chính, bởi chính họ đã trải qua sự bất ổn của thị trường bảo hiểm và nhiều hệ lụy kèm theo đó. Đó cũng là lý do mô hình này đã được áp dụng rộng rãi hơn với nhiều ngành nghề khác nhau ngoài lĩnh vực đầu tư và bảo hiểm ban đầu.
Nên chăng xem xét áp dụng mô hình công ty đa bào tại Việt Nam?
Nhìn về gốc pháp lý, mô hình công ty sinh ra để bảo vệ sự tách biệt về mặt tài sản giữa công ty và người chủ sở hữu của nó và người chủ sở hữu có quyền thành lập số lượng công ty không hạn chế cho các dự án khác nhau của mình. Do đó, thay vì bắt người chủ sở hữu đi theo quy trình cấp phép thông thường cho tất cả công ty đó, thì hành lang pháp lý có thể trao cho những ông chủ doanh nghiệp quyền được tự khai sinh các “tế bào” độc lập trong mỗi công ty của mình. Điều này không làm sai khác đi bản chất pháp lý của công ty. Vì vậy, việc nghiên cứu áp dụng mô hình này ở Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở.
Bên cạnh những ưu điểm trên, người ta vẫn còn phân vân về việc quyền lợi của các bên thứ ba có được đảm bảo hay không. Theo quy định, công ty đa bào có nghĩa vụ thông báo đến các bên giao kết hợp đồng về mô hình của mình, và công ty có nghĩa vụ phân tách rõ ràng tài sản giữa các “tế bào”. Nhưng bản thân điều này liệu có đủ để đảm bảo phân tách độc lập về mặt tài sản của các “tế bào”?
Trên thực tế, ở Việt Nam đã có rất nhiều hiện tượng các công ty trong tình trạng phá sản tìm nhiều cách thức để tẩu táng tài sản công ty nhằm hạn chế thất thoát. Mô hình công ty đa bào, nếu được áp dụng, liệu có khiến các công ty dễ dàng trốn tránh nghĩa vụ trả nợ của mình?
Các vấn đề này cần được tìm hiểu và trả lời trong một nghiên cứu lớn hơn. Bài việc này chỉ góp phần đưa đến ý niệm về một mô hình công ty mới, để từ đó có thể có nhiều bài nghiên cứu hơn nữa về khả năng áp dụng mô hình còn mới lạ này vào Việt Nam.
[1] Phần A brief story – http://www.aon.com/guernsey/attachments/PCC-and-ICCs-FINAL.pdf
[2] http://www.guernseybar.com/practising-guernsey-law/introduction-to-guernsey.aspx
[3] http://www.aon.com/guernsey/attachments/PPC-and-ICCs-FINAL.pdf
[4] Vui lòng tham khảo phần “Company to inform persons they are dealing with PCC” – Mục 11 trong “Protected Cell Company Ordinance 1997” của Guernsey