Sau hơn 2 năm xây dựng và hoàn thiện với 8 tờ trình của Bộ Công Thương, ngày 15 tháng 5 năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (“Quy hoạch Điện VIII”) với 3 mục tiêu trọng tâm là:(i)đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; (ii) chuyển đổi năng lượng công bằng; và (iii) phát triển hệ sinh thái công nghiệp và dịch vụ năng lượng tái tạo. Năng lượng tái tạo đang là nội dung được quan tâm nhất hiện nay.
Theo Quy hoạch Điện VIII, Chính phủ đưa ra định hướng sẽ không xây dựng thêm nhiệt điện than sau năm 2030, chuyển dịch dần sang các nguồn năng lượng tái tạo bằng cách đặt ra mục tiêu ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Theo đó, năng lượng tái tạo sẽ đạt tỷ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030 và đạt 67,5 – 71,5% vào năm 2050, cụ thể:
1. Điện mặt trời
Quy mô điện mặt trời theo Quy hoạch Điện VIII sẽ tiếp tục tăng trong giai đoạn này, dự kiến đạt 168.954 – 189.294 MW vào năm 2050. Tuy nhiên, so với trước đây, các dự án điện mặt trời mái nhà sẽ chỉ phục vụ tiêu thụ tại chỗ mà không bán điện vào hệ thống điện quốc gia. Do đó, thời gian thu hồi vốn của các nhà đầu tư cũng sẽ bị kéo dài.
2. Điện gió
Quy hoạch Điện VIII đưa ra mục tiêu là đến năm 2050, tổng công suất điện gió trên bờ đạt 60.050 – 70.050 MW và tổng công suất điện gió ngoài khơi đạt mức 70.000 – 91.500 MW.
Điện gió gần đây cũng đã được chú trọng hơn do tiềm năng phát triển lớn cả về quy mô, sản lượng điện lẫn lợi nhuận mang lại. Tuy nhiên, cho đến hiện nay, việc đầu tư vào điện gió ngoài khơi còn gặp nhiều khó khăn do thiếu vắng hành lang pháp lý. Để có thể đi đúng định hướng và phát triển bền vững, Chính phủ sẽ phải gấp rút đưa ra các văn bản hướng dẫn cụ thể đối với lĩnh vực này.
3. Điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn
Theo dự kiến, đến năm 2050, tổng công suất các loại điện sinh khối, điện sản xuất từ rác, chất thải rắn sẽ đạt 6.015 MW. Mặc dù mục tiêu đặt ra chưa cao, các dự án điện sinh khối, điện rắn, điện từ chất thải rắn lại được khuyến khích đầu tư bởi nguồn nguyên liệu dồi dào cũng như những lợi ích to lớn mà các dự án này mang lại từ góc độ bảo vệ môi trường.
4. Thủy điện
Theo định hướng đến năm 2050, tổng công suất của thủy điện sẽ là 36.016 MW. So với sự phát triển nhanh chóng của 3 loại điện năng nêu trên, thủy điện đã dần chững lại ở thời điểm này.
Với định hướng như trên của Quy hoạch Điện VIII, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong lĩnh vực năng lượng tái tạo sẽ cần đặc biệt quan tâm đến cơ chế cũng như lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn phát triển năng lượng của Việt Nam để tham gia đầu tư phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Ngoài ra, những bất cập trong cơ chế giá phát điện được tháo gỡ cũng sẽ ảnh hưởng đến quyết định mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp cũng như tác động tích cực đến tính cạnh tranh của ngành năng lượng Việt Nam.
Về phía các doanh nghiệp sử dụng điện: doanh nghiệp sẽ được chủ động trong việc đàm phán với các nhà cung cấp điện với giá điện cạnh tranh theo thị trường, việc này giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất cũng như đảm bảo nguồn điện phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Như vậy, có thể thấy được việc thông qua Quy hoạch Điện VIII sẽ tạo ra xu hướng đầu tư và phát triển mới cho thị trường năng lượng Việt Nam, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Có thể dự đoán khả năng có sự dịch chuyển dòng vốn vào các dự án điện gió trong tương lai. Bên cạnh đó, điện rác cũng là một thị trường tiềm năng đầy hứa hẹn cho các nhà đầu tư năng lượng trong giai đoạn hiện nay.
Từ góc độ thực thi pháp luật, Chính phủ cần nhanh chóng ban hành khung pháp lý rõ ràng, nhất quán để có thể phát triển ngành năng lượng Việt Nam theo đúng Quy hoạch Điện VIII, thu hút nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, cũng như các hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ (đặc biệt là về điện gió) cho phát triển năng lượng xanh tại Việt Nam trong tương lai.