Ngày 15/5/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 52/2024/NĐ-CP (“Nghị định 52/2024”) quy định về thanh toán không dùng tiền mặt, thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 80/2016/NĐ-CP). Nghị định 52/2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và sẽ là khung pháp lý quan trọng thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt, tạo điều kiện chuyển đổi số và có tác động sâu rộng đến nhiều lĩnh vực, đối tượng, tổ chức, cá nhân liên quan.
GV Lawyers xin giới thiệu một số nội dung mới đáng chú ý của Nghị định 52/2024 để quý vị tham khảo:
1. Tiền điện tử – Lần đầu tiên được định danh về pháp lý
Một trong những điểm mới nổi bật của Nghị định 52/2024 là lần đầu tiên giới thiệu khái niệm “tiền điện tử” trong một văn bản pháp lý chính thức tại Việt Nam. Điều 3.12 của Nghị định 52/2024 định nghĩa tiền điện tử là: “giá trị tiền Việt Nam Đồng lưu trữ trên các phương tiện điện tử được cung ứng trên cơ sở đối ứng với số tiền được khách hàng trả trước cho ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử”.
Để làm rõ bản chất của tiền điện tử, Điều 6 của Nghị định 52/2024 quy định tiền điện tử chỉ được lưu trữ trong 02 phương tiện lưu trữ là ví điện tử và thẻ trả trước. Trong đó, ví điện tử và thẻ trả trước được phát hành, cung ứng bởi Ngân hàng; còn tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán chỉ được phép cung ứng dịch vụ ví điện tử có liên kết với tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của chính khách hàng mở tại Ngân hàng. Việc cung cấp, phát hành và sử dụng ví điện tử, thẻ trả trước thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, việc luật hóa khái niệm và bản chất pháp lý của tiền điện tử là cơ sở pháp lý để phân biệt tiền điện tử với các loại tiền kỹ thuật số/tiền ảo, hoặc các phương tiện thanh toán không hợp pháp khác do các tổ chức không có thẩm quyền phát hành.
2. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có vốn điều lệ thực góp tổi thiểu là 50 tỷ đồng
Theo Điều 22.2 của Nghị định 52/2024, để được Ngân hàng Nhà nước cấp Giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức không phải là Ngân hàng phải đáp ứng đầy đủ và đảm bảo duy trì đủ các điều kiện theo quy định. Trong đó có điều kiện về vốn điều lệ thực góp hoặc được cấp tối thiểu, cụ thể là 50 tỷ đồng đối với dịch vụ ví điện tử, dịch vụ hỗ trợ thu hộ, chi hộ và dịch vụ cổng thanh toán điện tử; và 300 tỷ đồng đối với dịch vụ chuyển mạch tài chính, dịch vụ chuyển mạch tài chính quốc tế, dịch vụ bù trừ điện tử.
Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng dịch vụ ví điện tử phải đảm bảo duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho các dịch vụ ví điện tử mở tại Ngân hàng không thấp hơn tổng số dư của tất cả các ví điện tử phát hành cho khách hàng.
3. Các trường hợp phong tỏa tài khoản thanh toán
Theo Điều 11 của Nghị định 52/2024, tài khoản ngân hàng sẽ bị phong tỏa một phần hoặc toàn bộ số dư trên cơ sở thỏa thuận trước giữa chủ tài khoản thanh toán và tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán hoặc theo yêu cầu của chủ tài khoản; hoặc khi có quyết định hoặc văn bản yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Ngoài ra, tài khoản thanh toán có thể bị phong tỏa khi tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán phát hiện có nhầm lẫn, sai sót trong việc ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng, hoặc thực hiện phong tỏa theo yêu cầu hoàn lại số tiền của tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán chuyển tiền do có nhầm lẫn, sai sót so với lệnh thanh toán của bên chuyển tiền sau khi ghi có vào tài khoản thanh toán của khách hàng. Trong cả hai trường hợp này, số tiền bị phong tỏa trên tài khoản thanh toán không được vượt quá số tiền chuyển nhầm.
Nghị định 52/2024 cũng cho phép các chủ tài khoản chung yêu cầu phong tỏa tài khoản thanh toán, trừ trường hợp có thỏa thuận trước bằng văn bản giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và các chủ tài khoản thanh toán chung đó. Việc bổ sung này được xem là phù hợp với thực tiễn do các giao dịch hợp tác kinh doanh, đồng chủ tài khoản diễn ra rất phổ biến trên thị trường nhằm bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự của các bên trong các giao dịch.
Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, chủ tài khoản thanh toán và cơ quan có thẩm quyền nếu thực hiện hoặc yêu cầu thực hiện phong tỏa tài khoản thanh toán trái pháp luật gây thiệt hại cho chủ tài khoản thanh toán thì chịu trách nhiệm bồi thường theo quy định của pháp luật.
Nghị định 52/2024 cũng sửa đổi, bổ sung một số nội dung liên quan để phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay, ví dụ như quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán; ủy quyền sử dụng tài khoản thanh toán; xử lý số dư khi đóng tài khoản thanh toán; bảo mật thông tin tài khoản thanh toán và giao dịch thanh toán; nghiêm cấm hành vi trộm cắp, thông đồng để đánh cắp, mua bán thông tin tài khoản thanh toán, thông tin thẻ ngân hàng, thông tin ví điện tử, v.v.
Như vậy, với việc ban hành Nghị định 52/2024, các hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt sẽ có nhiều điều kiện phát triển hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, cung ứng nhiều sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới an toàn và minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả vai trò quản lý của Nhà nước trong xu thế phát triển của xã hội.