Legal Alert October 2022 VN

Cập Nhật Pháp Luật | Tháng 10 Năm 2022

Ngày 13/10/2022, Bộ Công thương đã có Tờ trình số 6328/TTr-BCT về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là “Quy hoạch Điện VIII”). Các mục tiêu chủ yếu của Quy hoạch Điện VIII là: (i) định hướng tương lai phát triển của ngành điện, (ii) định lượng các giá trị mục tiêu cung cấp điện, (iii) xác định quy mô, tiến độ và phân bổ không gian của các công trình nguồn điện, lưới điện, và (iv) đề xuất các giải pháp thực hiện quy hoạch, qua đó góp phần đảm bảo cung cấp điện an toàn liên tục cho phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của đất nước.

Trong Tờ trình này, Bộ Công thương đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số nội dung lớn sau:

  • Về cơ cấu nguồn: đến năm 2030 có tổng công suất các nhà máy điện khoảng 123.682-145.589 MW; định hướng đến năm 2050 có tổng công suất nguồn điện khoảng 375.361-501.558 MW. Cơ cấu nguồn trên không bao gồm điện mặt trời mái nhà, các nguồn đồng phát, điện mặt trời tự sản tự tiêu.
  • Về các dự án điện mặt trời:
    • Các dự án đã được duyệt và bổ sung Quy hoạch VII điều chỉnh: đề xuất cho phép tiếp tục phát triển các dự án điện mặt trời đã được chấp thuận nhà đầu tư đến năm 2030 với tổng công suất 2.360,42 MW với điều kiện là các dự án đó phải tuyệt đối tuân thủ quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, … đồng thời, các dự án này cũng chỉ được phép triển khai phù hợp với hạ tầng lưới điện khu vực và khả năng hấp thụ chung của hệ thống điện quốc gia.
    • Điện mặt trời mái nhà: khuyến khích các địa phương, doanh nghiệp, người dân phát triển mạnh điện mặt trời mái nhà với mục đích tự sử dụng, không bán vào hệ thống điện quốc gia. Quy hoạch Điện VIII xác định loại hình này là ưu tiên, cho phép phát triển không giới hạn qui mô công suất, không phụ thuộc vào cơ cấu nguồn điện đã quy hoạch.
  • Về điện gió trên bờ và ngoài khơi: ưu tiên phát triển mạnh điện gió trên bờ 16.821 MW (dự kiến tăng thêm 4.659 MW, trong đó có 1.500 MW tại miền Bắc) và điện gió ngoài khơi là 7.000 MW (riêng miền Bắc là 4.000 MW).
  • Về các dự án điện than: không đưa 5 dự án điện than (Công Thanh, Quảng Trị, Sông Hậu II, Nam Định I và Vĩnh Tân III) với tổng công suất 6.800 MW đang chuẩn bị đầu tư, nhưng khó khăn trong triển khai và thu xếp vốn vào cân đối và bù bằng nguồn khác.
  • Về các dự án điện khí:
    • Ưu tiên các dự án nhiệt điện khí sử dụng nguồn khí tự nhiên trong nước, trong đó tập trung phát triển 2 chuỗi dự án khí – điện Lô B và Cá Voi Xanh với tổng công suất mới là 6.900 MW vào năm 2030.
    • Giảm 17.000 MW nguồn điện sử dụng khí LNG nhập khẩu so với phướng án tháng 3/2021, dự kiến đến năm 2030 sẽ xây dựng 23.900 MW nguồn điện sử dụng khí LNG.
  • Về điện sinh khối: dự kiến công suất điện sinh khối đạt 2.470 MW vào năm 2030.
  • Về thủy điện: ưu tiên phát triển các dự án thủy điện đa mục tiêu, phát triển có chọn lọc các dự án thủy điện vừa và nhỏ đến năm 2030 khoảng 28.946 MW nguồn thủy điện.
  • Về chuyển đổi nhiên liệu các nhà máy nhiệt điện chạy than và khí: định hướng đến năm 2050, phần lớn các nhà máy nhiệt điện chạy than, khí sẽ chuyển sang sử dụng hydro. Đồng thời xác định các dự án điện gió, điện mặt trời phục vụ sản xuất hydro, không bán điện lên lưới điện quốc gia thuộc nhóm ưu tiên phát triển.

Bộ Công thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch Điện VIII trình lại Thủ tướng Chính phủ xem xét.

Rate this post
Scroll to Top